GIA PHẢ

GIA PHẢ
HỌ NGUYỄN DUY
Xuân Lâm, Nam Đàn, Nghệ An
(Bản thảo)




Ất Mùi - 2015


  
HỘI ĐỒNG BIÊN SOẠN

1. Nguyễn Duy Cát – Tộc trưởng, Trưởng ban biên soạn
2. Nguyễn Duy Quế             Phó ban
3. Nguyễn Duy Lân             Thành viên
4. Nguyễn Duy Đại              Thành viên
5. Nguyễn Duy Thịnh          Thành viên
6. Nguyễn Duy Châu           Thành viên
7. Nguyễn Duy Khang         Thành viên
8 Nguyễn Duy Hồng            Thành viên
9. Nguyễn Duy Ngọ             Thành viên
10. Nguyễn Duy Xuân         Thành viên

BIÊN TẬP, HIỆU ĐÍNH & TRÌNH BÀY: Nguyễn Duy Xuân

 ----------------------------------------------------



LỜI GIỚI THIỆU

   Từ năm 1964, sau khi cuốn Gia phả gốc của gia tộc Nguyễn Duy Xuân Lâm bị cháy do hỏa hoạn, đến nay sau hơn nửa thế kỉ, Gia phả của dòng họ mới được phục dựng.

   Về quá trình biên soạn Gia phả lần này, từ cách đây mấy năm, tộc họ đã nhiều lần bàn bạc, thống nhất chủ trương, lập Ban sưu tầm tư liệu, hiện vật, tổ chức cho các chi họ và gia đình cung cấp thông tin… Chỉ sau một thời gian ngắn, nguồn tư liệu sưu tập được đã tương đối đầy đủ, phong phú. Đó là văn bản khắc gỗ của dòng tộc còn lưu giữ được, là sử liệu trên sách báo chính thống, là tư liệu của Gia phả các chi họ thuộc đại tộc Nguyễn Duy trong cả nước… Trên cơ sở nguồn tư liệu đã có, từ cuối năm Giáp Ngọ - 2014, nhóm biên soạn Gia phả chính thức bắt tay vào việc xử lí tư liệu, biên tập và hoàn chỉnh bản thảo sau nhiều lần tham khảo ý kiến của các thành viên trong họ; kịp xuất bản thành sách để kính cáo Tiên Tổ dịp Tế lễ Rằm tháng Ba năm Ất Mùi – 2015.

   Gia phả (hay gia phổ) là sách ghi chép tên họ, tuổi tác, ngày giỗ, vai trò và công đức của cha mẹ, ông bà, tiên tổ. Nó được coi như một bản sử ký của gia đình hay dòng họ. Với tinh thần đó, nhóm biên soạn đã cố gắng kế thừa những tinh hoa về Gia phả truyền thống, kết hợp với yếu tố hiện đại để xây dựng được một cuốn Gia phả tốt nhất có thể, đặng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về cội nguồn, học tập và tiếp bước tiền nhân của con cháu trong dòng họ.

   Lịch sử của gia đình, dòng họ cũng như dòng sông, không ngừng chảy. Quá khứ - Hiện tại – Tương lai như những mạch ngầm không dứt trong dòng sông truyền thống của gia tộc. Gia phả dù biên soạn công phu cũng chỉ ghi lại được một khúc, một đoạn trong dòng sông vô tận ấy. Công việc tiếp nối xin dành cho hậu thế. Vì vậy, cấu trúc của Gia phả dành phần cuối cho việc ghi chép những biến động, thay đổi hàng năm về nhân sự cũng như các sự kiện tiêu biểu của các gia đình nói riêng và gia tộc nói chung trong tương lai. Đây là nguồn cơ sở dữ liệu để 20, 30 năm sau bổ sung vào Gia phả của gia tộc khi có dịp tái bản.

   Cổ nhân nói "trong sách có ngọc", Gia phả là một cuốn sách như thế. Gia phả ghi chép nét hay, nét đẹp xưa và nay của dòng họ, đó là những viên ngọc quý để các thế hệ con cháu tưởng nhớ tổ tiên, ông bà; noi gương tiền nhân hướng tới cái Chân – Thiện – Mỹ trong cuộc sống.

   Hi vọng Gia phả Nguyễn Duy tộc Xuân Lâm 2015 đáp ứng được phần nào kì vọng đó của con cháu dòng tộc.

Tổ tiên công đức thiên niên thịnh
Tử hiền, tôn hiếu vạn đại vinh

                                                                                                             Xuân Ất Mùi 2015
Thay mặt Hội đồng Gia tộc
                                                                                                                   Tộc trưởng
                                                                                                               Nguyễn Duy Cát


----------------------------------------------- 



LỜI TỰA
Nhân dịp tái lập gia phả Nguyễn Duy tộc Xuân Lâm
(Lần thứ nhất, Ất Mùi 2015)

     “Chim có tổ người có tông”, “Cây có cội, nước có nguồn” - những câu tục ngữ ấy thể hiện đạo lí ngàn đời của ông cha. Vì vậy, việc truy tìm nguồn gốc, chăm lo mồ mả ông bà, hương khói bàn thờ tổ tiên là những điều in sâu trong tiềm thức của các thế hệ người Việt Nam chúng ta.

     Những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), rồi kháng chiến chống Mỹ (1955-1975) vận nước ngàn cân treo sợi tóc, Tổ quốc trên hết cho nên mỗi người, mỗi nhà tạm gác việc riêng tư, gia đình, dòng họ, theo tiếng gọi thiêng liêng cứu nước, trai lên đường ra trận, gái đảm đang việc nhà. Già trẻ, gái trai đều đồng lòng, chung sức vì tiền tuyến.

     Những năm hòa bình, đất nước gặp muôn vàn khó khăn, mỗi người, mỗi nhà phải bươn chải, gồng mình lên vì gánh nặng cuộc sống đời thường.

     Từ thập niên cuối của thế kỉ XX, đất nước đổi mới, kinh tế phát triển, đời sống vật chất ngày một nâng cao. Việc tìm hiểu cội nguồn, chăm lo đời sống tâm linh trở thành một nhu cầu tất yếu. Trong bối cảnh đó, các dòng họ trong cả nước tìm cách khôi phục lại Gia phả nhằm mục đích lưu giữ muôn đời di sản vô giá của ông cha theo tinh thần uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công đức, tôn vinh tiền nhân đặng làm gương cho các thế hệ cháu con noi theo mà sống đời tốt đẹp.

*

     Dòng họ Nguyễn Duy hiện nay ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là con cháu mấy mươi đời của Thái tể triều Đinh - Định Quốc Công Nguyễn Bặc (924 – 979) – người được coi là bậc tiền thủy tổ họ Nguyễn ở Việt Nam, là khai quốc công thần nhà Đinh, có công lớn giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối.

     Theo bài vị văn tế truyền lại thường đọc dịp lễ tế Tổ Rằm tháng Ba hằng năm, cùng với các tài liệu sưu tầm được thì Tổ chi đại tôn Nguyễn Duy ở thôn Kim Chung, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh (nay thuộc thôn 3, xã Xuân Lâm) huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là Nguyễn Duy Công thuộc đời thứ 22 dòng họ Nguyễn Bặc: "Văn Quan Bản Phụ Giao Sinh Kỳ Hoa Huyện tri huyện Nguyễn Mạnh Công úy oanh liệt, Phủ Quân Viện Tỷ Khảo Thần Vị"

     Chi đại tôn họ Nguyễn Duy tại thôn 3 (nay là thôn 1) xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trước đây có quyển Gia phả bằng chữ Hán, do ông Nguyễn Duy Học (tức ông Học Ý) giữ. Năm 1964, trong một vụ hỏa hoạn cháy nhà, cuốn Gia phả cũng bị cháy mất.

     Mấy chục năm sau, do hoàn cảnh chiến tranh và nhiều lí do khác, việc phục dựng Gia phả không thực hiện được, trong khi đó các bậc cao niên, những người nắm được lịch sử dòng tộc lần lượt qua đời vì tuổi tác.

     Việc biên soạn lại Gia phả vì thế gặp phải không ít khó khăn bởi nguồn tư liệu ít ỏi. Nhưng với quyết tâm có một cuốn Gia phả cho dòng họ và với tinh thần làm việc nghiêm túc, thận trọng cũng như sự nỗ lực hết mình của các thành viên trong Ban biên soạn, cuốn Gia phả dòng họ Nguyễn Duy ở Xuân Lâm, Nam Đàn, Nghệ An đã hoàn thành. Nay xin được kính cẩn dâng lên Tiên Tổ và trân trọng giới thiệu với con cháu trong dòng họ.

     Nhân dịp này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các bậc cao niên và toàn thể con cháu chi đại tôn họ Nguyễn Duy ở Xuân Lâm; cảm ơn bà con dòng tộc ở các chi họ Nguyễn Duy trong tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung đã tạo điều kiện, cung cấp tư liệu giúp chúng tôi hoàn thành cuốn Gia phả này.

     Cuốn Gia phả đã được thông qua Hội đồng dòng tộc, các bậc cao niên cùng con cháu họ Nguyễn Duy ở Xuân Lâm. Tuy nhiên, do năng lực có hạn, kinh nghiệm làm gia phả của ban soạn thảo còn ít ỏi, chắc chắn không tránh khỏi sai sót, rất mong được mọi người trong dòng tộc góp ý để Gia phả dòng họ ngày càng hoàn chỉnh, đặng giúp các thế hệ con cháu hiểu biết sâu sắc hơn về cội nguồn tổ tiên, tự hào về truyền thống ngàn đời của ông cha, từ đó mà phấn đấu xây dựng cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc, dòng họ đoàn kết, xóm làng yên vui.

     Kính lạy các bậc Tiên Tổ linh thiêng ban phúc, chăm sóc cho CÂY GIA TỘC ngày càng phát triển sum sê, đồng tộc khang thái, phúc khánh lâu bền, gia môn hưng vượng và linh thiêng phù hộ, chỉ giáo cho cháu con hoàn thành bổn phận thiêng liêng của mình.

Tổ tiên công đức cao sâu
Muôn màu rực rỡ ngàn thu rọi truyền.

Làm tại thôn 3 xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
Tháng 3 năm Ất Mùi  - 2015
Ban biên soạn Gia phả Nguyễn Duy tộc Xuân Lâm

--------------------------------------------------


PHẦN I. CHÍNH PHẢ


I. Vài nét về lịch sử và truyền thống dòng họ Nguyễn Duy - Xuân Lâm

1. Người gây dựng cơ nghiệp tổ tiên – Đức Thủy tổ Nguyễn Mạnh Công

Đức Thủy tổ Nguyễn Mạnh Công (Nguyễn Duy Công) sinh ngày 20-6 năm 1749. Ngài là con trai thứ ba của Cụ Nguyễn Duy Năng - hậu duệ đời thứ bảy của Đô uý Hàn Lâm Tri Chế Cáo, Tiến sĩ Nguyễn Bá Ký – chắt của Tri phủ Hưng Nguyên Nguyễn Duy Nhân.

Vào khoảng nửa đầu thế kỉ 18, Cụ Nguyễn Duy Năng rời quê hương di cư lên vùng Hoa Ổ (Bàu Ó, Thanh Lương, Thanh Chương), chiêu dân lập ấp, xây dựng quê hương mới. Cụ được bổ làm tri phủ Anh Sơn, sinh được 3 người con: Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Duy Thạch và Nguyễn Duy Công tức Nguyễn Mạnh Công.

Đức Thủy tổ Nguyễn Mạnh Công thừa hưởng truyền thống khoa bảng của gia đình, dòng họ. Ngài thi đỗ Hương cống (cử nhân), được bổ làm Tri phủ Kỳ Hoa.

Khoảng cuối thế kỉ 18, Ngài đến khai cơ lập nghiệp ở thôn Kim Chung, tổng Xuân La, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là thôn 1, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), cách quê mới Thanh Lương chừng 20 km.


Bản đồ xã Xuân Lâm. Vị trí chấm đỏ là khu vực tọa lạc nhà thờ Nguyễn Duy tộc Xuân Lâm


Một góc Xuân Lâm nhìn từ phía bãi sông Lam. Ảnh Nguyễn Duy Xuân.


Thôn 3 Xuân Lâm, nơi khởi thủy của dòng họ Nguyễn Duy – Xuân Lâm. Ảnh Nguyễn Duy Xuân.


Mộ Đức Thủy tổ Nguyễn Mạnh Công ở thôn 3 (nay là thôn 1), Xuân Lâm, Nam Đàn, Nghệ An


Khu mộ táng Đại tôn Nguyễn Duy tộc tại nghĩa trang Cồn Rộng, xóm 3, Xuân Lâm
Ảnh Nguyễn Duy Quế (St)

Xuân La (Xuân Lâm ngày nay) là một vùng đất trù phú nằm bên tả ngạn sông Lam, với đồng ruộng màu mỡ, bãi sông phù sa phì nhiêu.

Tại đây, Đức Thủy tổ Nguyễn Mạnh Công cùng với người vợ tần tảo là Đinh Thị Liễu, bằng trí tuệ và công sức lao động của mình đã khai phá đất đai, gây dựng cơ nghiệp tổ tiên. Dòng họ Nguyễn Duy - Xuân Lâm khởi nguồn từ đó.

Đức Thủy tổ Nguyễn Mạnh Công sinh hạ được 4 người con trai sau này lập thành  4 chi:

1. Nguyễn Duy Thản, quán tại thôn Kim Chung, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

2. Nguyễn Duy Triển, quán tại thôn Vĩnh Long, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

3. Nguyễn Duy Quảng, quán tại thôn Vĩnh Long Hạ, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

4. Nguyễn Duy Quyết, quán tại thôn Chùa Khê, xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. 

2. Con cháu tiếp nối truyền thống ông cha

Trải qua hơn hai thế kỉ gây dựng cơ nghiệp tổ tiên, dòng họ Nguyễn Duy ở Xuân Lâm ngày càng phát triển. Tiếp nối truyền thống của ông cha, các thế hệ con cháu Nguyễn Duy - Xuân Lâm bao đời nay vừa chăm lo công việc làm ăn, vừa động viên con cháu theo nghiệp đèn sách, lúc Tổ quốc cần sẵn sàng lên đường đánh giặc; thời đại nào cũng có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước và xây dựng quê hương xứ sở, làm rạng danh dòng tộc, tổ tiên.

    Ông Nguyễn Duy Chí là “cụ đồ Nho” – nhà Hán học cuối cùng của dòng họ. Ông sinh năm 1874, mất năm 1961. Sinh thời, ông vừa dạy học vừa làm nghề bốc thuốc trị bệnh cứu người, được người dân trong vùng kính phục. Là thầy giáo dạy chữ Hán cho nên ông được giao trọng trách bảo quản cuốn Gia phả của dòng họ và là người duy nhất nắm được nội dung cuốn Gia phả ghi bằng chữ Hán này. Năm 1964, cuốn Gia phả không may bị cháy trong một vụ hỏa hoạn cháy nhà, việc phục dựng Gia phả vì thế không thực hiện được trong suốt một thời gian dài.  

    Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) và đế quốc Mỹ (1954-1975) cũng như trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, các thế hệ con cháu họ Nguyễn Duy – Xuân Lâm đã đóng góp nhiều sức người, sức của. Người ở hậu phương thì thi đua sản xuất với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả cho tiền tuyến”. Thanh niên thì sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều người đã ngã xuống trên chiến trường, góp phần xương máu của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

     Các ông Nguyễn Duy Phi, Nguyễn Duy Bảy, Nguyễn Duy Thanh là những liệt sĩ đầu tiên của dòng họ, hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ đất nước trong cuộc Kháng chiến chống Pháp vĩ đại (1946-1954). Thời ấy, các ông là những người nông dân mặc áo lính, tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các ông đã tạm biệt gia đình, quê hương; để lại đằng sau ruộng vườn, nhà cửa ra trận với tinh thần cao cả “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

     Ông Nguyễn Duy Cát, sinh năm 1929. Tộc trưởng. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba.

    Ông Nguyễn Duy Đợi là người con của dòng họ tham gia trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954) - “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (thơ Tố Hữu) - kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp đầy hi sinh gian khổ nhưng rất vẻ vang, oanh liệt của dân tộc.

     Ông Nguyễn Duy Đại, sinh năm 1929, cán bộ lão thành cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia dân công phục vụ kháng chiến. Hòa bình lập lại, ông hoạt động cách mạng tại địa phương, từ một cán bộ đoàn, kế toán hợp tác xã trở thành cán bộ chủ chốt của xã Xuân Lâm. Ông đã từng đảm nhận các chức vụ: Chủ nhiệm Hợp tác xã, Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã từ những năm chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ ở miền Bắc cho đến lúc nghỉ hưu năm 1986.

     Tháng 10 năm 1972, chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ bước sang giai đoạn ác liệt, ông tham gia dân công hỏa tuyến, làm đại đội trưởng đại đội xe thồ Xuân Lâm thuộc tiểu đoàn xe thồ Nam Đàn. Đại đội xe thồ do ông chỉ huy đảm trách tuyến trung chuyển hàng hóa phục vụ tiền tuyến từ Yên Thành, Diễn Châu qua Truông Bồn theo con đường huyết mạch 15A vào Đức Thọ, Can Lộc, Hà Tĩnh.

     Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Huân chương kháng chiến hạng Hai.

     Ông Nguyễn Duy Lân (Nguyễn Minh Lân) sinh năm 1929, cán bộ lão thành cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp ông tham gia dân công hỏa tuyến ở Nam Lào. Hòa bình lập lại, ông được cử đi học nghiệp vụ và tiếp tục công tác thanh niên xung phong ở Tây Bắc, sau chuyển về làm cán bộ thương nghiệp tỉnh Nghệ An.       

