Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cũng là dịp tròn 59 năm người cựu chiến binh Nguyễn Duy Châu gia nhập đội quân huyền thoại ấy. Bao ký ức của một thời chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đầy hy sinh, gian khổ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của người lính năm xưa nay đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”.
Cựu chiến sĩ lái xe Trường Sơn Nguyễn Duy Châu. Ảnh chụp lại.
Ông Nguyễn Duy Châu sinh năm 1948 tại xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Ông vốn là lính công binh, nhập ngũ tháng 11 năm 1965 khi mới mười bảy tuổi. Cuối năm 1968, ông được cử đi học lái xe một tháng. Kết thúc khóa học, ông được biên chế về đơn vị vận tải 963. Đầu năm 1970 chuyển về Đại đội 5, Tiểu đoàn 101, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Cuối năm 1970 ông lại được biên chế về Trung đoàn 13, Sư đoàn 571 (Đoàn 559).
Ông đã được Nhà nước và Quân đội phong tặng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Chiến công, 3 Huân chương Kháng chiến, 1 Huân chương chống Mỹ cứu nước, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 2 Huân chương Chiến sĩ giải phóng, 2 danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 1 danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng và 4 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ Trường Sơn quyết thắng cùng rất nhiều bằng khen, giấy khen.
Hòa bình lập lại, ông cùng với đồng đội là những người lính Trường Sơn năm xưa tham gia làm kinh tế, khai thác, vận chuyển gỗ ở Gia Nghĩa (Đắk Nông); tham gia xây dựng khu quân sự Cam Ranh (Khánh Hòa). Năm 1986 ông nghỉ hưu với cấp bậc đại úy, trở về với mảnh đất quê hương, lại sớm hôm gắn bó với ruộng đồng, gò bãi bên dòng Lam Giang, nơi ông cha bao đời nay khai cơ lập nghiệp.
“Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Hai mươi mốt năm trong quân ngũ, người cựu chiến binh Nguyễn Duy Châu có đến mười năm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Đó là khoảng thời gian ông cùng với chiếc ZIL-130 huyền thoại, “bon trên những dặm đường” Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, có khi vào tận Phnôm Pênh (Campuchia); “băng qua bao suối đèo, đồi nương”; bất chấp mưa bom bão đạn quân thù với tinh thần đầy quả cảm của người lính lái xe Trường Sơn.
Ông đã từng có những kỷ niệm không thể nào quên đối với nhà thơ Phạm Tiến Duật khi ông được cấp trên giao nhiệm vụ trực tiếp đưa nhà thơ đi thực tế chiến trường. Người lính già đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” nhưng chất giọng vẫn sang sảng mỗi khi đọc lại cho tôi nghe những câu thơ trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của người bạn đồng hành trên những chuyến xe ra tiền tuyến mà ông đã thuộc nằm lòng từ hơn nửa thế kỷ trước.
Đó là những kỷ niệm đẹp của một thời máu lửa. Thật hiếm hoi trên đường ra trận, người lính lái xe Trường Sơn lại cùng nhà thơ - chiến sĩ ngồi chung buồng lái, mỗi lần dừng lại nơi binh trạm, mặt mày ai nấy lem luốc bụi đường, không còn nhận ra nhau nữa: “Bụi phun tóc trắng như người già/Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc/Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng người lính lái xe Trường Sơn Nguyễn Duy Châu vẫn nhớ như in những câu thơ của người bạn đồng hành trên những chuyến xe chở hàng ra mặt trận ngày nào. Tôi thuộc lòng ngay bài thơ vì nó nói trúng tâm trạng, hoàn cảnh của cánh lái xe Trường Sơn chúng tôi lúc ấy, ông Châu chia sẻ.
“Không có kính không phải vì xe không có kính/Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi/Ung dung buồng lái ta ngồi/Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”. Giọng người lính già vẫn còn rất chắc khỏe và đầy tự tin như cách đây hơn nửa thế kỷ trong buồng lái chiếc ZIL-130 ngồi nghe nhà thơ Phạm Tiến Duật đọc những câu thơ tắm mình trong khói lửa chiến tranh.
“Chỉ cần trong xe có một trái tim”, ông Châu nhắc lại câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật một cách đầy tự hào. Tôi ngầm hiểu điều mà ông cũng như bao chiến sĩ lái xe năm xưa ấp ủ và đã được người đồng đội – nghệ sĩ chiêm nghiệm qua những chuyến đi thực tế chiến trường nói hộ: “Chỉ cần trong xe có một trái tim” – trái tim đầy nhiệt huyết, trái tim cháy bỏng tình yêu nước và lý tưởng cách mạng của tuổi trẻ một thời, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc sẵn sàng lên đường ra trận.
“Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Đó cũng chính là cội nguồn của sức mạnh vô biên, lý giải cho câu hỏi vẫn luôn ám ảnh trong đầu những người thuộc thế hệ sau như tôi: Điều gì đã giúp người lính lái xe ngày ấy chỉ được đào tạo cấp tốc một tháng trong điều kiện chiến tranh ác liệt mà vẫn chắc tay lái vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số đường Trường Sơn đèo dốc cực kỳ nguy hiểm (đâu phải đường rộng thênh thênh thảm nhựa như bây giờ?) trong mưa bom bão đạn, vận chuyển hàng trăm ngàn tấn vũ khí, đạn dược, quân lương chi viện cho tiền tuyến?
Ông Châu trò chuyện cùng tác giả. Ảnh DN
Vượt lên mưa bom bão đạn, tất cả cho tiền tuyến
Với người lính lái xe Trường Sơn, mùa khô thường kéo dài 7 tháng, mỗi tháng 30 đêm chạy trên đường với 15 chuyến, mỗi chuyến vận chuyển 5 tấn hàng. Tôi lái xe từ 1969 đến 1972 – ông Châu tâm sự - chừng ấy thời gian, chú cứ nhân lên là ra số tấn hàng hóa. Mà kể cũng lạ thật, chả hiểu sao trong suốt chừng ấy năm trời cầm vô lăng, rong ruổi khắp mọi nẻo đường Trường Sơn, tôi không hề bị một trận ốm nào. Cũng có lần bị sốt rét nhưng vẫn cố chạy xe cho đến nơi tập kết, đợi bốc hàng xong là tức tốc quay về, trở lại đại bản doanh của đơn vị thì cũng vừa lúc cơn sốt chấm dứt. Sức trẻ thật phi thường.
Lái xe Trường Sơn hầu hết đều phải hoạt động vào ban đêm. Các cung đường là những lối mòn, quanh co, có khi cheo leo bên vách núi mà bộ đội ta vừa mới mở, bề rộng chỉ một làn xe. Đi trong đêm trên những cung đường như thế cực kỳ khó khăn, nguy hiểm, lái xe chỉ cần một phần mấy giây mất tập trung, tay lái không “lụa” thì cả người và xe có thể rơi xuống vực hay rớt xuống hố bom bất cứ lúc nào. Chúng tôi thường hay nói tay lái Trường Sơn “múa” còn dẻo hơn cả văn công. Đùa đấy, nhưng mà thật. Hoàn cảnh ác liệt đã tôi luyện tay nghề cho anh em. Nhưng quan trọng nhất có lẽ là vì “trong xe có một trái tim”.
Trong đêm tối Trường Sơn, cách đi an toàn nhất nhằm hạn chế sự soi mói của AC-130 - loại máy bay cường kích sát thủ khét tiếng của Mỹ lắp đặt thiết bị nhìn đêm hồng ngoại, thiết bị khuếch đại ánh sáng mờ (độ khuếch đại tối đa tới 4.000 lần) - là đi bằng đèn gầm (đèn rùa), nhưng ngay cả đèn gầm cũng chỉ giữ một quầng sáng rất nhỏ. Nếu đèn gầm sáng quá thì phải phả bùn đất hay lấy mỡ xe trét cho bớt sáng. Hôm nào sáng trăng thì không đi đèn.
Tôi cắt ngang lời ông, hỏi tại sao xe lại không có kính. Có đúng như nhà thơ viết “Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi”?
À chuyện này thì có nhiều nguyên nhân, ông Châu lý giải thêm. Xe không có kính vì thứ nhất, đúng như nhà thơ viết bom giật, bom rung làm vỡ, nhưng còn hai lý do khác nữa. Đường Trường Sơn đầy bụi đỏ, kính xe dễ bị bụi bám làm mờ, gạt nước không xuể. Thứ nữa, trong điều kiện chạy đêm trời tối mịt mùng, chỉ dùng đèn gầm nên lái xe rất khó quan sát phía trước, buộc phải tháo kính ra.
Nhưng tháo kính ra cũng có cái nguy hiểm của nó khi phải đối mặt với bom bi. Chúng tôi đã nghĩ ra cách chống bom bi rất hiệu quả, kết giàn nứa trên nóc xe, dày khoảng 50 phân. Hai bên cửa xe cũng gia cố bằng khung nứa. Ngồi trong buồng lái đội mũ sắt, mặc áo giáp nặng 28kg, lính lái xe yên tâm, chỉ còn lo căng mắt, tập trung tư tưởng cao độ để giữ cho xe không bị lao xuống vực hoặc nghiêng đổ. Nhiều khi đang chạy, bom bi nó nổ lụp bụp ngay trên đầu xe, bắn ràn rạt vào giàn nứa. Mặc, cứ nhằm phía trước mà tiến.