     Năm 1975 sau Đại thắng mùa Xuân 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được cấp trên điều động làm cán bộ tăng cường, công tác ở Ty thương nghiệp Đồng Tháp. Năm 1983 chuyển về quê, làm Chủ nhiệm hợp tác xã mua bán huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1993 ông nghỉ hưu theo chế độ tại quê nhà. 

     Ông đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Nhì; Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

     Ông Nguyễn Duy Châu sinh năm 1948. Tháng 11 năm 1965, mặc dù chưa đủ tuổi nhập ngũ nhưng ông vẫn xung phong lên đường vào Nam chiến đấu. Ông là chiến sĩ thuộc đơn vị Vận tải Trường Sơn: tiểu đoàn 101 Anh hùng thuộc Đoàn 559 do Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên làm Tư lệnh. Ông nghỉ hưu năm 1986 với cấp bậc Đại úy, chức vụ đại đội trưởng.

     Ông là một lái xe giỏi, dũng cảm, nhiều kinh nghiệm. Xe ông vượt khắp các nẻo đường Trường Sơn, Lào, Cămpuchia; băng rừng, vượt núi đưa hàng ra tiền tuyến bất chấp bom đạn quân thù ngày đêm dội xuống như mưa. Người chiến sĩ lái xe Nguyễn Duy Châu với tinh thần quả cảm, yêu xe như con quí xăng như máu, vượt qua mọi hiểm nguy đưa những chuyến hàng nguyên vẹn đến tận tay các chiến sĩ ngoài mặt trận, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

     Những chiến công của ông đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội ghi nhận bằng những phần thưởng cao quí: 02 Huân chương Chiến công hạng Ba; 03 Huân chương Giải phóng hạng Một, Hai, Ba; 01 Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Hai; 01 Huy hiệu Chiến sĩ quyết thắng; 01 Huy hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 03 lần được tặng Danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; 05 bằng khen của Bộ tư lệnh 559; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

     Ông Nguyễn Duy Khang, sinh năm 1958. Đại tá công an. Ông từng giữ các chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

     Tháng 6 năm 1978, ông gia nhập lực lượng công an. Từ một chiến sĩ, ông đã nỗ lực rèn luyện, phấn đấu trở thành một cán bộ công an giỏi về nghiệp vụ, tận tụy với nghề, luôn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và ngành giao phó.

     Ông đã được tặng thưởng: Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

     Ông Nguyễn Duy Quế, sinh ngày 20/7/1949. Thượng tá Công an.

     Ông từng làm Bí thư đoàn xã, rồi tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ tại chiến trường Xiêng Khoảng (Lào) từ tháng 3/1971 đến tháng 7/1973 với chức vụ Đại đội phó C11, Tiểu đoàn 2, binh trạm 13, Tổng cục Hậu cần. Từ tháng 8/1973, ông chuyển sang công tác ở ngành công an, được cử đi học Đại học An ninh Nhân dân.

     Ngày 20/8/1987, ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng Công an rồi Trưởng công an huyện Nam Đàn (20-11-1991). Ngày 30/4/1996, ông giữ chức vụ Phó trưởng phòng PV 27 Công an tỉnh Nghệ An.

     Tháng 3 năm 2006, sau khi nghỉ hưu theo chế độ, ông tiếp tục tham gia các hoạt động ở địa phương, từng đảm nhận chức trách Trưởng đền thờ Vua Mai Hắc Đế, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công an hưu trí huyện Nam Đàn.

     Ông đã được tặng thưởng: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

     Ông Nguyễn Duy Hồng, sinh ngày 13/3/1960. Ông nhập ngũ năm 1978. Năm 1981 là học viên trường Sỹ quan đặc công. Năm 1982 là học viên dự bị bay không quân. Năm 1983 ông xuất ngũ về công tác tại Công ty lương thực Nghệ - Tĩnh. Năm 1998 tốt nghiệp Đại học Luật. Năm 2002 là cán bộ Huyện ủy Hưng Nguyên. Năm 2004 ông làm Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề Hưng Nguyên. Từ năm 2009 ông là Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Công nghiệp – Thủ công nghiệp Nghệ An.

     Ông lấy bằng Thạc sĩ Quản lí Giáo dục năm 2014. Huy Hiệu 30 năm tuổi Đảng

     Ông Nguyễn Duy Hà (Nguyễn Minh Hà), sinh ngày 21/02/1960. Tháng 3 năm 1979 ông gia nhập lực lượng Công an nhân dân vũ trang nay là Bộ đội biên phòng, công tác tại Công an vũ trang Nghệ - Tĩnh và Cục biên phòng Quân khu 4. Tháng 10/1986 sau khi tốt nghiệp Đại học Biên phòng ông vào nhận công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk. Từ năm 2004 ông công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Nông với cấp hàm Đại tá, Phó chính ủy Bộ đội biên phòng Đắk Nông.

     Ông đã được tặng thưởng: Huy chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất (2014); Huy hiệu 30 năm tuổi  Đảng (2013)

     Ông Nguyễn Duy Long, sinh năm 1965. Tốt nghiệp Đại học Quân sự. Thượng tá, Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng Công ty hợp tác kinh tế Việt - Lào Quân khu IV. Ông đã được Bộ Tư lệnh Quân khu IV tặng Bằng khen do thành tích xuất sắc trong thực hiện pháp lệnh “Dân quân tự vệ” giai đoạn 1996-2008. Đặc biệt do những cống trong thời gian phục vụ, thực hiện nhiệm vụ xây dựng quốc phòng-an ninh tuyến biên giới Việt – Lào, ngày 10-6-2013, ông đã được Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Lao động hạng Hai.

     Trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, xây dựng quê hương, con cháu Nguyễn Duy - Xuân Lâm cũng đã góp phần xứng đáng của mình vì đất nước vẹn toàn, vì quê hương giàu mạnh, tươi đẹp.

     Những năm 60 của thế kỉ XX, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhiều gia đình đã di cư lên xây dựng quê hương mới ở Tân Kì, Con Cuông, Anh Sơn thuộc miền núi phía Tây Nghệ An.

     Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, con cháu dòng họ tỏa đi khắp nơi từ miền xuôi tới miền ngược, từ Bắc chí Nam để lập nghiệp, học tập và công tác.

     Cuối năm 1979, một cuộc di dân rầm rộ vào khai phá vùng đất Tây Nguyên bao la, nhiều tiềm năng. Hưởng ứng chủ trương lớn này của Nhà nước, một số bà con trong dòng họ từ nông dân thứ thiệt ở nơi quê cha đất tổ đã trở thành công nhân các nông trường cao su, cà phê ở vùng đất mới cao nguyên. Địa bàn cư trú của bà con hiện nay thuộc xã Ea Kpam, huyện Cư Mga’r, tỉnh Đắk Lắk.

     Cho dù đi đâu, về đâu, làm gì, con cháu dòng họ Nguyễn Duy - Xuân Lâm vẫn luôn luôn hướng về cội nguồn, tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu trong học tập công tác, trong cuộc sống đời thường; gìn giữ gia phong, truyền thống gia tộc; chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, sống và làm việc theo hiếp pháp, pháp luật; xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng và đất nước.

     Tính đến nay, cả họ đã có hàng chục người có trình độ học vấn Đại học, trong đó có 1 Tiến sĩ, 6 Thạc sĩ, nhiều người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, 1 người hoạt động trong lĩnh vực văn học, báo chí.

     Ông Nguyễn Duy Xuân, sinh ngày 8/5/1957. Năm 1975, ông thi đậu vào khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Đại học Vinh).

     Từ năm 1979 đến năm 2018 ông là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột (nay là Trường CĐSP Đắk Lắk).

     Ông là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, cộng tác viên của nhiều báo, tạp chí ở Trung ương và địa phương như Dân trí, Hội Nhà văn, Kiến thức, Giáo dục, Tiền phong, Vietnamnet, Văn hóa Nghệ An, Đắk Lắk, Chư Yang Sin,…

     Các tác phẩm đã xuất bản: Giọt nắng cao nguyên, tập thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 12/2013; Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi, tập thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2/2016; Về Ban Mê đi anh, tập thơ, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, 9/2021; Dã quỳ và em, tập tản văn, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, 9/2021.

     Ông đã được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương danh dự Vì thế hệ trẻ, Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp Công đoàn,...

     Giải thưởng Văn nghệ và báo chí:

- Giải Nhất (2-2015), Giải Nhì (5-2014) giải thưởng “Mỗi bạn đọc – Một nhà báo” của báo Dân trí, cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội khuyến học Việt Nam.

- Giải C - Tập thơ "Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi" - Giải thưởng VHNT năm 2016 của Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk.

- Giải Khuyến khích (tác giả phần lời ca khúc Tổ quốc) cuộc thi sáng tác ca khúc "Tôi yêu Tổ quốc tôi", 2015.

- Giải Khuyến khích Giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ VN năm 2016, tác giả lời ca khúc TỔ QUỐC.

- Giải C - Tập thơ Về Ban Mê đi anh - Giải thưởng VHNT năm 2021 của Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk.

    Tiến sĩ Nguyễn Duy Hưng, sinh ngày 10/7/1986 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, là con thứ của ông Nguyễn Duy Xuân và bà Lê Thị Du.

     Từ năm 2004 đến 2008 học Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2009 đến 2018: Giảng viên Trường Đại học Xây dựng TP Hồ Chí Minh. Từ tháng 11/2018 đến tháng 5/2022 là Nghiên cứu sinh tại Đại học Padova, Cộng hòa Italia.

     Ngày 27/5/2022, tại Đại học Padova, bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ (Evaluating risk factors in Green Building: the case of sustainable construction in Vietnam (Đánh giá các yếu tố rủi ro trong Công Trình Xanh: Trường hợp của xây dựng bền vững tại Việt Nam). Người hướng dẫn là GS Laura Macchion.

     Tháng 7/2022, sau khi về nước, Tiến sĩ Nguyễn Duy Hưng tiếp tục công tác giảng dạy tại Đại học Xây dựng TP Hồ Chí Minh.


II. Sơ lược về họ Nguyễn và Đại tộc Nguyễn Duy

     Họ Nguyễn là một dòng họ lớn ở Việt Nam, đã có công to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm nay của ông cha ta.

     Về việc ghi tộc phả thành văn, cho đến nay chúng ta mới chỉ biết được hệ thống tộc phả và gia phả được ghi bắt đầu từ Nguyễn Bặc – người được coi như là Đức Thái thủy tổ của dòng họ Nguyễn. 

Đời 1. Đức Thái thủy tổ Nguyễn Bặc

     Theo sách “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục”, Nguyễn Bặc (chữ Hán: 阮匐; sinh năm 924 – mất 15 tháng 10, 979 âm lịch) con trai Nguyễn Thước, một bộ tướng của Dương Đình Nghệ (triều Nam Hán cho làm An Nam Tiết độ sứ từ năm 931 đến năm 937) và của Ngô Quyền (939-944), là người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, Đại Cồ Việt (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Thuở nhỏ, Ngài cùng kết bạn với Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Trịnh Tú và Lưu Cơ. Ngài là một trong những người có công lớn nhất giúp Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) dẹp loạn 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối. Năm 971, Ngài được Đinh Tiên Hoàng phong là Định Quốc Công, chức Thái tể (như Tể tướng), trông coi việc Nội Giáp (nội chính). Ngài là vị tể tướng đầu tiên trong lịch sử nước ta.

     Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại. Nghe tin, ngài khóc mãi ba ngày đêm đến hai mắt chảy máu và râu tóc trắng như tuyết. Ngài cùng đình thần tìm bắt Đỗ Thích đem giết rồi cùng Đinh Điền và Lê Hoàn tôn Vệ Vương Đinh Toàn (lúc đó mới 6 tuổi) lên ngôi. Ngài và Đinh Điền làm Phụ Chính đại thần, Lê Hoàn làm Nhiếp Chính. Sau đó Lê Hoàn tự xưng là Phó Vương.

     Lo sợ Thập đạo tướng quân Phó vương Lê Hoàn chuyên quyền, đe dọa sự an nguy của Đinh Toàn – con nhỏ của Đinh Tiên Hoàng vừa mới được lập lên ngôi, Nguyễn Bặc bèn cùng Đinh Điền, Phạm Hạp khởi binh chống lại, một lòng phò tá nhà Đinh. Việc không thành, Ngài bị Lê Hoàn sát hại ngày15 tháng 10 năm 979 âm lịch.

     Năm Đinh Dậu – 1917, Định Quốc công Nguyễn Bặc được vua Khải Định sắc phong là Hộ Quốc Tướng Công Trác Võ Thượng Đẳng Phúc Thần.


Mộ Nguyễn Bặc tại xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình. Ảnh Internet.

     Ngày nay, ở sách Bồng, thôn Đại Hữu, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, Ninh Bình, vẫn còn di tích đền thờ Thái Thủy tổ (Khởi nguyên đường). Mộ của Định Quốc công Nguyễn Bặc và khu mộ của tổ tiên Ngài, phát tích cho cả dòng họ Nguyễn ở nước ta. Khu mộ này nằm trên núi Hổ, hướng phương Nam đối diện khu mộ phát tích của họ Đinh nằm trên núi Kỳ Lân hướng phương Bắc. (Nguyễn Thanh Hoàng, nguyenvan.vn, làng Nông Sơn, Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam).

     Đền thờ họ Thái thủy tổ Khởi Nguyên Đường có đôi câu đối đánh dấu việc thiên cư của dòng tộc, nói lên sự nối tiếp vẻ vang của dòng họ Nguyễn và đề cao Nguyễn Bặc:

    “Duệ xuất Gia Miêu vương tích hiển
    Khánh lưu Đại Hữu tướng môn quang”

     Tạm dịch:

    Cửa tướng phúc dày làng Đại Hữu
    Dòng Vương nối ở đất Gia Miêu.

     Đức Thái thủy tổ Định Quốc Công Nguyễn Bặc sinh được 2 trai là Nguyễn Đệ (Đê) và Nguyễn Đạt.

Đời thứ 2

     Sau khi cha bị sát hại, Nguyễn Đệ (Đê?) cùng em là Nguyễn Đạt trốn sang Bắc Giang, dần dần lập nên hai chi họ ở Hà Bắc và Hà Đông. Ông dự định tổ chức báo thù cho cha, nhưng hai năm sau (981) quân Tống xâm lược, ông gác thù nhà, hợp tác với Lê Hoàn để chống giặc Tống xâm lược. Sau khi chống giặc Tống thắng lợi, ông  được Lê Hoàn trọng dụng. Khi Lê Hoàn mất (1005), con trai là Lê Long Đĩnh lên ngôi, là một ông vua tàn bạo, sa đọa (Lê Ngọa triều), ông cùng một số đại thần và nhà sư có uy tín tìm cách đưa Lý Công Uẩn, một người tài đức và là bạn của ông lên làm vua, lập ra triều Lý. Ông được nhà Lý tin cậy phong chức Đô Hiệu Kiểm, tước hầu, là trọng thần của triều đình.

     Cuối đời ông dời cư vào Gia Miêu.  

     Gia Miêu ngoại trang là một trang ấp có từ xa xưa. Trang là làng, ấp nhưng ở tiếp giáp với núi, nằm trong thung lũng nhỏ sông Tống Giang, có Long Khê chảy qua ở phía tây bắc huyện Tống sơn tức huyện Hà Trung, Thanh Hóa bây giờ.

     Gia Miêu là quê gốc của nhiều dòng họ Nguyễn. Từ xa xưa, nhiều người họ Nguyễn đã từ đây chuyển cư đi khắp mọi miền đất nước và thành lập những dòng họ rất lớn ở Bắc, Trung, Nam. Dòng họ ở đây là con cháu Định quốc công Nguyễn Bặc, nhưng từ đầu đời Lê đã tách ra làm ba họ Nguyễn: Họ Nguyễn Đình thờ vị tổ là Bình Ngô khai quốc công thần  Nguyễn Lý. Họ Nguyễn Hữu thờ vị tổ là bình Ngô khai quốc Công thần Nguyễn Công Duẩn. Dòng họ Nguyễn Văn thờ Thịnh Quận công Nguyễn Chữ. Vì họ to và họ xa phải tách ra làm ba họ Nguyễn để con cháu có điều kiện kết hôn với nhau. Trong làng còn có họ Mai là họ ngoại của họ Nguyễn. Từ xa xưa, đình làng Gia Miêu chỉ có thờ bốn vị tiên hiền là tổ của bốn vị tổ họ Nguyễn Hữu, Tổ họ Nguyễn Lý, Tổ họ Nguyễn Văn và Tổ họ Mai. Từ trước 1945, ở Gia Miêu  chỉ có 4 họ trên. Trong thời Nguyễn, không thể có họ nào khác lọt vào sống ở đây.

     (Ba thi hào họ Nguyễn cùng chung một dòng máu: Nguyễn Trãi – Nguyễn Du – Nguyễn Đình Chiểu ! – Thái Doãn Hiểu)

     Nguyễn Đệ sinh được ba người con: Nguyễn Lợi, Nguyễn Viễn và Nguyễn Phúc Lịch. Nguyễn Lợi sau này giữ chức Hoa quốc công, sinh được Đại tự Đô Nguyễn Quốc, Nguyễn Quốc sinh ra tiến sĩ Công Giới (sau này làm Binh bộ thượng thư).

Đời thứ 3

     Nguyễn Viễn là con thứ hai của Nguyễn Đệ, làm quan triều Lý, tham gia cuộc kháng chiến chống xâm lược Tống lần thứ hai (1075-1077), có công và được phong chức Tả tướng quốc, Tham tri chính sự. Nguyễn Viễn sinh ra Nguyễn Phụng.

Đời thứ 4
     Nguyễn Phụng làm quan thời Lý, tham gia tổ chức đắp đê Cơ Xá sông Hồng. Đời Lý Anh Tông, được phong chức Tả Đô đốc. Nguyễn Viện là người trung trực, sau khi chống lại bọn nịnh thần Đậu Anh Vũ không thành, ông cáo quan về ở ẩn. Nguyễn Phụng sinh ra Nguyễn Nộn.

Đời thứ 5

     Nguyễn Nộn (? – 1219 hoặc 1229) sinh ra trong thời kỳ suy vong của triều Lý. Vua Lý ăn chơi vô độ, một người quan trong họ là tăng phó Nguyễn Thường đã chỉ trích: Nay dân loạn, nước nguy, chúa thượng chơi bời không độ, chính sự dối loạn, lòng dân oán hận, đó là điều bại vong. Nguyễn Nộn đã cùng cha và những người anh em khác tham gia vào cuộc đấu tranh của nhân dân vùng Bắc Giang chống lại bọn quan lại trong triều mọt nước hại dân như Đậu Anh Vũ, Đỗ Yến Di, Đàm Dĩ Mông.

     Sau khi triều Trần thay thế triều Lý năm 1225, Nguyễn Nộn được nhà Trần phong tước Vương Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương và gả công chúa Ngoạn Thiềm.  Nguyễn Nộn sinh được 5 con trai, con trưởng là Nguyễn Thế Tứ.

Đời thứ 6

     Nguyễn Thế Tứ là con trưởng Nguyễn Nộn, tham gia cả 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, lập nhiều công tích, được phong chức Đô hiệu kiểm, Nguyễn Nộn sinh ra Bình Man đại tướng quân Nguyễn Nạp Hòa.

Đời thứ 7

     Nguyễn Nạp Hòa (? – 1377) là con trưởng của Đô Hiệu Kiểm Nguyễn Thế Tứ. Dưới triều vua Trần Duệ Tông, được giữ chức Bình Man Đại Tướng Quân. Vào thời điểm này, quân Chiêm Thành thường sang cướp phá kinh thành Thăng Long. Năm Đinh Tị (1377), ông theo vua Duệ Tông vào đánh Chiêm Thành. Trong trận đánh tại cửa Thị Nại (Quy Nhơn), vua Duệ Tông và ông đều tử trận.

     Ông không rõ năm sinh, mất ngày 24 tháng Giêng năm Đinh Tị (tức 4 tháng 3 năm 1377). Nguyễn Nộn sinh ra Nguyễn Công Luật.

Đời thứ 8

     Nguyễn Công Luật (? – 1388) làm quan cuối triều Trần, từng nắm giữ các chức quan Giám Quân Thiên Trường, Hữu Hiệu Điểm, v.v… Ông theo Trần Phế Đế chống lại sự lộng quyền của Hồ Quý Ly. Việc bại lộ, ông bị Hồ Quí Ly giết vào năm Mậu Thìn 1388. Nguyễn Công Luật sinh ra Nguyễn Minh Du.

Đời thứ 9

     Nguyễn Minh Du làm Quản quân thiết Hồ đời Trần Phế Đế, cũng như cha, ông là người trung trực, chống lại sự lộng hành của Hồ Quý Ly nên bị nhà Hồ tìm cách sát hại, cùng nhiều thân quyến trong vụ thảm sát hàng trăm người năm 1399 (1390?). Nguyễn Minh Du sinh ra Nguyễn Ứng Long.

    Theo http://dongtocnguyenduy.com, tính từ Nguyễn Bặc trở đi đến đời thứ 14:

     Đời thứ 14: Có ông Nguyễn Phi Loan (hiệu là Phúc Lâm), làm Chánh quản giáp trại Chi Ngại. Là người nhân từ, thường giao du với nhiều khách, trong đó có khách phương Bắc, ân tình nồng hậu. Ông khách đã chỉ cho một huyệt để cải táng mộ thân phụ vào đấy “ngôi mộ ở phía trước có rùa vàng làm án, phía sau có sao vàng, bên phải trái có đầm nước bao quanh”, thực là một huyệt quý. Ông thọ 87 tuổi. Sinh con trai là Nguyễn Đạt.

     Đời thứ 15: Nguyễn Đạt (tự là Phi Hổ) hiệu là Vân Sơn. Thi đỗ Nho sinh. Ông là người thông minh, nhưng buồn vì mấy lần đi thi không đậu. Ông làm thầy lang chữa bệnh cứu người. Là người thật thà nhân đức nên được mọi người tín phục, giúp giải quyết mọi việc bất hòa trong làng xóm. Khi lâm chung ông cho gọi con cháu đến cạnh gường và nói. “Ta bất hạnh thi mấy lần không đậu, chết không nhắm được mắt. Các con phải cố gắng học tập đi thi, khi có tin đậu đạt thì ở dưới suối vàng ta sẽ ngậm cười”.

     Ông thọ 87 tuổi. Sinh con trai là Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh). 

Đời thứ 10

     Nguyễn Phi Khanh (chữ Hán: 阮飛卿, tên thật là Nguyễn Ứng Long (阮應龍), sinh năm 1355 (hay 1336?), mất năm 1428 (hay 1429?) là Hàn lâm học sĩ nhà Hồ. Ông quê xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (nay là phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Sau dời về xã Ngọc Ổi, huyện Thường Tín, nay thuộc Hà Nội.

     Khi ra làm quan cho nhà Hồ, ông đổi tên là Nguyễn Phi Khanh. 
     
Một số tài liệu, căn cứ vào gia phả họ Nguyễn cho rằng ông là con trai của Nguyễn Minh Du và có hai người anh tên là Nguyễn Sùng và Nguyễn Thư. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng việc chép ông là con của Minh Du là do sau này, gia đình con Nguyễn Phi Khanh là Nguyễn Trãi bị họa tru di tam tộc nên các cháu chắt ông, khi trốn tránh đã chép lẫn gia tộc ông vào họ Nguyễn ở Gia Miêu, Tống Sơn, Thanh Hóa để khỏi bị truy tìm. Thực chất ông không có quan hệ họ hàng với Nguyễn Minh Du.
    
 Ông từng thi đỗ Nhị giáp tiến sĩ năm Long Khánh thứ 2, đời vua Trần Duệ Tông, tức năm 1374 nhưng không được triều đình bổ dụng nên về quê dạy học. Đại Việt sử ký toàn thư không ghi rõ ông đỗ Thái học sinh năm nào, nhưng có viết về việc ông đỗ Thái học sinh trong các sự kiện của năm 1385, sau khi thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã tổ chức kỳ thi Thái học sinh năm Xương Phù thứ 8 (1384). Sau khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, ông ra làm quan cho nhà Hồ dưới triều Hồ Hán Thương, được bổ nhiệm giữ chức Hàn lâm học sĩ rồi lần lượt thăng lên Thống chương Đại phu, Đại lý tự khanh kiêm Trung thư Thị lang, Tư nghiệp Quốc tử giám.

     Năm 1407, khi quân nhà Minh xâm lược nước Việt, Nguyễn Phi Khanh bị Trương Phụ bắt và giải về Trung Quốc, Nguyễn Trãi theo cha ra đến ải Nam Quan. Phi Khanh quay lại bảo Nguyễn Trãi quay về Thăng Long nuôi chí diệt giặc mới là làm tròn đạo hiếu. Quả nhiên sau này Nguyễn Trãi đã theo Lê Lợi đánh bại được quân Minh.

     Nguyễn Phi Khanh mất tại Trung Quốc, thọ 73 tuổi. Quan thượng thư nhà Minh là Hoàng Phúc do cảm ân nghĩa Nguyễn Trãi đã tha chết khi quân Minh thua trận nên tìm cách cho con ông là Nguyễn Phi Hùng (em Nguyễn Trãi, theo cha ở lại Trung Quốc) đưa hài cốt về an táng tại núi Đá Bạc. Người đời sau gọi núi đó là núi Báo Ân hay núi Báo Đức, hoặc còn gọi là núi Bái Vọng (Báo Vọng), thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay. Mộ chí nay vẫn còn.

     Gần đây, sách “Nhìn lại lịch sử” dẫn bài của tác giả Đinh Công Vĩ, có nghiên cứu gia phả Phạm Anh Vũ (tức Nguyễn Anh Vũ – con Nguyễn Trãi, cháu Nguyễn Phi Khanh, phải đổi sang họ mẹ khi trốn tránh vì gia đình bị tru di tam tộc) nêu thông tin khác về kết cục của Nguyễn Phi Khanh. Theo đó, Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh giải đi Trung Quốc, có cả anh em Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Hùng đi theo. Tới Vạn Sơn Điếm (Hồ Bắc) một thời gian thì quân Minh thả cho Nguyễn Phi Khanh về. Ông sống ở Côn Sơn tới khi mất chứ không phải mất ở Trung Quốc. Mộ táng tại đỉnh cao nhất của núi Bái Vọng, phía Đông Bắc Côn Sơn, là di tích văn hóa, lịch sử hiện nay. 

     Vợ Nguyễn Phi Khanh là bà Trần Thị Thái, hiệu Ngọc Điền là con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán (1326 – 1390). Bà sinh được 6 người con trai, con trưởng là Nguyễn Lý làm quan tới chức Đại Uy Vũ; con thứ hai là Nguyễn Trãi; thứ ba là Phi Hùng; con thứ tư là Phi Bảo; con thứ năm là Phi Ly; con thứ sáu là Phi Bảng. Năm Ất Sửu (1385), Trần Nguyên Đán cáo quan về ở ẩn tại động Thanh Ngưu, Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương. Bà Thái đem các con về đây, ít lâu sau thì mất. 

     Theo ông Nguyễn Khắc Minh – Trưởng ban Ban quản lý di tích Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương):

     “Nguyễn Phi Khanh lấy bà Trần Thị Thái hiệu là Ngọc Điền, con quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán. Bà sinh được 4 người con trong đó có Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Phi Ly. Cụ bà Trần Thị Thái mất sớm (năm 1490). Cụ Nguyễn Phi Khanh lấy bà vợ kế người họ Nhữ ở xã Mộc Nhuận, nay là xã Đông Yên, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Bà sinh được hai người con trai tên là Nguyễn Nhữ Soạn. Ông là một trong số ít người tham gia tiền khởi nghĩa Lam Sơn. Trong khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Như Soạn là vị tướng tài ba lập nhiều công được vua Lê phong là Binh Ngô Khai quốc công thần. Sau khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi và Nguyễn Như Soạn cùng làm quan đông triều, anh là quan văn, em là quan võ làm rạng tổ tông.”
 (Nguồn: http://giaphatphcm.com/giapha/chitietkienthuc.php?id=8)

Đời thứ 11

     Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai, sinh năm 1380, quê quán làng Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (nay là phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Sau dời về xã Ngọc Ổi, huyện Thường Tín, nay thuộc Hà Nội.

Nguyễn Trãi

  Ông là con thứ hai của Nguyễn Phi Khanh. Năm 6 tuổi, mẹ mất, ông phải về Côn Sơn ở với ông ngoại là quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Năm 1390, quan Tư đồ cũng mất, ông theo cha trở về sống ở làng Nhị Khê.

     Tuổi thơ Nguyễn Trãi thanh bần nhưng ông vẫn quyết chí gắng công học tập, nổi tiếng là người có kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực, có ý thức về nghĩa vụ của một kẻ sĩ yêu nước thương dân.

     Năm 1400 ông thi đỗ Thái học sinh triều Hồ.

     Năm 1407, giặc Minh sang xâm lược, nhà Hồ kháng chiến thất bại, Hồ Quý Ly cùng nhiều người trong triều bị bắt đem về Trung Quốc, trong số đó có Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi đã theo cha lên cửa ải và tỏ ý muốn đi theo hầu hạ, nhưng Nguyễn Phi Khanh không đồng ý, khuyên ông nên về lo cứu nước báo thù nhà. Sau đó ông bị giặc giam nơi thành Ðông Quan suốt mười năm trời.

     Năm 1416, ông tìm đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, dâng cho Lê Lợi tác phẩm Bình Ngô sách. Từ đó, ông gắn bó với phong trào khởi nghĩa Lam Sơn, tham gia xây dựng đường lối quân sự, chính trị và đảm đương những nhiệm vụ quan trọng như soạn thảo thư từ địch vận, tham mưu, vạch ra chiến lược chiến thuật cho nghĩa quân.

     Ngày 16/12/1427 Đinh Mùi, Vương Thông đầu hàng, cuộc kháng chiến chống Minh hoàn toàn thắng lợi. 

     Đầu năm 1428, ngay cả khi chưa chính thức lên ngôi vua, Bình Định Vương Lê Lợi đã đại hội các tướng và các quan văn võ, định công ban thưởng. Nguyễn Trãi được ban cho quốc tính (họ Lê) và tước Quan phục hầu, tiếp tục giữ chức Nhập nội Hành khiển như cũ, được khắc tên trên biển Khai quốc công thần. Ngày 29 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi làm lễ lên ngôi ở điện Kính Thiên tại Đông Kinh, đại xá thiên hạ, giao cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo để bố cáo với cả nước về việc chiến thắng quân Minh.

     Tuy nhiên, tài năng và đức độ của ông cũng bắt đầu bị bọn quyền thần ganh ghét. Ðặc biệt, sau vụ Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo bị bức tử, Nguyễn Trãi bị bắt giam một thời gian ngắn. Thời kỳ này, ông bắt đầu cay đắng nhận ra sự độc ác của miệng đời:

Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn
Lòng người quanh nữa nước non quanh
                             (Bảo kính cảnh giới 9)

     Năm 1433, Lê Thái Tổ mất, an táng ở Vĩnh Lăng tại Lam Sơn. Lê Thái Tông nối ngôi, xuống sắc chỉ sai Nguyễn Trãi, với tư cách là Vinh lộc Đại phu Nhập nội Hành khiển tri Tam quán sự, soạn văn bia Vĩnh Lăng thần đạo bi.

     Khoảng cuối năm 1437, đầu năm 1438, do những bất đồng với quan lại trong triều, Nguyễn Trãi xin về hưu trí ở Côn Sơn – nơi trước kia từng là thái ấp của ông ngoại Trần Nguyên Đán – chỉ thỉnh thoảng mới vâng mệnh vào chầu vua.

     Năm 1439, Lê Thái Tông mời ông ra làm quan, ban cho chức tước là Vinh lộc Đại phu, Nhập nội Hành khiển Môn hạ sảnh Tả ty Hữu Gián nghị Đại phu kiêm Hàn Lâm viện Học sĩ Tri Tam quán sự Đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự. Ông cũng được giao cho việc coi giữ sổ sách, xét án kiện quân dân ở Tây đạo và Bắc đạo. Nguyễn Trãi nhận mệnh vua, dâng biểu tạ ơn hết sức xúc động và lại hăng hái ra giúp nước, chỉnh đốn kỷ cương, đào tạo nhân tài. Đây là những năm đắc chí nhất của Nguyễn Trãi.

     Năm 1442, xảy ra vụ án Lệ Chi viên. Nguyễn Trãi bị can tội giết vua. Ngày 19 tháng 9 năm 1442 (tức ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất), ông và gia quyến  bị tru di tam tộc. Vị khai quốc công thần đã kết thúc cuộc đời ở tuổi 63 trong một hoàn cảnh bi phẫn và oan khuất.

     Tháng 8 năm 1464, sau 22 năm oan khuất, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu chiêu tuyết cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước hiệu là Tán Trù bá, rồi lại truy tặng tước hiệu Thái Sư Tuệ Quốc Công, bãi bỏ lệnh truy sát của triều đình với gia quyến Nguyễn Trãi và ra lệnh bổ dụng con cháu ông làm quan.


Đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương. Ảnh Internet.

     Nguyễn Trãi có 5 bà vợ (Bà Phạm Đỗ Minh Hiển, Bà Phùng Thị, Bà Nguyễn Thị Lộ, Bà Phạm Thị Mẫn, Bà Trần Anh Minh) và 7 người con trai: Nguyễn Khuê (con bà Trần Thị), Nguyễn Ứng (con bà Trần Thị), Nguyễn Phù (con bà Trần Thị), Nguyễn Bảng (con bà Phùng Thị), Nguyễn Tích (con bà Phùng Thị), Nguyễn Anh Võ (con bà Phạm Thị) và ông tổ chi họ Nguyễn ở Quế Lĩnh, Phương Quất, huyện Kinh Môn, Hải Dương (con bà Lê Thị).

     Sau vụ án Lệ Chi viên, gia quyến Nguyễn Trãi lưu tán. Theo gia phả họ Nguyễn Nhị Khê, em trai Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Hùng chạy về Phù Khê, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Nguyễn Phù – một người con của Nguyễn Trãi – chạy lên Cao Bằng, đổi họ sang họ Bế Nguyễn. Bà vợ thứ năm của Nguyễn Trãi là Lê thị, đang mang thai, phải trốn về Phương Quất, huyện Kim Môn, Hải Dương. Đặc biệt, bà vợ thứ tư của Nguyễn Trãi là Phạm Thị Mẫn, lúc đó cũng đang mang thai, được người học trò cũ của chồng là Lê Đạt giúp chạy trốn vào xứ Bồn Man, sau về thôn Dự Quần, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Tại đây, bà sinh ra Nguyễn Anh Vũ (Võ). Để tránh sự truy sát của triều đình, Nguyễn Anh Vũ đổi sang họ mẹ là Phạm Anh Vũ.

*
     Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

     Công lao và sự nghiệp của Nguyễn Trãi là huy hoàng, vĩ đại. Công lao quý giá nhất và sự nghiệp vĩ đại nhất của Nguyễn Trãi là tấm lòng yêu nước yêu dân tha thiết và sự nghiệp đánh giặc cứu nước vô cùng vẻ vang của ông. Ông đã đem hết tâm hồn, trí tuệ, tài năng phục vụ lợi ích của dân tộc trong phong trào khởi nghĩa Lam Sơn và những năm đầu của triều Hậu Lê.

     Năm 1980, UNESCO công nhận ông là Danh nhân Văn hóa thế giới.