Có lần chúng tôi chạy từ Cổng Trời (thuộc tuyến đường 12A, Quảng Bình) vào xóm Béng (Lào) giao hàng trong đêm. Sáng hôm sau trở ra, đoàn xe chúng tôi bị bọn F4 phát hiện, đuổi bắn. Tôi đi sau đội hình, một mình một xe. Qua ngã ba thị trấn Lằng Khằng (thuộc huyện Bulapha, tỉnh Khăm Muộn, Lào) thì xe đồng đội phía trước có đại đội trưởng đi cùng bị trúng đạn. Lái xe hy sinh. Đại đội trưởng bị thương nặng. Tôi dừng xe, cõng thủ trưởng về xe mình rồi quay lại lấy xác đồng đội, chạy một mạch về Cổng Trời. Đó là cung đường ác liệt nhất mà cánh lái xe Trường Sơn hồi ấy thường chuyền tai nhau câu ca: “Siêng Phan, Pha Nốp tứ bề/Ngày đi thì có ngày về thì không”. Nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng đã nói về sự ác liệt của cung đường này trong bài thơ “Tiếng bom ở Siêng Phan”: Tôi đến gần Siêng Phan/Nghe bom ầm ầm nổ/Cỏ cây cũng chẳng yên/Tiếng bom như tiếng thú”. (Phạm Tiến Duật, Vầng trăng quầng lửa, 1970).
Lái xe trên đường Trường Sơn thì kể sao cho hết những gian khổ, khó khăn. Có khi cả tháng trời không biết đến cọng rau. Với những chuyến đi dài ngày như chở hàng vào tận căn cứ bên nước bạn Campuchia, anh em nghĩ ra sáng kiến thật hay. Trước khi vào tuyến lên đường vượt khẩu, lái xe ủ một thùng giá đỗ. Chạy đến điểm tập kết thì cũng là lúc đỗ đã lên mầm. Thế là trên đường trở ra không còn phải lo rau xanh. Bữa ăn được cải thiện nên sức khỏe người lính lái xe cũng được đảm bảo hơn.
*
Chuyện một thời về người lính lái xe Trường Sơn dường như không có điểm kết. Ông Châu càng kể càng say sưa. Ký ức của những năm tháng chiến tranh ác liệt, đầy hy sinh gian khổ nhưng thật đẹp, thật trong trẻo của những người lính trẻ thời “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (thơ Phạm Tiến Duật), “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (thơ Tố Hữu).
Những năm tháng khói lửa ấy, ngồi sau tay lái chiếc ZIL-130, ông có mặt khắp các nẻo đường Trường Sơn, Lào, Cămpuchia; băng rừng, vượt núi bất chấp bom đạn quân thù ngày đêm dội xuống như mưa. Người chiến sĩ lái xe Nguyễn Duy Châu với tinh thần quả cảm, “yêu xe như con quí xăng như máu”, vượt qua mọi hiểm nguy đưa những chuyến hàng nguyên vẹn đến tận tay chiến sĩ ngoài mặt trận, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Tháng 12/2024
Duy Nguyễn
Ông đã từng có những kỷ niệm không thể nào quên đối với nhà thơ Phạm Tiến Duật khi ông được cấp trên giao nhiệm vụ trực tiếp đưa nhà thơ đi thực tế chiến trường. Người lính già đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” nhưng chất giọng vẫn sang sảng mỗi khi đọc lại cho tôi nghe những câu thơ trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của người bạn đồng hành trên những chuyến xe ra tiền tuyến mà ông đã thuộc nằm lòng từ hơn nửa thế kỷ trước.
Đó là những kỷ niệm đẹp của một thời máu lửa. Thật hiếm hoi trên đường ra trận, người lính lái xe Trường Sơn lại cùng nhà thơ - chiến sĩ ngồi chung buồng lái, mỗi lần dừng lại nơi binh trạm, mặt mày ai nấy lem luốc bụi đường, không còn nhận ra nhau nữa: “Bụi phun tóc trắng như người già/Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc/Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng người lính lái xe Trường Sơn Nguyễn Duy Châu vẫn nhớ như in những câu thơ của người bạn đồng hành trên những chuyến xe chở hàng ra mặt trận ngày nào. Tôi thuộc lòng ngay bài thơ vì nó nói trúng tâm trạng, hoàn cảnh của cánh lái xe Trường Sơn chúng tôi lúc ấy, ông Châu chia sẻ.