Đời thứ 12

     Nguyễn Anh Vũ là con trai Nguyễn Trãi và bà Phạm Thị Mẫn. Sau vụ thảm sát 1442, bà Phạm Thị Mẫn được thân tướng đem trốn sang xứ Bồn Man (vùng đất nằm giữa phía đông Lào và tây Nghệ An ngày nay), không kịp mang theo con gái Nguyễn Thị Đào và đang mang thai Anh Vũ được 3 tháng. Anh Vũ lớn lên trong sự chở che, nuôi dưỡng của nhà họ ngoại ở Bùi Khê, Thanh Oai, Hà Đông.

     Năm 19 tuổi, ông thi đỗ Hương Cống (cử nhân). Năm Giáp Thân 1464, Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan, ông được bổ nhiệm làm Tri huyện Tân Châu Nam Định, được cấp ruộng tế tự, làm quan đến chức Tham chính. Ông sinh được 7 người con.

     Người con cả là Nguyễn Giám (Tô Tạc) thi đậu Tiến sĩ, làm Thừa chính sứ An Bang (Quảng Ninh), được cử đi sứ ở Trung Quốc, sau đó có tin nói ông bị chết đuối giữa hồ Động Đình – Trung Quốc. Nguyễn Giám sinh ra Nguyễn Tư Thiện, về Quỳnh Lưu, Nghệ An, lập nên chi họ ở Quỳnh Liên, Quỳnh Lưu, Nghệ An.

     Con thứ 2 là Nguyễn Kiên thi đỗ nho sinh, ấm thụ tước Mẫu Lâm Lang – về Nhị Khê thờ phụng từ đường.

     Con thứ ba là Nguyễn Bá Quân làm Thừa tuyên, tri huyện Tĩnh Gia, sinh được hai người con là Nguyễn Bá Cương cùng cha ở Như Xuân, Tĩnh Gia, Thanh Hóa và Nguyễn Bá Ký rời vào Nghệ An, Nghi Công, Nghi Lộc (?).
     Con thứ bảy Nguyễn Châu Phương di cư về quê ngoại Hà Tây, xã Nam Hồng, huyện Phú Xuyên…

Đời thứ 13

     Nguyễn Bá Quân (Tô Quân, Thừa tuyên) làm tri huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Ông sinh được hai người con là Nguyễn Bá Cương và Nguyễn Bá Ký.

Đời thứ 14

     Nguyễn Bá Ký đậu tiến sĩ năm 1493, chức Đô uý Hàn Lâm Tri Chế Cáo ở thôn Dự Quần – Tĩnh Gia – Thanh Hoá (thôn Dự Quần, xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

     Ông sinh được một người con là Nguyễn Duy Tông.

Đời thứ 15

     Nguyễn Duy Tông (tức Duy Nhã) sinh vào khoảng năm 1540 đời vua Lê Huyền Tông (thời Lê Trung Hưng), vợ ông là bà Đinh Thị Lư, con gái của tiến sĩ Khê Quận Công Đinh Bạt Tuỵ là một tướng quân đi phù Lê diệt Mạc, đánh giặc ở làng Ngọc Sơn, tổng Tuần La, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Khi thắng trận trở về ông Tuỵ gặp Nguyễn Duy Tông, một thanh niên khôi ngô tuấn tú, thông minh đức độ nên ngỏ ý trọng dụng. Nguyễn Duy Tông nhận lời và trở thành con rể Khê Quận Công Đinh Bạt Tụy. Nguyễn Duy Tông tham gia quân đội đánh nhà Mạc, sau đó lại về chỉ đạo việc đào kênh nhà Lê (tức kênh Sắt).

     Do chiến đấu dũng cảm, có nhiều chiến công nên Nguyễn Duy Tông được bổ làm quan dưới triều vua Lê Anh Tông (1565) chức Tả Thừa Tư Lịch Điển.

     Nguyễn Duy Tông sinh được 5 người con. Người con cả tên là Nguyễn Duy Tích. Còn 4 người nữa do thời loạn ly nên đã phiêu bạt mỗi người đi một nơi đổi họ thay tên để dấu ẩn tung tích, do đó không rõ nguồn gốc.

     Phổ thế ca có đoạn viết:

“Nhà Nguyễn tộc tô xây thêm cánh
Cội căn nguyên chi nhánh Nghệ An
Cũng là chính tổ Nam Hà
Cha ông Thanh Hoá, cháu mà ở đây
Một lòng khí huyết trong dây
Nội tâm huyết mạch của Người chảy ra”
***
 “Nghệ an chính tổ bao nơi
Hưng Nguyên chính đó là người trưởng tôn
Kim phong dịch mạ nhi đồng
Hoà sao đệ nhị kim đồng phúc môn
Làng Vang chính đó gia đường
Cũng là các xứ những nơi tố tiền
Yên Thành, Anh Sơn các vị
Đồng huynh đệ 5 người phúc sinh
Gia đình đại tộc cát minh
Hưng Nguyên cựa đó Nam đàn
Ngôi sao tinh tuế rõ ràng Duy Tông
Cũng là tổ tích kim đồng
Cũng trong huyết mạch quần hồng đại tôn”
***
“Ta sinh hữu thế 5 dinh
Cũng là thú tích như hình trưởng nam. . .”


Đời thứ 16

     Nguyễn Duy Tích (con Nguyễn Duy Tông) là người học rộng tài cao, thi đậu cử nhân vào khoảng năm 1586 rồi được cử đi dẹp loạn. Được phong là Dực Nghĩa Hầu chức Quốc Tử Giám (Giáo viên dạy ở trường Quốc Tử Giám). Ông sinh được một người con là Nguyễn Duy Nhân (khoảng 1586).

Đời thứ 17

     Nguyễn Duy Nhân từng tham gia quân đội chống nhà Mạc, làm tri huyện Hưng Nguyên, sau về nghỉ tại Bùi Ngõa, sinh ra Nguyễn Duy Thừa (khoảng 1615)

Đời thứ 18

     Nguyễn Duy Thừa, sinh được hai người con trai. Con thứ nhất là Nguyễn Duy Đình (khoảng 1660); con thứ hai là Nguyễn Duy Du, di cư vào Can Lộc, Hà Tĩnh.

Đời thứ 19

     Nguyễn Duy Đình lấy vợ là Phạm Thị Đôi, sinh hạ được 4 người con, 3 trai 1 gái: Nguyễn Duy Bình, Nguyễn Duy Khiêm, Nguyễn Duy Hiển, Nguyễn Thị Na.

     Hai người con của Nguyễn Duy Bình là Nguyễn Duy Hiền, Nguyễn Duy Năng di cư lên khai cơ lập nghiệp ở Bàu Ó (Thanh Lương, Thanh Chương, Nghệ An), hình thành một Chi tộc lớn, con cháu rất đông, Nhà thờ ở đây đã được cấp bằng Di tích Lịch sử - Văn hoá.

     Cha con Nguyễn Duy Khiêm cũng từ làng Giệc lên Trùa Sơn (Làng Đa Phúc, xã Nghi Công Nam, huyện Nghi lộc, tỉnh Nghệ an ngày nay) để khai phá đất đai xây dựng làng xóm mới.

     Nguyễn Duy Hiển chết trận sớm (có hai con là Nguyễn Duy Dượng và Nguyễn Duy Dương, hiện nay không rõ); Nguyễn Thị Na lấy chồng họ Đinh nhưng rồi bị chết bất đắc kì tử.

Đời thứ 20

      Nguyễn Duy Bình sinh được hai người con là Nguyễn Duy Hiền (tử trận?), Nguyễn Duy Năng.

Đời thứ 21

      Sau khi di cư vào Hoa Ổ (Bàu Ó, Thanh Lương, Thanh Chương), Nguyễn Duy Năng chiêu dân lập ấp xây dựng quê hương mới. Ông được bổ làm tri phủ Anh Sơn, sinh được 3 người con: Nguyễn Duy Trinh ở Thanh Lương, Thanh Chương; Nguyễn Duy Thạch ở Quốc tử giám; Nguyễn Duy Công tức Nguyễn Mạnh Công ở thôn Kim Chung, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn.




III. Phả hệ Nguyễn Duy tộc ở Xuân Lâm, Nam Đàn, Nghệ An

     (Để tiện cho việc tra cứu gia phả, về phả hệ Nguyễn Duy tộc Xuân Lâm, Ban biên soạn lấy đời Thủy tổ Nguyễn Mạnh Công (Nguyễn Duy Công) làm Đời thứ nhất, hậu duệ các đời về sau theo thứ tự là 2-3-4… ).

Đời thứ nhất: Đức Thủy tổ Nguyễn Mạnh Công (tên thực: Nguyễn Duy Công)

Sinh ngày: 20/6/1749
Mất ngày: 15/3/1819
Mộ táng ở thôn Kim Chung, xã Xuân La, Tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đường, tỉnh Nghệ An (nay là nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
- Vợ là Đinh Thị Liễu
Mất: 15/7
Mộ táng ở: Thôn Kim Chung, xã Xuân La, Tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đường (nay là nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
     Đức Thủy tổ Nguyễn Mạnh Công đỗ hương cống (cử nhân), làm Tri phủ Kỳ Hoa, Văn Quan Bản Phủ Giao Sinh Nguyễn Mạnh Công, tự Đăng Khoa, úy Chất Trực, Phủ Quân Khảo Tỷ thần vị.
     Ngài đến khai cơ lập nghiệp ở thôn Kim Chung, xã Xuân La (nay là xã Xuân Lâm), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An khoảng cuối thế kỉ 18.
     Đây là một vùng đất trù phú nằm bên tả ngạn sông Lam, với đồng ruộng màu mỡ, bãi sông được phù sa bồi đắp phì nhiêu.

     Đức Thủy tổ Nguyễn Mạnh Công sinh được 4 người con trai sau này lập thành  4 chi:

1. Nguyễn Duy Thản, quê quán: Thôn Kim Chung, xã Xuân La (nay là xã Xuân Lâm), tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 
2. Nguyễn Duy Triển, quê quán: Thôn Vĩnh Long, xã Xuân La (nay là xã Xuân Lâm), tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 
3. Nguyễn Duy Quảng, quê quán: Thôn Vĩnh Long Hạ, xã Xuân La (nay là xã Xuân Lâm), tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 
4. Nguyễn Duy Quyết, quê quán: Thôn Chùa Khê, xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

     Trải qua hơn hai thế kỉ gây dựng cơ nghiệp tổ tiên, dòng họ Nguyễn Duy ở Xuân Lâm ngày càng phát triển, con cháu đông đúc, thời đại nào cũng có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước và xây dựng quê hương xứ sở (Xem Chương II, Vài nét về lịch sử và truyền thống dòng họ Nguyễn Duy Xuân Lâm).

Đời thứ 2: Nguyễn Duy Thản

Sinh ngày 10/6/1779, mất ngày 5/7/1849.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Kim Chung, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh (nay là nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Làm nghề cắt thuốc Bắc và chữa bệnh.
Vợ là Đinh Thị Liên, mất ngày 12/8.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Kim Chung, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh (nay là nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Sinh được 4 người con trai:
+ Nguyễn Duy Thanh
+ Nguyễn Duy Vinh
+ Nguyễn Duy Tơng
+ Nguyễn Duy Đá
Quê quán: Thôn Kim Chung, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Đời thứ 3: Nguyễn Duy Thanh

Sinh ngày 20/5/1809, mất ngày 12/8/1879.
Làm nghề cắt thuốc chữa bệnh, thầy cúng.
Mộ táng ở nghĩa trang xóm 20, HTX Nam Mỹ, Xuân Lâm, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 
Vợ là Phạm Thị Hoe, mất ngày 12/6.
Mộ táng ở nghĩa trang xóm 20, HTX Nam Mỹ, Xuân Lâm, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 
- Sinh được 5 người con. Con trai trưởng là Nguyễn Duy Hợp.
- Quê quán: Thôn Kim Chung, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Đời thứ 4: Nguyễn Duy Hợp

Sinh năm 1839, mất ngày 4/9/1909.
Mộ táng ở nghĩa trang xóm 20, HTX Nam Mỹ, Xuân Lâm, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 
Làm thầy cúng và nông nghiệp.
Vợ là Dương Thị Thu, mất ngày 12/7.
Mộ táng ở nghĩa trang xóm 20, HTX Nam Mỹ, Xuân Lâm, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 
Sinh được 2 con trai: Nguyễn Duy Diêm và Nguyễn Duy Quỳnh.
Quê quán: Thôn Kim Chung, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Đời thứ 5: Nguyễn Duy Diêm

Sinh năm 1869, mất ngày 30/2/1934. Làm nông nghiệp.
Mộ táng ở nghĩa trang xóm 20, HTX Nam Mỹ, Xuân Lâm, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 
Vợ là Phạm Thị Tam, mất ngày 11/9.
Mộ táng ở nghĩa trang xóm 20, HTX Nam Mỹ, Xuân Lâm, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 
Sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái:
+ Nguyễn Duy Hiệt
+ Nguyễn Duy Phiệt
+ Nguyễn Thị Duyệt lấy chồng
+ Nguyễn Duy Điệp, sống tại Nhi viện nhà thờ Cầu Rầm ở Vinh, hiện nay chưa biết ở đâu.
Quê quán: Thôn Kim Chung, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, sau do nhà bị cháy nên chuyển về quê ngoại ở làng Đông Lam, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 

Đời thứ 6: Nguyễn Duy Hiệt

Sinh năm 1890, mất năm 1971.
Mộ táng ở nghĩa trang xóm 20, HTX Nam Mỹ, Xuân Lâm, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 
Làm nông nghiệp
Vợ là Phạm Thị Tuýnh, sinh năm 1890, mất ngày 3/5/1981.
Mộ táng ở nghĩa trang xóm 20, HTX Nam Mỹ, Xuân Lâm, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 
Sinh được 3 người con, 1 trai và 2 gái.
Quê Quán: Thôn Xuân Khoa, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Đời thứ 7: Nguyễn Duy Cát

Sinh năm 1929. Làm nông nghiệp.
Vợ là Nguyễn Thị Chắt (Toản), sinh năm 1930.
Sinh được 6 người con, 4 trai và 2 gái.
Quê Quán, xóm 20 HTX Nam Mỹ, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 

Đời thứ 8: Nguyễn Duy Khang

Sinh năm 1958. Trưởng Công An huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.
Vợ là Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1957.
Sinh được 2 người con, 1 trai và 1 gái.

Đời thứ 9: Nguyễn Duy Hải

Sinh năm 1986. Hiện nay công tác tại Công an tỉnh Bình Thuận.


IV. Phả đồ Nguyễn Duy tộc ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

Mời xem: TẠI ĐÂY

V. Phả hệ các chi Nguyễn Duy tộc Xuân Lâm, Nam Đàn, Nghệ An

A. Chi thứ nhất (chi Giáp, Đại tôn)

1. Nguyễn Duy Thản
Sinh ngày 10/6/1779, mất ngày 5/7/1849.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Kim Chung, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh (nay là nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Làm nghề cắt thuốc Bắc và chữa bệnh.
Vợ là Đinh Thị Liên, mất ngày 12/8.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Kim Chung, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh (nay là nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Sinh được 4 người con trai:
Nguyễn Duy Thanh
Nguyễn Duy Vinh
Nguyễn Duy Tơng
Nguyễn Duy Đá
1.1. Nguyễn Duy Thanh (Con trai trưởng của Nguyễn Duy Thản)
Sinh ngày 20/5/1809, mất ngày 12/8/1879.
Mộ táng ở nghĩa trang xóm 20, HTX Nam Mỹ, Xuân Lâm, Nam Đàn.
Làm nghề cắt thuốc chữa bệnh, thầy cúng.
Vợ là Phạm Thị Hoe, mất ngày 12/6.
Mộ táng ở nghĩa trang xóm 20, HTX Nam Mỹ, Xuân Lâm, Nam Đàn.
Sinh được 5 người con. 
1.1.1 Nguyễn Duy Hợp (Con trai trưởng của Nguyễn Duy Thanh)
Sinh năm 1839, mất ngày 4/9/1909.
Mộ táng ở nghĩa trang xóm 20, HTX Nam Mỹ, Xuân Lâm, Nam Đàn.
Làm thầy cúng và nông nghiệp.
Vợ là Dương Thị Thu, mất ngày 12/7.
Mộ táng ở xóm 20, HTX Nam Mỹ, Xuân Lâm, Nam Đàn.
Sinh được 2 con trai: 
Nguyễn Duy Diêm 
Nguyễn Duy Quỳnh.
1.1.1.1 Nguyễn Duy Diêm (Con trai trưởng của Nguyễn Duy Hợp)
Sinh năm 1869, mất ngày 30/2/1934.
Mộ táng ở nghĩa trang xóm 20, HTX Nam Mỹ, Xuân Lâm, Nam Đàn.
Làm nông nghiệp.
Vợ là Phạm Thị Tam, mất ngày 11/9.
Mộ táng ở nghĩa trang xóm 20, HTX Nam Mỹ, Xuân Lâm, Nam Đàn.
Sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái: 
Nguyễn Duy Hiệt
Nguyễn Duy Phiệt
Nguyễn Thị Duyệt
Nguyễn Duy Điệp (sống tại Nhi viện nhà thờ Cầu Rầm ở Vinh, hiện nay chưa biết ở đâu).
Quê quán: Thôn Kim Chung, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, sau do nhà bị cháy nên chuyển về quê ngoại ở làng Đông Lam, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn.
1.1.1.1.1 Nguyễn Duy Hiệt (Con trai trưởng của Nguyễn Duy Diêm)
Sinh năm 1890, mất năm 1971.
Mộ táng ở nghĩa trang xóm 20, HTX Nam Mỹ, Xuân Lâm, Nam Đàn.
Làm nông nghiệp.
Vợ là Phạm Thị Tuýnh. 
Sinh năm 1890, mất ngày 3/5/1981.
Mộ táng ở nghĩa trang xóm 20, HTX Nam Mỹ, Xuân Lâm, Nam Đàn.
Quê Quán: Thôn Xuân Khoa, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn
Sinh được 3 người con, 1 trai và 2 gái.
1.1.1.1.1.1 Nguyễn Duy Cát (Con trai trưởng của Nguyễn Duy Hiệt)
Sinh năm 1929.
Vợ là Nguyễn Thị Chắt (Toản), sinh năm 1930.
Thường trú xóm 20, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 6 người con: 4 trai và 2 gái:
Nguyễn Thị Ngọc, sinh năm 1956
Nguyễn Duy Khang
Nguyễn Duy Hồng
Nguyễn Duy Linh
Nguyễn Thị Lam
Nguyễn Duy Giang
1.1.1.1.1.1.1 Nguyễn Duy Khang (Con trai trưởng của Nguyễn Duy Cát)
Sinh năm 1958. Đại tá công an. Hiện nay là Thường vụ Huyện ủy, Trưởng công an huyện Phú Quý, Bình Thuận.
Quê quán Xóm 20, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba.
Huy chương Vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Vợ là Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1957.
Sinh được 2 người con, 1 trai 1 gái:
Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1983, kinh doanh buôn bán tại Kim Liên, Nam Đàn.
Nguyễn Duy Hải
1.1.1.1.1.1.1.1 Nguyễn Duy Hải (Con trai trưởng của Nguyễn Duy Khang)
Sinh năm 1986. Tốt nghiệp Cử nhân Công nghệ Thông Tin, trường Đại học Vinh. Hiện nay là Thiếu úy công an tỉnh Bình Thuận.
1.1.1.1.1.1.2 Nguyễn Duy Hồng
Sinh năm 1960. Bộ đội phục viên, hiện nay làm nông nghiệp.
Thường trú xóm 20, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Nguyễn Thị Nhàn, sinh năm 1963.
Sinh được 2 con trai, 1 con gái:
Nguyễn Duy Đông 
Nguyễn Duy Dương 
Nguyễn Thị Phương, sinh năm 1990. Chồng là anh Như, xóm 16 Nam Mỹ.
1.1.1.1.1.1.2.1 Nguyễn Duy Đông 
Sinh năm 1982. Làm nông nghiệp.
Thường trú tại xóm 20, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1983.
Sinh được 2 người con, 1 trai và 1 gái:
Nguyễn Duy Nam
Nguyễn Thị Lan, sinh năm 2012.
1.1.1.1.1.1.2.1.1 Nguyễn Duy Nam, sinh năm 2008
1.1.1.1.1.1.2.2 Nguyễn Duy Dương 
Sinh năm 1986. Làm công nhân lái xe
Thường trú xóm 20, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
1.1.1.1.1.1.3 Nguyễn Duy Linh 
Sinh năm 1963. Làm nghề nông.
Thường trú tại xóm 20, xã Xuân Lâm.
Vợ là Phạm Thị Diệu, sinh năm 1965
Sinh được 4 người con, 3 gái và 1 trai:
Nguyễn Thị Huyền, sinh năm 1991. Công nhân may mặc Hoàng Thị Loan
Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1993. Công nhân may mặc Hoàng Thị Loan
Nguyễn Thị Hường, sinh năm 1997. Công nhân may mặc Hoàng Thị Loan.
Nguyễn Duy Cương
1.1.1.1.1.1.3.1 Nguyễn Duy Cương, sinh năm 2009.
1.1.1.1.1.1.4 Nguyễn Duy Giang 
Sinh năm 1973. Công nhân Nhà máy nước Vinh.
Thường trú tại Thị trấn Nam Đàn
Vợ là Trần Thị Lý, sinh năm 1977. Kế toán trường cấp 2 Thị Trấn Nam Đàn.
Sinh được 2 người con, 1 trai, 1 gái:
Nguyễn Duy Sơn
Nguyễn Thị Diệu, sinh năm 2012
1.1.1.1.1.1.4.1 Nguyễn Duy Sơn, sinh năm 2006
1.1.1.1.2 Nguyễn Duy Phiệt 
1.1.1.1.2.1 Nguyễn Duy Quỳnh (Con Nguyễn Duy Phiệt)
Thọ 75 tuổi.
Thường trú xóm Đình, làng Đông Lâm, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là bà Lê Thị Hai.
Sinh được 4 người con, 3 gái, 1 trai:
Nguyễn Thị Ả, lấy chồng là ông Châu Thực ở Nam Lâm.
Nguyễn Thị Hai, lấy chồng là ông Dư Chí ở Nam Mỹ.
Nguyễn Thị Ba, lầy chồng là ông Hồ Tân, xóm Hồ Cựu, nay là làng Vang, thành phố Vinh.
Nguyễn Duy Đằng
1.1.1.1.2.1.1 Nguyễn Duy Đằng
Sinh năm 1925, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, mất năm 2011.
Thường trú xóm 19, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Biện Thị Hoét, sinh năm 1929, mất năm 2009.
Sinh được 4 người con trai, 1 con gái:
Nguyễn Duy Thiều
Nguyễn Duy Thuận
Nguyễn Duy Hòa
Nguyễn Thị Hoa, lấy chồng về Hồng Long.
1.1.1.1.2.1.1.1 Nguyễn Duy Thiều
Sinh năm 1955. Làm nghề nông.
Thường trú tại xóm 12 xã Xuân Lâm, Nam Đàn.
Vợ là Nguyễn Thị Châu, sinh năm 1960.
Sinh được 4 người con, 2 trai, 2 gái:
Nguyễn Duy Đức, sinh năm 1977
Nguyễn Thị Minh, sinh năm 1980, lấy chồng ở Tiền Giang.
Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1983, lấy chồng về xóm 3 Xuân Lâm, Nam Đàn.
Nguyễn Duy Linh sinh năm 1986.
1.1.1.1.2.1.1.1.1 Nguyễn Duy Đức
Sinh năm 1977, cán bộ giao thông.
Vợ là Nguyễn Thị Thơm, sinh năm 1981, giáo viên cấp 1 Nam Lĩnh.
Thường trú tại xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn.
Sinh được 2 người con, 1 trai, 1 gái:
Nguyễn Thị Na, sinh năm 2009.
Nguyễn Duy Lộc
1.1.1.1.2.1.1.1.1.1 Nguyễn Duy Lộc sinh năm 2013.
1.1.1.1.2.1.1.1.2 Nguyễn Duy Linh
Sinh năm 1986, công nhân cầu đường.
1.1.1.1.2.1.1.2 Nguyễn Duy Thuận
Sinh năm 1960. Làm nông nghiệp.
Thường trú tại xóm 20, xã Xuân Lâm, Nam Đàn.
Vợ là Phạm Thị An, sinh năm 1985.
Sinh được 4 người con gái:
Nguyễn Thị Hường, sinh năm 1986, lấy chồng.
Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1995.
Nguyễn Thị Nam, sinh năm 1997.
Nguyễn Thị Liên, sinh năm 2008.
1.1.1.1.2.1.1.3 Nguyễn Duy Hòa
Sinh năm 1965. Làm nông nghiệp.
Thường trú tại xóm 16, xã Xuân Lâm, Nam Đàn.
Vợ là Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1967.
Sinh được 2 người con, 1 trai và 1 gái:
Nguyễn Duy Nhân
Nguyễn Thị Phương, sinh năm 2008.
1.1.1.1.2.1.1.3.1 Nguyễn Duy Nhân, sinh năm 1994.
1.2. Nguyễn Duy Vinh (Nhánh thứ hai của Nguyễn Duy Thản)
Sinh năm 1814, mất ngày 14/7/1894.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Kim Chung, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh (nay là nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn).
Làm nghề thêu, may, thầy cúng.
Vợ là Lê Thị Bình, sinh năm 1816, mất ngày 13/8/1900.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn. 
Quê Quán: Thôn Kim Chung, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh (nay là xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Sinh được 3 người con trai:
Nguyễn Duy Thông 
Nguyễn Duy Ân
Nguyễn Duy Huề (Học Huề)
1.2.1 Nguyễn Duy Thông (vô hậu)
Sinh năm 1854, mất năm:
1.2.2 Nguyễn Duy Ân
Sinh năm 1866, mất 2/4/1926.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 3 người con, 1 gái, 2 trai:
Nguyễn Duy Quỳnh
Nguyễn Duy Chình
?
1.2.2.1 Nguyễn Duy Quỳnh
Sinh năm 1914, mất:
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Làm nghề nông nghiệp.
Vợ là Nguyễn Thị Nhỏ, mất:
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 5 người con, 3 trai và 2 gái:
Nguyễn Duy Hùng
Nguyễn Duy Cường
Nguyễn Duy Quang
Nguyễn Thị Trà
Nguyễn Thị Hồng
1.2.2.1.1 Nguyễn Duy Hùng
Sinh năm 1956. Có 3 vợ (?). Làm nghề thầy cúng.
Thường trú tại phường Lê Mao, thành phố Vinh.
Có ba người con, 2 gái, 1 trai:
Nguyễn Duy Tâm, sinh năm 1979, mất năm 1997.
Nguyễn Thị Lý, sinh năm 1983, lấy chồng.
Nguyễn Thị Huyền, sinh năm 1983, mất năm 2012.
1.2..2.1.2 Nguyễn Duy Cường
Sinh năm 1963. Làm nghề nông và cắt thuốc Nam chữa bệnh.
Thường trú ở xóm 3 xã Xuân Lâm, Nam Đàn, Nghệ An.
Vợ là Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1966.
Sinh được 3 người con, 1 trai và 2 gái:
Nguyễn Duy Phú
Nguyễn Thị Thành, sinh năm 1994.
Nguyễn Thị Trà, sinh năm 1996.
1.2..2.1.2.1 Nguyễn Duy Phú
Sinh năm 1992, đang học Đại học xây dựng Hà Nội năm thứ 3.
1.2.2.1.3 Nguyễn Duy Quang
Sinh năm 1966. Làm nghề sản xuất giò.
Thường trú tại phường Đội Cung, thành phố Vinh.
Vợ là Phạm Thị Thảo, sinh năm 1969.
Sinh được 2 người con, 1 trai, 1 gái:
Nguyễn Duy Khánh
Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1991.
1.2.2.1.3.1 Nguyễn Duy Khánh
Sinh năm 1990.
1.2.2.2 Nguyễn Duy Chình
Sinh năm 1918. Mất năm:
Vợ là Nguyễn Thị Miên, sinh năm 1929, mất năm:
Thường trú phường Lê Mao, thành phố Vinh.
Sinh được 3 người con, 1 trai, 3 gái:
Nguyễn Duy Phúc
Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1957. Chồng là Trần Văn Lợi.
Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1964, mất năm 1984.
1.2.2.2.1 Nguyễn Duy Phúc
Sinh năm 1953. Đi bộ đội chống Mỹ năm 1970, hi sinh năm 1972, tại mặt trận phía Nam.
1.2..3 Nguyễn Duy Huề
Sinh năm 1890. Mất:
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Nguyễn Thị Sen, sinh năm 1892, mất năm 1983.
Sinh được 2 con gái:
Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1934, mất năm 1985. Chồng là Cao Danh Hinh.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Nguyễn Thị Dung, chồng là bác Tài. Sinh năm 1937. Hiện nay đang sống ở Xí nghiệp C, khu gang thép Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái.
1.3 Nguyễn Duy Tơng (Con trai thứ ba của Nguyễn Duy Thản)
Sinh:       Mất:
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Đinh Thị Nhân. Sinh:        Mất:
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 4 người con trai:
Nguyễn Duy Tùng
Nguyễn Duy Chí (Học ý)
Nguyễn Duy Hải
Nguyễn Duy Húy
1.3.1 Nguyễn Duy Tùng (vô hậu)
1.3.2 Nguyễn Duy Chí (Học ý)
Sinh năm 1874, mất ngày 7/6/1961.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Thầy giáo Hán học, thầy thuốc Bắc.
Có hai vợ: Vợ thứ nhất là Nguyễn Thị Thanh, mất ngày 2/4.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ thứ 2 là Nguyễn Thị Thêm, mất ngày 18/10.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 4 người con, 2 trai và 3 gái:
Nguyễn Duy Ý
Nguyễn Duy Ới
Nguyễn Thị Nhì
Nguyễn Thị Khởi
Nguyễn Thị Thởi
1.3.2.1 Nguyễn Duy Ý
Sinh năm 1908, mất năm 1979.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Bùi Thị Hoe, sinh năm 1916, mất năm 1999.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 9 người con, 6 trai, 3 gái:
Nguyễn Duy Tý
Nguyễn Thị Sử, lấy chồng là Nguyễn Văn Nguyên ở Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên.
Nguyễn Thị Dần, lấy chồng quê ở Xuân Lâm. Thường trú tại Biên Hòa, Đồng Nai.
Nguyễn Duy Mạo
Nguyễn Duy Thìn
Nguyễn Thị Tỵ, lấy chồng ở thị trấn Nam Đàn.
Nguyễn Duy Ngọ
Nguyễn Duy Vị
Nguyễn Duy Nghị
1.3.2.1.1 Nguyễn Duy Tý
Sinh năm 1932, mất năm 1981.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
1.3.2.1.2 Nguyễn Duy Mạo
Sinh  ngày 10/10/1946. Có 3 vợ, sinh được 11 người con.
Vợ cả là Ngô Thị Miên, sinh năm 1945, quê ở Vạn Thắng, Nông Cống, Thanh Hóa. Thường trú tại TP. Biên Hòa. Sinh được 3 con.
Vợ hai là Đỗ Thị Giáp, thường trú ở Thọ Lộc, Thọ Xuân, Thanh Hóa, sinh được 3 con, 2 trai, 1 gái.
Vợ ba là Trần Thị Đông, sinh năm 1958, thường trú xóm 3, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, sinh được 5 con, 3 trai và 2 gái.
Thứ tự 11 con của ông Nguyễn Duy Mạo:
Nguyễn Thị Mây
Sinh ngày 2/1/1974. Lấy chồng Thanh Hóa. Có 3 người con. Hiện nay thường trú ở Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk.
Nguyễn Duy Song
Nguyễn Thị Hương
Sinh năm 1978. Lấy chồng quê ở Hải Dương. Sinh được 3 con trai. Nay ở Long Khánh, Đồng Nai.
Nguyễn Thị Kim Tuyến
Sinh năm 1972. Chồng là Trần Hữu Vinh. Sinh được 2 người con 1 trai, 1 gái. Thường trú Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Duy Minh, mất khi 4 tuổi
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Kim Chung, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh (nay là nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Nguyễn Duy Trinh
Nguyễn Duy Quyết
Sinh ngày 15/7/1982.
Vợ là Phạm Thị Bích Hằng, sinh ngày 20/11/1987.
Thường trú xóm 3 xã Xuân Lâm, Nam Đàn. Sinh được 2 người con:
+ Nguyễn Thị Kim Anh, sinh ngày 26/3/2011.
+ Nguyễn Thị Phan Khánh, sinh ngày 10/10/2013.
Nguyễn Thị Thanh Huyền, sinh năm 1984. Lấy chồng về Cửa Hội, Nghệ An.
Nguyễn Duy Công
Nguyễn Thị Lý, sinh năm 1988. Hiện nay lao động ở Liên Bang Nga.
Nguyễn Thị An, sinh năm 1990. Lấy chồng về Cửa Hội.
1.3.2.1.2.1 Nguyễn Duy Song
Sinh năm 1976. Vợ là Nguyễn Thị Hồng Thắm, sinh năm 1983.
Thường trú tại tổ 7, khối 4 Trảng Dài, Biên Hòa Đồng Nai.
Sinh  được 2 người con, 1 trai và 1 gái:
Nguyễn Duy Khôi
Nguyễn Thị Kim Anh, sinh năm 2013.
1.3.2.1.2.1.1 Nguyễn Duy Khôi, sinh năm 2008.
1.3.2.1.2.2 Nguyễn Duy Trinh
Con trai là Nguyễn Duy Khương. Nay ở Quảng Nam, Đà Nẵng.
1.3.2.1.2.2.1 Nguyễn Duy Khương 
1.3.2.1.2.3 Nguyễn Duy Quyết
Sinh ngày 15/7/1982. Vợ là Phạm Thị Bích Hằng, sinh ngày 20/11/1987.
Thường trú xóm 3 xã Xuân Lâm, Nam Đàn. Sinh được 2 người con:
Nguyễn Thị Kim Anh, sinh ngày 26/3/2011
Nguyễn Thị Phan Khánh, sinh ngày 10/10/2013
1.3.2.1.2.4 Nguyễn Duy Công
Sinh ngày 23/7/1986. Vợ là Trần Thị Uyên, sinh năm 1984.
Sinh được một con trai là Nguyễn Duy Nguyên
1.3.2.1.2.4.1 Nguyễn Duy Nguyên
1.3.2.1.3 Nguyễn Duy Thìn
Sinh năm 1949, mất năm 2012
Mộ táng ở nghĩa trang phường Trương Định, Biên Hòa, Đồng Nai.
Tham gia bộ đội chống Mỹ cứu nước. Năm 1976 chuyển ngành làm thương nghiệp ở Đồng Nai. Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Vợ là Nguyễn Thị Lê Hà, sinh năm 1957, quê ở Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Thường trú Số nhà 212, phường Trương Định, Biên Hòa, Đồng Nai.
Sinh được 3 người con, 1 trai và 2 gái:
Nguyễn Duy Đức
Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1983
Nguyễn Thị Huyền, sinh năm 1987, tốt nghiệp Đại học Tài chính, hiện nay công tác tại Biên Hòa, Đồng Nai.
1.3.2.1.3.1 Nguyễn Duy Đức
Sinh năm 1982, tốt nghiệp Cao Đẳng thông tin, làm kinh doanh tại Biên Hòa, Đồng Nai.
1.3.2.1.4 Nguyễn Duy Ngọ
Sinh năm 1957. Thượng tá, nguyên Đội trưởng đội trinh sát Thám không, Phòng trinh sát kỹ thuật, Công an Nghệ An. Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Huy chương vì Sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nay nghỉ hưu.
Thường trú tại phường Hưng Lộc, thành phố Vinh, Nghệ An.
Vợ là Lê Thị Tịnh, sinh năm 1963. Cán bộ bưu điện tỉnh Nghệ An, nghỉ hưu.
Sinh được 2 người con, 1 trai và 1 gái:
Nguyễn Duy Hoàng
Nguyễn Thị Hằng Nga, sinh năm 1990, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội. Chồng là Trương Nhật hòa, sinh năm 1986, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội. Hiện đang công tác tại Hà Nội.
1.3.2.1.4.1 Nguyễn Duy Hoàng
Sinh năm 1985, tốt nghiệp Đại học Vinh khoa Công nghệ Thông tin.
Vợ là Hoàng Thị Thảo, sinh năm 1985.
Có 1 con gái là Nguyễn Thái Ngọc Hà, sinh năm 2010.
1.3.2.1.5 Nguyễn Duy Vị
Sinh ngày 28/11/1958. Làm công nhân. Đảng viên.
Vợ là Ngô Thị Hồng, sinh ngày 26/10/1966. Công nhân kinh doanh.
Thường trú tại số nhà 96/23 tổ 6, khu phố 4, phường Tân Hiệp Chánh, Phố Biên Hòa, Đồng Nai.
Sinh được hai người con, 1 trai và 1 gái:
Nguyễn Thị Kiều Trang, sinh 1/6/1990, nhân viên Ngân hàng.
Nguyễn Duy Duẩn
1.3.2.1.5.1 Nguyễn Duy Duẩn
Sinh năm 1996, học sinh.
1.3.2.1.6 Nguyễn Duy Nghị
Sinh ngày 8/6/1961. Vợ là Phạm Thị Biên, sinh ngày 25/11/1971.
Thường trú tại 62B, tổ 11, khu phố 2, phường Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai.
Sinh được 3 con gái:
Nguyễn Thị Thùy Linh, sinh 11/6/1993.
Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh 5/9/1994.
Nguyễn Thị Bảo Ngọc, sinh 6/4/2003.
1.3.2.2 Nguyễn Duy Ới
Sinh năm 1910, mất ngày: 25/6/1959.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Dương Thị Ba, sinh năm 1924, mất năm 2014.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 3 người con, 1 gái 2 trai:
Nguyễn Thị Liễu
Nguyễn Duy Đào
Nguyễn Duy Mai
1.3.2.2.1 Nguyễn Duy Đào
Sinh ngày 20/4/1953. Vợ là Phạm Thị Đức, sinh ngày 3/6/1955
Thường trú tại tổ 6, ấp Phố Lố, xã An Phú, Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước.
Sinh được 3 con trai, 1 con gái:
Nguyễn Thị Dung, sinh 20/4/1982, lấy chồng ở Bình Phước
Nguyễn Duy Trung
Nguyễn Duy Dũng
Nguyễn Duy Sĩ
1.3.2.2.1.1 Nguyễn Duy Trung
Sinh 13/12/1983. Vợ là Nguyễn Thị Hợi sinh năm 1987, sinh được 1 con gái là Nguyễn Thị Ngọc Hoa, sinh 2012.
1.3.2.2.1.2 Nguyễn Duy Dũng
Sinh 20/12/1985. Vợ là Phạm Thị Thúy, sinh được 2 người con trai: 
Nguyễn Duy Quang
Nguyễn Duy Vinh
1.3.2.2.1.2.1 Nguyễn Duy Quang
1.3.2.2.1.2.2 Nguyễn Duy Vinh
1.3.2.2.1.3 Nguyễn Duy Sĩ
Sinh 10/10/1987. Vợ là Trần Thị Sang, sinh năm 1988. 
Thường trú tổ 6, ấp Phố Lố, xã An Phú, Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước.
Sinh được 1 con gái là Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh 8/11/2013. 
1.3.2.2.2 Nguyễn Duy Mai
Sinh ngày 10/10/1957. Vợ là Phan Thị Thủy, sinh năm 1970
Thường trú tại xóm 1, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 3 người con, 2 trai và 1 gái:
Nguyễn Duy Sáng
Nguyễn Thị Minh Hằng, sinh 24/4/1996
Nguyễn Duy Đạt 
1.3.2.2.2.1 Nguyễn Duy Sáng, sinh 18/7/1993.
1.3.2.2.2.2 Nguyễn Duy Đạt, sinh 26/10/2004.