“Không có kính không phải vì xe không có kính/Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi/Ung dung buồng lái ta ngồi/Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”. Giọng người lính già vẫn còn rất chắc khỏe và đầy tự tin như cách đây hơn nửa thế kỷ trong buồng lái chiếc ZIL-130 ngồi nghe nhà thơ Phạm Tiến Duật đọc những câu thơ tắm mình trong khói lửa chiến tranh.
“Chỉ cần trong xe có một trái tim”, ông Châu nhắc lại câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật một cách đầy tự hào. Tôi ngầm hiểu điều mà ông cũng như bao chiến sĩ lái xe năm xưa ấp ủ và đã được người đồng đội – nghệ sĩ chiêm nghiệm qua những chuyến đi thực tế chiến trường nói hộ: “Chỉ cần trong xe có một trái tim” – trái tim đầy nhiệt huyết, trái tim cháy bỏng tình yêu nước và lý tưởng cách mạng của tuổi trẻ một thời, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc sẵn sàng lên đường ra trận.
“Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Đó cũng chính là cội nguồn của sức mạnh vô biên, lý giải cho câu hỏi vẫn luôn ám ảnh trong đầu những người thuộc thế hệ sau như tôi: Điều gì đã giúp người lính lái xe ngày ấy chỉ được đào tạo cấp tốc một tháng trong điều kiện chiến tranh ác liệt mà vẫn chắc tay lái vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số đường Trường Sơn đèo dốc cực kỳ nguy hiểm (đâu phải đường rộng thênh thênh thảm nhựa như bây giờ?) trong mưa bom bão đạn, vận chuyển hàng trăm ngàn tấn vũ khí, đạn dược, quân lương chi viện cho tiền tuyến?
Ông Châu trò chuyện cùng tác giả. Ảnh DN
Vượt lên mưa bom bão đạn, tất cả cho tiền tuyến
Với người lính lái xe Trường Sơn, mùa khô thường kéo dài 7 tháng, mỗi tháng 30 đêm chạy trên đường với 15 chuyến, mỗi chuyến vận chuyển 5 tấn hàng. Tôi lái xe từ 1969 đến 1972 – ông Châu tâm sự - chừng ấy thời gian, chú cứ nhân lên là ra số tấn hàng hóa. Mà kể cũng lạ thật, chả hiểu sao trong suốt chừng ấy năm trời cầm vô lăng, rong ruổi khắp mọi nẻo đường Trường Sơn, tôi không hề bị một trận ốm nào. Cũng có lần bị sốt rét nhưng vẫn cố chạy xe cho đến nơi tập kết, đợi bốc hàng xong là tức tốc quay về, trở lại đại bản doanh của đơn vị thì cũng vừa lúc cơn sốt chấm dứt. Sức trẻ thật phi thường.
Lái xe Trường Sơn hầu hết đều phải hoạt động vào ban đêm. Các cung đường là những lối mòn, quanh co, có khi cheo leo bên vách núi mà bộ đội ta vừa mới mở, bề rộng chỉ một làn xe. Đi trong đêm trên những cung đường như thế cực kỳ khó khăn, nguy hiểm, lái xe chỉ cần một phần mấy giây mất tập trung, tay lái không “lụa” thì cả người và xe có thể rơi xuống vực hay rớt xuống hố bom bất cứ lúc nào. Chúng tôi thường hay nói tay lái Trường Sơn “múa” còn dẻo hơn cả văn công. Đùa đấy, nhưng mà thật. Hoàn cảnh ác liệt đã tôi luyện tay nghề cho anh em. Nhưng quan trọng nhất có lẽ là vì “trong xe có một trái tim”.
Trong đêm tối Trường Sơn, cách đi an toàn nhất nhằm hạn chế sự soi mói của AC-130 - loại máy bay cường kích sát thủ khét tiếng của Mỹ lắp đặt thiết bị nhìn đêm hồng ngoại, thiết bị khuếch đại ánh sáng mờ (độ khuếch đại tối đa tới 4.000 lần) - là đi bằng đèn gầm (đèn rùa), nhưng ngay cả đèn gầm cũng chỉ giữ một quầng sáng rất nhỏ. Nếu đèn gầm sáng quá thì phải phả bùn đất hay lấy mỡ xe trét cho bớt sáng. Hôm nào sáng trăng thì không đi đèn.