1.3.3 Nguyễn Duy Hải
Sinh năm 1886, mất ngày 21/4/1941
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Hồ Thị Huyên, sinh năm 1889, mất ngày 26/12/1983.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 6 người con, chết 2 người khi còn nhỏ, còn lại 4 người:
Nguyễn Duy Tại
Nguyên Duy Đợi
Nguyễn Duy Đại
Nguyễn Thị Tuyền. Sinh năm 1935, mất năm 1964.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Chồng là Bùi Đình Xơng ở Xuân Lâm (đã mất). Có một con gái là Bùi Thị Mai, lấy chồng ở xóm 1, xã Hồng Long.
1.3.3.1 Nguyễn Duy Tại
Sinh năm 1916, mất ngày 19/10/1990.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Dương Thị Lan, sinh năm 1919, mất ngày 24/3/1994.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 6 người con:
Nguyễn Duy Châu
Nguyễn Thị Bình (Bé). Sinh năm 1950. Tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội, nay nghỉ hưu. Chồng là Hoàng Nghĩa Kính. Có 3 con, 1 trai và 2 gái. Thường trú xóm 4 Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên.
Nguyễn Duy Ngọc (Chút)
Nguyễn Thị Bốn. Sinh năm 1957. Chồng là Dương Đình Niên. Có 4 người con, 1 trai và 3 gái. Thường trú ở thôn 3, xã Xuân Lâm, Nam Đàn.
Nguyễn Duy Hồng (Năm)
Nguyễn Duy Tiến
1.3.3.1.1 Nguyễn Duy Châu
Sinh ngày 24/6/1948. Nhập ngũ tháng 11 năm 1965. Đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại đội trưởng bộ đội chống Mỹ. Đã được Nhà nước và Quân đội tặng thưởng:
- 2 Huân chương Chiến công hạng Ba
- 3 Huân chương Giải phóng hạng Một, Hai, Ba
- 1 Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Hai
- 1 Huy hiệu Chiến sĩ quyết thắng
- 1 Huy hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc
- 3 lần được tặng Danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ
- 5 bằng khen của Bộ tư lệnh 559
- Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng
Vợ là Nguyễn Thị Hường, sinh ngày 10/9/1950.
Thường trú tại xóm 3 xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 4 người con 3 trai 1 gái:
Nguyễn Duy Âu
Nguyễn Duy Á, sinh ngày /1/1978, mất ngày: 14/10/1979.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Nguyễn Duy Văn
Nguyễn Thị Soa, sinh ngày 20/8/1982. Chồng là Nguyễn Thanh Chương, xóm 6 Hưng Đạo, Hưng Nguyên.
1.3.3.1.1.1 Nguyễn Duy Âu
Sinh ngày 28/10/1974. Đảng viên, Cử nhân Luật, Thiếu tá Công an trại 6, cục V26 Bộ công an. Vợ là Lê Thị Hòa, sinh ngày 8/1/1974. Thường trú Thị trấn Hưng Nguyên, Nghệ An. Thường trú Thị trấn Hưng Nguyên, Nghệ An.
Sinh được 2 người con, 1 trai và 1 gái: 
Nguyễn Thị Tú Oanh, sinh ngày 3/8/2006.
Nguyễn Duy Khánh
1.3.3.1.1.1.1 Nguyễn Duy Khánh, sinh 11/2/2009.
1.3.3.1.1.2 Nguyễn Duy Văn
Sinh ngày 29/4/1981. Vợ là Lục Thị Nguyệt, sinh năm 1990.
Sinh được 1 con gái là Nguyễn Thị Thảo Mỹ, sinh ngày 9/4/2013.
1.3.3.1.2 Nguyễn Duy Ngọc 
Sinh ngày 10/7/1954. Vợ là Trần Thị Duyệt, sinh ngày 12/6/1958
Thường trú tại xóm 1, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 7 người con gái:
Nguyễn Thị Nguyệt, sinh ngày 29/6/1985. Lấy chồng Hải Dương
Nguyễn Thị Hoa, sinh ngày 1/10/1986. Lấy chồng Vũng Tàu
Nguyễn Thị Sen, sinh ngày 10/10/1987. Lấy chồng Thanh Chương, Nghệ An
Nguyễn Thị Thơm, sinh ngày 1/6/1990, mất ngày 18/1/2014 (tai nạn giao thông)
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Nguyễn Thị Thắm, sinh ngày 3/9/1992. Lấy chồng ở Hồng Long
Nguyễn Thị Thương, sinh ngày 24/1/1998
Nguyễn Thị Thơ, sinh ngày 24/8/2001, chết đuối ngày 10/4/2008
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
1.3.3.1.3 Nguyễn Duy Hồng
Sinh ngày 13/3/1960. Thạc sĩ, Phó hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Kinh tế Nghệ An. Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.
Vợ là Lê Thị Hồng Loan, sinh ngày 14/5/1961.
Thường trú tại khối 6, phường Hưng Bình, thành Phố Vinh.
Sinh được 2 con trai:
Nguyễn Duy Tuấn
Nguyễn Duy Tú
1.3.3.1.3.1 Nguyễn Duy Tuấn
Sinh ngày 26/6/1985. Trung úy, Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Vinh, Nghệ An.
Vợ là Bùi Thị Khánh Linh, sinh ngày 6/8/1990. Cán bộ môi trường thành phố Vinh, tốt nghiệp Đại học môi trường.
Sinh được 1 con trai là Nguyễn Duy Trung Dũng.
1.3.3.1.3.1.1 Nguyễn Duy Trung Dũng, sinh ngày 28/1/2013.
1.3.3.1.3.2 Nguyễn Duy Tú
Sinh ngày 16/9/1988. Tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương, nay đang công tác tại Hà Nội
1.3.3.1.6 Nguyễn Duy Tiến
Sinh năm 1963. Vợ là Phạm Thị Thịnh, sinh năm 1966.
Thường trú khối 6, phường Trường Thi, thành phố Vinh.
Sinh được 2 người con, 1 trai và 1 gái:
Nguyễn Duy Hiếu
Nguyễn Thị Thảo, sinh ngày ¼/1997
1.3.3.1.64.1 Nguyễn Duy Hiếu
Sinh ngày 21/4/1993, đang học Đại học Kiến trúc ở Đà Nẵng.
1.3.3.2 Nguyễn Duy Đợi
Sinh năm 1925. Đi bộ đội chống Pháp, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Vợ là Phạm Thị Tỷ (Phương), sinh năm 1933, mất ngày 21/1/1977.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 7 người con, 4 trai và 3 gái:
Nguyễn Thị Lương, sinh năm 1957. Lấy chồng về Nam Quang
Nguyễn Duy Sơn
Nguyễn Duy Lâm
Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1966. Chồng là Phúc Bảo. Thường trú xã Hồng Long, huyện Nam Đàn.
Nguyễn Duy Minh, sinh năm 1968, mất lúc mới sinh.
Nguyễn Thị Kiều, sinh năm 1969. Chồng là Hòa, quê quán Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
Nguyễn Duy Việt
1.3.3.2.1 Nguyễn Duy Sơn, sinh ngày 10/12/1961
Vợ là Đặng Thị Phương, sinh ngày 20/1/1965
Thường trú xóm 3, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn
Sinh được 3 người con, 2 trai, 1 gái:
Nguyễn Duy Trường
Nguyễn Thị Ngân, sinh ngày 20/9/1998
Nguyễn Duy Tân
1.3.3.2.1.1 Nguyễn Duy Trường
Sinh ngày 17/3/1996
1.3.3.2.1.2 Nguyễn Duy Tân
Sinh ngày 20/2/2002
1.3.3.2.2 Nguyễn Duy Lâm
Sinh ngày 20/1/1963. Vợ là Phạm Thị Tuyết
Sinh một con trai là Nguyễn Anh.
1.3.3.2.2.1 Nguyễn Anh, hiện nay đang học Đại học Kinh tế Hà Nội, năm thứ 2.
Thường trú thành phố Vinh, Nghệ An.
1.3.3.2.3 Nguyễn Duy Việt
Sinh ngày 20/2/1972. Vợ là Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1976. Con là Nguyễn Thị Nga.
Thường trú tại Gia Lai, Tây Nguyên.
1.3.3.3 Nguyễn Duy Đại
Sinh ngày 12/12/1929, cán bộ lão thành cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, tham gia dân công phục vụ kháng chiến. Hòa bình lập lại, hoạt động cách mạng tại địa phương, từ một cán bộ đoàn, kế toán hợp tác xã trở thành cán bộ chủ chốt của xã Xuân Lâm. Năm 1972 tham gia dân công hỏa tuyến, làm Đại đội trưởng đại đội xe đạp thồ Xuân Lâm chuyên chở hàng chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Ông đã từng đảm nhận các chức vụ: Chủ nhiệm Hợp tác xã, Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã từ những năm chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ ở miền Bắc cho đến lúc nghỉ hưu năm 1986. 
Do có công lao đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, ông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:
- Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng
- Huân chương kháng chiến hạng Hai
Vợ là Hồ Thị Hai, sinh ngày 1/7/1933.
Sinh được 8 người con, 5 trai và 3 gái:
Nguyễn Duy Đỏ
Sinh ngày 26/10/1955, chết lúc còn nhỏ.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Nguyễn Duy Xuân
Nguyễn Thị Thu, sinh ngày 6/4/1960. Mất  năm 2018. Giáo viên, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Chồng là Đậu Ngọc Cầm, giáo viên. Thường trú tại xã Quỳnh Tân, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Sinh được 2 con gái: Đậu Thị Hương, Đậu Thị Thơm.
Nguyễn Duy Thắng
Nguyễn Thị Dung, sinh ngày 10/9/1966. Chồng là Trần Như Kiều. Sinh được 2 người con trai: Trần Như Huy (Chết lúc 10 tuổi) và Trần Như Hoàng. Thường trú xóm 3 xã Xuân Lâm, Nam Đàn.
Nguyễn Duy Nhung
Nguyễn Duy Nam
Nguyễn Thị Hà, sinh ngày 6/10/1974. Giáo viên. Thường trú tại Cư Dliê M’nông, Cư M’gar, Đắk Lắk. Chồng là Nguyễn Sĩ Kiêm, cán bộ xã Cư Dliê M’nông, Cư M’gar, Đắk Lắk. Sinh hai con: Con gái là Nguyễn Thị Trà My, con trai là Nguyễn Sỹ Bảo An
1.3.3.3.1 Nguyễn Duy Xuân
Sinh ngày 8/5/1957. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh năm 1979, ngành Ngữ Văn. Giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Làm thơ, viết văn, viết báo. Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk. Cộng tác viên các báo, tạp chí ở trung ương và địa phương như Dân trí, Vietnamnet, Hội Nhà văn, Giáo dục Việt Nam, Kiến thức, Tiền phong, Lao động, Đắk Lắk, Cư Yang Sin…
Được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục năm 1999; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy chương danh dự Vì thế hệ trẻ năm 2001; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp Công đoàn năm 2011; Báo Dân trí, cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội khuyến học Việt Nam tặng Giải Nhì (5-2014), giải Nhất (2-2015) giải thưởng “Mỗi bạn đọc – Một nhà báo”.
Vợ là Lê Thị Du, sinh ngày 12/11/1961, quê quán, Văn Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) năm 1982, ngành Lịch sử. Giáo viên trường Trung học Cơ sở Nguyễn Trường Tộ, Buôn Ma Thuột. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục.
Thường trú tại số nhà 320/20 Lê Thị Riêng, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Sinh được 3 người con:
Nguyễn Duy Thanh
Nguyễn Duy Hưng
Nguyễn Thị Thanh Huyền, sinh ngày 4/5/1990 tại Buôn Ma Thuột. Thạc sĩ Dược học Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Chồng là Võ Duy Việt, dược sĩ, quê Phước Thuận, Tuy Phước, Bình Định; hiện là Nghiên cứu sinh tại Đại học Illinois, TP. Chicago, Hoa Kỳ. Con gái Võ Lý Hằng, sinh ngày 10/7/2019 tại Buôn Ma Thuột.
1.3.3.3.1.1 Nguyễn Duy Thanh
Sinh ngày 16/6/1983 Buôn Ma Thuột. Kỹ sư Công nghệ Thông tin, làm việc tại Công ty Phần mềm và truyền thông VASC TP Hồ Chí Minh. Vợ là Trần Thị Minh Ngọc, sinh ngày 27/10/1983. Tốt nghiệp Đại học Tài chính TP Hồ Chí Minh. Phó phòng kế toán Công ty điện AEA TP Hồ Chí Minh.
Sinh được 2 người con:
Nguyễn Thanh Ngọc Hân, sinh ngày 29/1/2012 tại TP. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Duy Hoàng
1.3.3.3.1.1.1 Nguyễn Duy Hoàng
Sinh ngày 07/10/2015 tại TP. Hồ Chí Minh.
1.3.3.3.1.2 Nguyễn Duy Hưng
Sinh ngày 20/8/1986 Buôn Ma Thuột. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh năm 2008, chuyên ngành Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp. Thạc sĩ kĩ thuật xây dựng, Thạc sĩ Quản lí xây dựng, Giảng viên Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh từ 2009 đến 2018.
Giải Ba Olympic Cơ học toàn quốc năm 2006, giải Khuyến khích Olympic Cơ học toàn quốc năm 2007. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo năm 2006.
Từ tháng 11/2018 đến 5/2022 là Nghiên cứu sinh tại Đại học Padova, Cộng hòa Italia. Ngày 27/5/2022, bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ chuyên ngành xây dựng tại Đại học Padova.
Vợ là Phan Thị Ngọc Mai, sinh năm 1991. Thạc sĩ, Kế toán trường Đại học Hoa Sen, TP Hồ Chí Minh.
Con gái Nguyễn Thị Mai Anh, sinh ngày 26/4/2018 tại TP Hồ Chí Minh.
1.3.3.3.2 Nguyễn Duy Thắng
Sinh ngày 22/2/1963. Đi bộ đội, sau đó phục viên. Vợ là Cao Thị Mai, sinh ngày 21/12/1969. Thường trú phường Đông Vĩnh, TP Vinh.
Sinh được 2 con, 1 trai và 1 gái:
Nguyễn Duy Mạnh
Nguyễn Thị Ánh, sinh ngày 10/9/1997.
1.3.3.3.2.1 Nguyễn Duy Mạnh, sinh ngày 14/5/1992.
1.3.3.3.3 Nguyễn Duy Nhung
Sinh ngày 22/5/1968. Làm nông nghiệp.
Vợ là Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 14/7/1972
Thường trú, xóm 3 xã Xuân Lâm, Nam Đàn.
Sinh được 2 người con, 1 trai và 1 gái:
Nguyễn Duy Bảo
Nguyễn Thị Oanh, sinh ngày 25/9/1997
1.3.3.3.3.1 Nguyễn Duy Bảo, sinh ngày 4/7/1995.
1.3.3.3.4 Nguyễn Duy Nam
Sinh ngày 19/2/1972. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, ngành Địa lí. Giáo viên trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cư M’gar, Đắk Lắk.
Vợ là Nguyễn Thị Hoa, sinh ngày 1/7/1980. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, ngành Địa lí, hiện nay là giáo viên ở Cư M’gar.
Thường trú tại Ea Kpam, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk.
Sinh được hai con trai là Nguyễn Duy Hoàng Vũ, Nguyễn Duy Hoàng Quân.
1.3.3.3.4.1 Nguyễn Duy Hoàng Vũ, sinh ngày 7/10/2005
1.3.3.3.4.2 Nguyễn Duy Hoàng Quân, sinh ngày 03/3/2018

1.3.4 Nguyễn Duy Hý
Sinh:      Mất:
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Nguyễn Thị Tam, sinh:      mất:
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 8 người con, 2 trai và 6 gái:
Nguyễn Thị Hoét
Nguyễn Duy Quý
Nguyễn Thị Tý
Nguyễn Thị Tứ
Nguyễn Thị Năm
Nguyễn Thị Sáu
Nguyễn Duy Bảy, đi bộ đội chống Pháp năm 1954, hi sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ (liệt sĩ)
Nguyễn Thị Tám, sinh năm 1927 (bà Vinh Tâm), trú tại xóm 4, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
1.3.4.1 Nguyễn Duy Quý
Sinh năm 1920, mất:
Mộ táng ở nghĩa trang xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn.
Đảng viên.
Vợ là Phạm Thị Miện, sinh năm 1929, mất:   
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 1 người con trai là Nguyễn Duy Quyền.
1.3.4.1.1 Nguyễn Duy Quyền
Sinh năm 1951. Vợ là Bùi Thị Lan, sinh năm 1949
Thường trú xóm 8, xã Thọ Sơn, Anh Sơn, Nghệ An.
Sinh được 6 người con, 3 trai, 3 gái.
Nguyễn Duy Đức
Nguyễn Duy Tài
Nguyễn Thị Tình, sinh năm 1978
Nguyễn Thị Duyên, sinh năm 1981
Nguyễn Duy Nghĩa
Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1992
1.3.4.1.1.1  Nguyễn Duy Đức
Sinh năm 1975. Vợ là Trịnh Thị Soa, sinh năm 1978
Thường trú tại xóm 8, xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An.
Sinh được 3 người con, 2 trai, 1 gái:
Nguyễn Thị Thảo
Nguyễn Duy Trung
Nguyễn Duy Hiếu
1.3.4.1.1.1.1 Nguyễn Duy Trung
1.3.4.1.1.1.2 Nguyễn Duy Hiếu
1.3.4.1.1.2  Nguyễn Duy Tài
Sinh năm 1976. Vợ là Hoàng Thị Thuận, sinh năm 1979
Thường trú xóm 8, xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An
Sinh được 1 con trai là Nguyễn Duy Tú
1.3.4.1.1.2.1 Nguyễn Duy Tú
1.3.4.1.1.3  Nguyễn Duy Nghĩa
Sinh năm 1987. Vợ là Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1991
Thường trú tại xóm 8, Thọ Sơn, Anh Sơn

1.4 Nguyễn Duy Sắt
Sinh năm 1825, mất ngày 6/6/1911.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Bùi Thị Hòe, sinh năm 1833, mất ngày 6/6/1912.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
1.4.1 Nguyễn Duy Đá.
Sinh ngày 21/6/1852, mất ngày 12/6/1932.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Làm ruộng và buôn bán nhỏ.
Vợ là bà Phạm Thị Tửu, sinh năm 1854, mất năm 5/6/1934
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 4 người con, 2 trai, 2 gái:
Nguyễn Thị Huynh, sinh năm:         mất năm 2/8/1969
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Chồng là Nguyễn Văn Chắt, mất ngày: 1/3/1960.
Sinh được 5 người con, 4 trai và 1 gái.
Nguyễn Duy Miên
Nguyễn Duy Diên
Nguyễn Thị Vợi, chồng là Trần Văn Dượng, xóm 10, xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên.
1.4.1.1 Nguyễn Duy Miên
Tên thường gọi là Túy Miên.
Sinh năm 1893, mất ngày 21/3/1950.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Phạm Thị Hai, sinh năm 1894, mất ngày 24/6/1944.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 6 người con, 3 trai và 3 gái:
Nguyễn Duy Kiên
Nguyễn Thị Cháu, sinh năm 1923, mất năm 1995. Chồng là Nguyễn Văn Nựu, sinh năm 1921, mất năm 1997.
Nguyễn Duy Hiền
Nguyễn Thị Xuân. Chết do bom Mỹ năm 1968.
Mộ táng tại nghĩa trang xã Hồng Long, Nam Đàn. Chồng là ông Dương Văn Hòa, sinh năm 1929, ở Hồng Long, Nam Đàn.
Nguyễn Thị Năm, mất năm 1965.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Nguyễn Duy Cọt (Liên)
1.4.1.1.1 Nguyễn Duy Kiên
Sinh năm 1921, mất ngày 23/5/1998.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Hồ Thị Phấn, sinh năm 1922, mất ngày 25/9/2010.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 2 người con, 1 trai và 1 gái:
Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1947. Chồng là Lê Văn Minh, sinh năm 1945
Hai vợ chồng đều là cán bộ nhà nước, nay nghỉ hưu theo chế độ. Thường trú, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Sinh được 4 người con, 2 trai, 2 gái.
Nguyễn Duy Quế
1.4.1.1.1.1 Nguyễn Duy Quế
Sinh ngày 20/7/1949. Tháng 5/1967 – 12/1968 làm Bí thư đoàn xã.
Tháng 1/1969 – 2/1971 làm Bí thư đoàn xã, Xã đội phó xã Xuân Lâm.
Tháng 3/1971 – 7/1973, Đại đội phó C11, Tiểu đoàn 2, binh chặn 13, Tổng cục hậu cần.
Dân công hỏa tuyến phục vụ tại chiến trường Xiêng Khoảng (Lào).
Tháng 8/1973 – 11/1980, Cán bộ Công an huyện Nam Đàn.
Tháng 12/1980 – 12/1985, sinh viên Đại học an ninh Nhân dân.
Tháng 1/1986 – 7/1987, Cán bộ Công an huyện Nam Đàn.
Tốt nghiệp khóa 6, Đại học An ninh năm 1985, Cử nhân Luật.
20/8/1987, QĐ số 1751, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, bổ nhiệm Phó trưởng Công an huyện Nam Đàn
20/11/1991, QĐ số 35, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, bổ nhiệm Trưởng Công an huyện Nam Đàn.
30/4/1996, QĐ 205 Bộ nội vụ, điều động đến nhận công tác và giữ chức vụ Phó trưởng phòng PV 27 Công an tỉnh Nghệ An.
10/8/2004, QĐ số 4689, Bộ trưởng Bộ Công An, phong cấp hàm Thượng Tá.
1/3/2006, QĐ số 6826, Bộ Công an, cho hưởng chế độ hưu trí (nghỉ hưu).
21/1/2012, QĐ số 06, của Giám đốc trung tâm văn hóa huyện Nam Đàn, bổ nhiệm Trưởng đền thờ Vua Mai Hắc Đế.
27/12/2013, làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công an hưu trí huyện Nam Đàn.
5/3/2014, QĐ số 564, Chủ tịch nước CHXHCNVN tặng Huân chương Bảo vệ An ninh tổ quốc hạng Ba.
Thường trú, khối Lam Sơn, Thị trấn Nam Đàn.
Vợ là Nguyễn Thị Lan, sinh ngày 10/9/1949.
Sinh được 5 người con, 3 trai và 2 gái:
Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1970. Cử nhân Kinh tế, công tác tại Bệnh viện huyện Nam Đàn, hiện nay làm Kế toán trưởng bệnh viện. Chồng là Trần Hữu Thành, sinh năm 1960, cử nhân Luật. Thượng tá, Phó trưởng Công an huyện Nam Đàn. Sinh được 2 con, 1 trai, 1 gái: Trần Hữu Công (sinh năm 1993, hiện nay là Thượng sĩ, Công an huyện Thanh Chương), Trần Thị Thương (sinh năm 1995, hiện nay đang học Cao đẳng y Thanh Hóa)
Nguyễn Duy Long
Nguyễn Duy Hồng
Nguyễn Duy Hà
Nguyễn Thị Giang, sinh năm 1981. Tốt nghiệp Đại học Điện lực khoa Kế toán. Hiện nay làm kế toán tại Công ty xuất nhập khẩu Bình Minh, TP Vinh. Chồng là Nguyễn Hà Giang, sinh năm 1975. Thượng úy, Bộ đội Biên phòng, đồn 545 Nghệ An. Sinh được 2 con gái là: Nguyễn Thị Hoài Anh, sinh năm 2004; Nguyễn Thị Trâm Anh, sinh năm 2012.
1.4.1.1.1.1.1 Nguyễn Duy Long
Sinh năm 1973. Thiếu tá, công tác ở Đồn biên phong 547 Nậm Càn, Kỳ Sơn, Nghệ An.
Vợ là Nguyễn Thị Bảo, sinh năm 1978. Tốt nghiệp Đại học sư phạm Vinh, khoa Toán, hiện nay là giáo viên trung học cơ sở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn.
Sinh được 2 người con trai là:
Nguyễn Duy Tùng
Nguyễn Duy Quang
1.4.1.1.1.1.1.1 Nguyễn Duy Tùng, sinh năm 2002,
1.4.1.1.1.1.1.2 Nguyễn Duy Quang, sinh năm 2009,
1.4.1.1.1.1.2 Nguyễn Duy Hồng
Sinh năm 1975. Cử nhân Luật, Đại úy, Cảnh sát khu vực, Công an phường 7 quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Vợ là Nguyễn Thị Thanh Nhài, sinh năm 1985. Thạc sĩ Giáo dục học. Hiện nay là giáo viên trường Tiểu học, quận 3 TP Hồ Chí Minh.
Thường trú số nhà 14/11 đường 52, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Sinh được 1 con gái là Nguyễn Thị Anh Thơ, sinh năm 2010.
1.4.1.1.1.1.3 Nguyễn Duy Hà
Sinh năm 1978. Công nhân cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh.
Vợ là Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1987. Công nhân Khu công nghiệp quận 9, TP Hồ Chí Minh.
Thường trú số nhà 84B, đường 494, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9 TP Hồ Chí Minh.
Sinh được 1 con gái là Nguyễn Thị Cẩm Tú, sinh năm 2011.
1.4.1.1.2 Nguyễn Duy Hiền
Sinh năm 1931, mất năm 12/4/2002
Mộ táng ở nghĩa trang Cư M’gar, Đắk Lắk.
Đi bộ đội chống Pháp, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba.
Vợ là Bùi Thị Yên, sinh năm 1937.
Thường trú xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk
Sinh được 6 người con, 3 trai, 3 gái:
Nguyễn Duy Hùng
Nguyễn Duy Sơn
Nguyễn Thị Liễu, sinh năm 1969. Chồng là Hồ Công Cầm, sinh năm 1966.
Sinh được 3 người con: 2 gái, 1 trai; con gái đầu là Hồ Nguyễn Phương Trinh, sinh năm 1992, học Cao đẳng; con trai thứ hai là Hồ Công Long, sinh năm 1995, đang học nghề; con gái út là Hồ Thị Bảo Ngọc, sinh năm 1997, học sinh.
Nguyễn Thị Đào, sinh năm 1973. Chồng là Phạm Thanh Hoài, sinh năm 1970.
Sinh được 2 người con là: Con gái là Phạm Thị Bích Ngà, sinh năm 1992, đang học Đại học Luật tại Đắk Lắk; con trai Phạm Văn Đại Nghĩa, sinh năm 1997, học sinh.
Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1975. Hiệu phó trường Eđin huyện Cư M’gar, Đắk Lắk. Chồng là Nguyễn Văn Trung, sinh năm 1967.
Sinh được 2 người con: Con trai đầu là Nguyễn Đức Tài, sinh năm 1994, Công an nghĩa vụ Bình Dương; con gái thứ hai là Nguyễn Thị Kim Huệ, sinh năm 1998, học sinh.
Nguyễn Duy Loan
1.4.1.1.2.1 Nguyễn Duy Hùng
Sinh năm 1956. Đi bộ đội chống Mỹ, sau đó chuyển sang ngành Lâm nghiệp Nam Đàn, hiện nay đã nghỉ hưu.
Vợ là Đặng Thị Liễu, sinh năm 1959. Công nhân kỹ thuật trường kỹ thuật, Kế toán Trường Lâm nghiệp Nghệ An, nay đã nghỉ hưu.
Thường trú tại xóm Gia Đôi, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn
Sinh được 2 con, 1 trai và 1 gái:
Nguyễn Duy Việt
Nguyễn Thị Nam, sinh năm 1986. Tốt nghiệp Đại học tài chính Khoa Kế toán, hiện nay làm cán bộ Phòng Tài chính huyện Đô Lương, Nghệ An. Chồng là Phan Sỹ Hùng, sinh năm 1986, cán bộ địa chính xã Minh Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Sinh được 1 con gái là Phạm Thùy Linh, sinh năm 2011.
1.4.1.1.2.1.1 Nguyễn Duy Việt
Sinh năm 1983. Hiện nay là công nhân lái xe.
Vợ là Ngô Thị Thủy, sinh năm 1985. Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, nay làm công nhân cây cảnh Kim Liên, Nam Đàn. Sinh được 1 con gái là Nguyễn Ngô Hạ Băng, sinh năm 2012
1.4.1.1.2.2 Nguyễn Duy Sơn
Sinh năm 1960. Học Trung cấp thương nghiệp Đắk Lắk, nay ở nhà làm vườn cà phê.
Vợ là Nguyễn Thị Nguyệt, sinh năm 1963. Hiện nay là Hiệu trưởng trường Mầm non huyện Cư M’gar, Đắk Lắk.
Thường trú xã Ea Tiêu, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk.
Sinh được 3 người con, 2 trai và 1 gái: 
Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1993. Đang học Cao đẳng Đắk Lắk, năm thứ 3
Nguyễn Duy Tiến
Nguyễn Duy Tuấn
1.4.1.1.2.2.1 Nguyễn Duy Tiến
Sinh năm 1996. Hiện nay là sinh viên năm thứ nhất Đại học Cảnh sát phòng cháy Hà Nội.
1.4.1.1.2.2.2 Nguyễn Duy Tuấn
Sinh năm 1998
1.4.1.1.2.3 Nguyễn Duy Loan
Sinh năm 1984. Tốt nghiệp Trung cấp Công an, hiện nay là Trung úy, Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Kon Tum.
1.4.1.1.3 Nguyễn Duy Cọt (Liên) 
Sinh năm 1941. Công nhân Nông trường 15, đã nghỉ hưu. Được tặng thưởng Huân chương chống Mỹ hạng 3.
Thường trú tại xóm Phú Thắng, xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn.
Vợ là Trần Thị Liên, sinh năm 1945
Sinh được 6 người con, 4 trai, 2 gái:
Nguyễn Thị Ngân, sinh năm 1967. Chồng là Võ Văn Phúc, sinh năm 1966
Thường trú tại Bình Phước. Sinh được 5 cháu, 3 trai, 2 gái.
Nguyễn Thị Tâm, sinh năm 1969. Chồng là Ngô Xuân Diên, sinh năm 1969. Sinh được 2 còn, 1 trai 1 gái. Thường trú xã Nghĩa Phú, Nghĩa Đàn, Nghệ An.
Nguyễn Duy Trinh
Nguyễn Duy Linh
Nguyễn Duy Điệp
Nguyễn Duy Giáp
1.4.1.1.3.1 Nguyễn Duy Trinh
Sinh năm 1971. Hiện nay làm xóm trưởng, Bí thư chi bộ xóm Phú Thăng, xã Nghĩa Phú, Nghĩa Đàn.
Vợ là Phạm Thị Lợi, sinh năm 1973. Sinh được 2 người con, một trai, một gái:
Nguyễn Thị Phương, sinh năm 1994. Sinh viên năm thứ 4, khoa Luật Đại học Vinh.
Nguyễn Duy Tùng Dương
1.4.1.1.3.1.1 Nguyễn Duy Tùng Dương
Sinh năm 1997. Đang học lớp 12.
1.4.1.1.3.2 Nguyễn Duy Linh
Sinh năm 1973. Vợ là Lê Thị Hà, sinh năm 1974.
Thường trú tại xóm Phú Thắng, xã Nghĩa Phú, Nghĩa Đàn.
Sinh được 3 người con gái: 
Nguyễn Thị Lý, sinh năm 1996
Nguyễn Thị Lan Anh, sinh năm 1999
Nguyễn Thị Khanh Thư, sinh năm 2012
1.4.1.1.3.3 Nguyễn Duy Điệp
Sinh năm 1976. Vợ là Phạm Thị Lộc, sinh năm 1979
Thường trú tại xóm Phú Thắng, xã Nghĩa Phú, Nghĩa Đàn.
Sinh được 2 con gái:
Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh năm 2004
Nguyễn Thị Bảo Trâm, sinh năm 2008
1.4.1.1.3.4 Nguyễn Duy Giáp
Sinh năm 1984. Tốt nghiệp Trung cấp Công an, hiện nay là Trung úy, Cảnh sát trại giam Bình Dương.
Vợ là Nguyễn Thị Khánh Ly, sinh năm 1985. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế tài chính, hiện nay làm Kế toán xã.
1.4.1.2 Nguyễn Duy Diên
Sinh năm 1898, mất năm 1988
Mộ táng ở nghĩa trang xã Chi Khê, huyện Con Cuông.
Có 2 vợ:
Vợ đầu là Phạm Thị Tiếp, sinh năm:        mất năm:
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ 2 là bà Hà Thị Tuất, sinh năm:         mất năm:
Mộ táng ở nghĩa trang xã Chi Khê, huyện Con Cuông.
Thường trú tại xã Chi Khê, Con Cuông, Nghệ An.
Sinh được 9 người con, 4 trai và 5 gái:
Nguyễn Thị Cháu, sinh năm 1930, mất năm 1999.
Mộ táng ở nghĩa trang Cồn Rộng, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn. Chồng là Trần Văn Mạo, quê quán xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1938. Chồng là Phạm Viết Giảng. Thường trú xã Chi Khê, Con Cuông.
Nguyễn Thị Ba, sinh năm 1942. Chồng là Phạm Hồng Xứng. Quê quán xã Xuân Lâm, Nam Đàn.
Nguyễn Duy Tứ
Nguyễn Thị Ngũ. Chồng là Trần Văn Quý. Thường trú xã Chi Khê, Con Cuông.
Nguyễn Duy Bé
Nguyễn Duy Trung
Nguyễn Duy Sơn
Nguyễn Thị Cọt, sinh năm 1964. Thường trú tại xã Chi Khê, Con Cuông.
1.4.1.2.1 Nguyễn Duy Tứ
Sinh năm 1944, mất năm 2012.
Mộ táng ở nghĩa trang xã Chi Khê, Con Cuông.
Tham gia bộ đội chống Mỹ, sau phục viên về địa phương làm nông nghiệp.
Vợ là Võ Thị Hồng, sinh năm 1947.
Thường trú tại Bãi Ổi,  xã Chi Khê, Con Cuông.
Sinh được 5 người con, 4 trai, 1 gái:
Nguyễn Duy Sơn
Nguyễn Duy Hải
Nguyễn Duy Quân
Nguyễn Thị Nhài, sinh năm 1988. Chồng là Trần Đình Thuyết, sinh năm 1986.
Nguyễn Duy Nhỏ
1.4.1.2.1.1 Nguyễn Duy Sơn
Sinh năm 1976.
Vợ là Lương Thị Kình.
Sinh được 4 người con:
Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1998
Nguyễn Duy Bình
Nguyễn Thị An, sinh năm 2004
Nguyễn Duy Giang
1.4.1.2.1.1.1 Nguyễn Duy Bình, sinh năm 2001
1.4.1.2.1.1.2 Nguyễn Duy Giang, sinh năm 2007
1.4.1.2.1.2 Nguyễn Duy Hải
Sinh năm 1978.
Vợ là Trần Thị Kiều, sinh năm 1982.
Sinh được 1 con trai là Nguyễn Duy Huy.
1.4.1.2.1.2.1 Nguyễn Duy Huy, sinh năm 2004
1.4.1.2.1.3 Nguyễn Duy Quân
Sinh năm 1982.
Vợ là Nguyễn Thị Nhu, sinh năm 1988.
1.4.1.2.1.4 Nguyễn Duy Nhỏ
Sinh năm 1991.
Vợ là Lô Thị Trang, sinh năm 1993.
1.4.1.2.2 Nguyễn Duy Bé
Sinh năm 1954.
Vợ là Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1960.
Đi bộ đội chống Mỹ, hoàn thành nghĩa vụ, sau phục viên về địa phương.
Thường trú tại xã Chi Khê, huyện Con Cuông.
Sinh được 5 người con, 1 trai và 4 gái:
Nguyễn Duy Lộc
Nguyễn Thị Gái, sinh năm 1981. Chồng là Đinh Viết Hoan, sinh năm 1980. Thường trú tại chợ Cây Chanh, huyện Anh Sơn.
Nguyễn Thị Gấm, sinh năm 1983. Chồng là Trần Tiến Tài, sinh năm 1988.
Nguyễn Thị Huyên, sinh năm 1987
Nguyễn Thị Hân, sinh năm 1991
1.4.1.2.2.1 Nguyễn Duy Lộc
Sinh năm 1978
Vợ là Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1983.
Thường trú tại Bãi Ổi, Chi Khê, Con Cuông.
Sinh được 2 con trai:
Nguyễn Duy Hoàng
Nguyễn Duy Khánh Hưng
1.4.1.2.2.1.1 Nguyễn Duy Hoàng
Sinh năm 2007
1.4.1.2.2.1.2 Nguyễn Duy Khánh Hưng
Sinh năm 2012
1.4.1.2.3 Nguyễn Duy Trung
Sinh năm 1957
Vợ là Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1962
Thường trú tại xóm Bãi Ổi, xã Chi Khê, Con Cuông.
Sinh được 3 người con, 2 trai và 1 gái:
Nguyễn Thị Yến, sinh năm 1983. Chồng là Lê Văn Trường, sinh năm 1983.
Nguyễn Duy Kiều
Nguyễn Duy Đại
1.4.1.2.3.1 Nguyễn Duy Kiều
Sinh năm: 1985
Vợ là Nguyễn Thị Trúc
Sinh năm: 1988
1.4.1.2.3.2 Nguyễn Duy Đại
Sinh năm 1986
Vợ là Nguyễn Thị Trinh
Sinh năm 1992
1.4.1.2.4 Nguyễn Duy Sơn
Sinh năm 1961
Vợ là Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1966
Thường trú xóm Bãi Ổi, xã Chi Khê, Con Cuông. 
Sinh được 1 con trai, 2 con gái:
Nguyễn Duy Trà
Nguyễn Thị Lam, sinh năm 1987. Chồng là Nguyễn Hữu Đồng, sinh năm 1986
Nguyễn Thị Long, sinh năm 1991. Chồng là Phạm Hữu Giang, sinh năm 1991
1.4.1.2.4.1 Nguyễn Duy Trà
Sinh năm 1986
Vợ là Bùi Thị Lài. Sinh năm 1988
Có 1 con gái là Nguyễn Bảo Thi, sinh năm 2009

B. Chi thứ hai (chi Ất)

- Nhà thờ chi họ làm năm 1998 (Mậu Dần), tại vườn nhà ông Nguyễn Duy Trì, xóm 7 xã Xuân Lâm, Nam Đàn, Nghệ An.
Đất dựng nhà thờ theo tiêu chuẩn nhà nước cấp mỗi họ 3 thước, bằng 100m2, kèm vào vườn đất của nhà ông Trì để thờ phụng tổ tiên.

2. Nguyễn Duy Triển (Con thứ 2 của Nguyễn Duy Công)
Sinh năm:          Mất năm:
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh (nay là xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn).
Vợ là Phan Thị Lý. Sinh năm:          Mất năm:
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Sinh được 4 người con trai:
Nguyễn Duy Nghi
Nguyễn Duy Tình
Nguyễn Duy Chút
Nguyễn Duy Nhuyên
2.1 Nguyễn Duy Nghi
Sinh năm:           Mất năm:
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Đinh Thị Cháu. Năm sinh:           Năm mất:
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được một con trai là Nguyễn Duy Mỳ.
2.1.1 Nguyễn Duy Mỳ
Năm sinh:        Năm mất:
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là bà Kỳ Toản (bà Nguyễn Thị Đỉu). Năm sinh:        Năm mất:
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 4 người con:
Nguyễn Duy Trì
Nguyễn Duy Phi. Đi bộ đội chống Pháp, hi sinh năm 1954
Nguyễn Duy Trung
Nguyễn Duy Tài
2.1.1.1 Nguyễn Duy Trì
Năm sinh:         Năm mất 2009.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Nguyễn Thị Nhựu. Năm sinh:          Năm mất:
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 6 người con, 3 trai, 3 gái:
Nguyễn Thị Việt. Chồng là Nguyễn Trọng Đại. Sinh được 4 con, 3 trai, 1 gái. Thường trú thành phố Vinh, Nghệ An.
Nguyễn Thị Lan. Công nhân dệt kim Hoàng Thị Loan, nghỉ hưu. Thường trú thành phố Vinh, Nghệ An. Chồng là Hoàng Kim Tiến. Sinh được 2 con, 1 trai, 1 gái.
Nguyễn Duy Phú
Nguyễn Duy Quý
Nguyễn Duy Khang
?
2.1.1.1.1 Nguyễn Duy Phú
Mất năm 1998
Vợ là Lê Thị Ái. Thường trú tại tỉnh Đồng Nai. Sinh được 3 người con gái
Nguyễn Thị Tâm Anh
Nguyễn Thị Thanh
Nguyễn Thị Thúy
2.1.1.1.2 Nguyễn Duy Quý
Kỹ sư giao thông nghỉ hưu. Vợ là Lê Thị Lý.
Thường trú tại phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh.
Sinh được 1 con gái là Nguyễn Thị Ngọc Anh.
2.1.1.1.3 Nguyễn Duy Khang
Vợ là Bùi Thị Thủy.
Hai vợ chồng đều tốt nghiệp Cao đẳng Điện Lực, nay đang công tác tại Điện Lực Đô Lương, Nghệ An.
Sinh được 3 con, 1 trai và 2 gái:
Nguyễn Thị Hường
Nguyễn Thị Trang
Nguyễn Duy Tân
2.1.1.1.3.1 Nguyễn Duy Tân
2.1.1.2 Nguyễn Duy Phi
Đi bộ đội chống Pháp, hi sinh năm 1954
2.1.1.3 Nguyễn Duy Trung
Vợ là Trần Thị Tâm.
Sinh được 8 người con, 5 trai và 3 gái: 
Nguyễn Thị Thành. Chồng là Trần Văn Hạnh. Sinh được 2 con trai và 2 con gái.
Nguyễn Duy Thông
Nguyễn Duy Đồng
Nguyễn Thị Thu. Chồng là Lê Thanh Tâm. Thường trú tỉnh Lâm Đồng. Sinh được 2 con gái.
Nguyễn Duy Quế
Nguyễn Duy Minh
Nguyễn Thị Hoa. Chồng là Lê Đức Nguyên. Sinh được 2 con trai.
Thường trú tại tỉnh Lâm Đồng.
Nguyễn Duy Hùng
2.1.1.3.1 Nguyễn Duy Thông
Thiếu tá Công an huyện Quỳ Hợp, nghỉ hưu.
Vợ là Quang Thị Thùy.
Thường trú tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An.
Sinh được 3 người con gái:
Nguyễn Thị Yến. Chồng là Vi Văn Đâu. Sinh được 1 con gái là Vi Thị Linh Đan
Nguyễn Thị Lý
Nguyễn Thị Ánh
2.1.1.3.2 Nguyễn Duy Đồng
Vợ là Nguyễn Thị Lan.
Sinh được 3 người con gái:
Nguyễn Thị Phương. Chồng là Thái Văn Tuấn
Nguyễn Thị Thủy. Chồng là Nguyễn Viết Hồng
Nguyễn Thị Anh. Chồng là Trần Văn Tý
2.1.1.3.3 Nguyễn Duy Quế
Vợ là Trần Thị Nga.
Thường trú, xóm 7, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 2 con trai:
Nguyễn Ngọc Ngân
Nguyễn Bảo Hân
2.1.1.3.3.1 Nguyễn Ngọc Ngân
2.1.1.3.3.2 Nguyễn Bảo Hân
2.1.1.3.4 Nguyễn Duy Minh
Vợ là Phan Thị Lan.
Thường trú tại Bình Dương.
Sinh được 2 con trai:
Nguyễn Duy Khánh
Nguyễn Duy Linh
2.1.1.3.4.1 Nguyễn Duy Khánh
2.1.1.3.4.2 Nguyễn Duy Linh
2.1.1.3.5 Nguyễn Duy Hùng
Vợ là Trần Thị Thủy.
Thường trú tại tỉnh Lâm Đồng.
Sinh được 2 con trai:
Nguyễn Duy Anh
Nguyễn Duy Hưng
2.1.1.3.5.1 Nguyễn Duy Anh
2.1.1.3.5.2 Nguyễn Duy Hưng
2.1.1.4 Nguyễn Duy Tài
Vợ là Nguyễn Thị Thiều.
Thường trú tại thị trấn Nghĩa Đàn, Nghệ An.
Sinh được 4 người con:
Nguyễn Duy Thắng
Nguyễn Duy Thế
Nguyễn Duy Thanh
Nguyễn Duy Tùng
2.1.1.4.1 Nguyễn Duy Thắng
Thiếu tá Công an huyện Nghĩa Đàn nghỉ hưu.
Vợ là Trần Thị Loan.
Sinh được 2 người con trai:
Nguyễn Duy Tuấn
Nguyễn Duy Tú
2.1.1.4.1.1 Nguyễn Duy Tuấn
2.1.1.4.1.2 Nguyễn Duy Tú
2.1.1.4.2 Nguyễn Duy Thế
Vợ là Lê Thị Hoa.
Sinh được 4 người con, 2 trai, 2 gái:
Nguyễn Thị Hương. Chồng là Hoàng Tuấn Hà. Con trai là Hoàng Diên Anh.
Nguyễn Duy Trường
Nguyễn Thị Hương
Nguyễn Duy Cường
2.1.1.4.2.1 Nguyễn Duy Trường
Vợ là Phạm Thị Dung.
Con trai là Nguyễn Nhật Huy.
2.1.1.4.2.1.1 Nguyễn Nhật Huy
2.1.1.4.2.2 Nguyễn Duy Cường
2.1.1.4.3 Nguyễn Duy Thanh
Vợ là Nguyễn Thị Nga.
Sinh được 2 người con, 1 trai và 1 gái:
Nguyễn Thị Tân
Nguyễn Duy Toàn 
2.1.1.4.3.1 Nguyễn Duy Toàn
2.1.1.4.4 Nguyễn Duy Tùng
Vợ là Lê Thị Hoài
Sinh được 1 con gái là Nguyễn Thị An
2.2 Nguyễn Duy Tình
Sinh được 3 người con:
Nguyễn Duy Chinh
Nguyễn Duy Trình 
Nguyễn Duy Tờng (mất sớm)
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
2.2.1 Nguyễn Duy Chinh
2.2.1.1 Nguyễn Duy Xướn
Sinh năm 1890, mất năm 1968.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ cả là bà Điểu, sinh năm 1897, mất năm 1979.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ hai là bà Hải, sinh năm 1906, mất năm 1994
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 5 người con:
Con bà cả là cháu Siên, lấy chồng ở Nam Mỹ
Con bà hai là Nguyễn Thị Lan lấy chồng ở Nam Mỹ
Con bà hai là Nguyễn Thị Hường lấy chồng về Hồng Long
Nguyễn Duy Xuyến
Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1945 (không lấy chồng) đi theo anh trai (Nguyễn Duy Xuyến) sống ở Đồng Nai.
2.2.1.1.1 Nguyễn Duy Xuyến
Sinh năm 1940
Vợ là Nguyễn Thị Lộc, sinh năm 1950.
Đội trưởng đội bảo vệ lãnh tụ, Bộ Công an, cấp hàm Thiếu tá, nay nghỉ hưu.
Thường trú tại Đồng Nai
Sinh được 3 người con:
Nguyễn Duy Thành
Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1980. Lấy chồng Đồng Nai.
Nguyễn Duy Hồng
2.2.1.1.1.1 Nguyễn Duy Thành
Sinh năm 1974.
Vợ là Nguyễn Thị Tuyền, sinh năm 1978.
Sinh được 2 người con:
Nguyễn Duy Khang
Nguyễn An Nhiệm
2.2.1.1.1.1.1 Nguyễn Duy Khang, sinh năm 2003
2.2.1.1.1.1.2 Nguyễn An Nhiệm, sinh năm 2012
2.2.1.1.1.2 Nguyễn Duy Hồng
Sinh năm 1983.
Vợ là Phùng Thị Đào, sinh năm 1984.
Sinh được 2 con:
Nguyễn Phùng Trâm Anh, sinh năm 2008.
Nguyễn Duy Minh
2.2.1.1.1.2.1 Nguyễn Duy Minh, sinh năm 2012
2.2.2 Nguyễn Duy Trình (ông Phó Trình)
Sinh năm 1928, mất năm 1963.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Phan Thị Hoét, mất năm 1963.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 5 người con:
Ông Ngọ (bố)
Bà cụ Chắt, lấy chồng xã Hồng Long, Nam Đàn
Bà Tý Lương, lấy chồng ở Nam Quang
Nguyễn Duy Suynh
Nguyễn Duy Sênh (mất sớm)
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
2.2.2.1 Ông Ngọ (bố)
Mất năm 1953
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 2 người con:
Bà Nguyễn Thị Liễu, sinh năm 1949
Nguyễn Duy Ngọ (con)
2.2.2.1.1 Nguyễn Duy Ngọ (con)
Sinh năm 1951.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Hiệu trưởng trường THCS xã Hồng Long, nay đã nghỉ hưu
Vợ là