Tôi cắt ngang lời ông, hỏi tại sao xe lại không có kính. Có đúng như nhà thơ viết “Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi”?
À chuyện này thì có nhiều nguyên nhân, ông Châu lý giải thêm. Xe không có kính vì thứ nhất, đúng như nhà thơ viết bom giật, bom rung làm vỡ, nhưng còn hai lý do khác nữa. Đường Trường Sơn đầy bụi đỏ, kính xe dễ bị bụi bám làm mờ, gạt nước không xuể. Thứ nữa, trong điều kiện chạy đêm trời tối mịt mùng, chỉ dùng đèn gầm nên lái xe rất khó quan sát phía trước, buộc phải tháo kính ra.
Nhưng tháo kính ra cũng có cái nguy hiểm của nó khi phải đối mặt với bom bi. Chúng tôi đã nghĩ ra cách chống bom bi rất hiệu quả, kết giàn nứa trên nóc xe, dày khoảng 50 phân. Hai bên cửa xe cũng gia cố bằng khung nứa. Ngồi trong buồng lái đội mũ sắt, mặc áo giáp nặng 28kg, lính lái xe yên tâm, chỉ còn lo căng mắt, tập trung tư tưởng cao độ để giữ cho xe không bị lao xuống vực hoặc nghiêng đổ. Nhiều khi đang chạy, bom bi nó nổ lụp bụp ngay trên đầu xe, bắn ràn rạt vào giàn nứa. Mặc, cứ nhằm phía trước mà tiến.
Có lần chúng tôi chạy từ Cổng Trời (thuộc tuyến đường 12A, Quảng Bình) vào xóm Béng (Lào) giao hàng trong đêm. Sáng hôm sau trở ra, đoàn xe chúng tôi bị bọn F4 phát hiện, đuổi bắn. Tôi đi sau đội hình, một mình một xe. Qua ngã ba thị trấn Lằng Khằng (thuộc huyện Bulapha, tỉnh Khăm Muộn, Lào) thì xe đồng đội phía trước có đại đội trưởng đi cùng bị trúng đạn. Lái xe hy sinh. Đại đội trưởng bị thương nặng. Tôi dừng xe, cõng thủ trưởng về xe mình rồi quay lại lấy xác đồng đội, chạy một mạch về Cổng Trời. Đó là cung đường ác liệt nhất mà cánh lái xe Trường Sơn hồi ấy thường chuyền tai nhau câu ca: “Siêng Phan, Pha Nốp tứ bề/Ngày đi thì có ngày về thì không”. Nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng đã nói về sự ác liệt của cung đường này trong bài thơ “Tiếng bom ở Siêng Phan”: Tôi đến gần Siêng Phan/Nghe bom ầm ầm nổ/Cỏ cây cũng chẳng yên/Tiếng bom như tiếng thú”. (Phạm Tiến Duật, Vầng trăng quầng lửa, 1970).
Lái xe trên đường Trường Sơn thì kể sao cho hết những gian khổ, khó khăn. Có khi cả tháng trời không biết đến cọng rau. Với những chuyến đi dài ngày như chở hàng vào tận căn cứ bên nước bạn Campuchia, anh em nghĩ ra sáng kiến thật hay. Trước khi vào tuyến lên đường vượt khẩu, lái xe ủ một thùng giá đỗ. Chạy đến điểm tập kết thì cũng là lúc đỗ đã lên mầm. Thế là trên đường trở ra không còn phải lo rau xanh. Bữa ăn được cải thiện nên sức khỏe người lính lái xe cũng được đảm bảo hơn.
*
Chuyện một thời về người lính lái xe Trường Sơn dường như không có điểm kết. Ông Châu càng kể càng say sưa. Ký ức của những năm tháng chiến tranh ác liệt, đầy hy sinh gian khổ nhưng thật đẹp, thật trong trẻo của những người lính trẻ thời “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (thơ Phạm Tiến Duật), “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (thơ Tố Hữu).
Những năm tháng khói lửa ấy, ngồi sau tay lái chiếc ZIL-130, ông có mặt khắp các nẻo đường Trường Sơn, Lào, Cămpuchia; băng rừng, vượt núi bất chấp bom đạn quân thù ngày đêm dội xuống như mưa. Người chiến sĩ lái xe Nguyễn Duy Châu với tinh thần quả cảm, “yêu xe như con quí xăng như máu”, vượt qua mọi hiểm nguy đưa những chuyến hàng nguyên vẹn đến tận tay chiến sĩ ngoài mặt trận, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Tháng 12/2024
Duy Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét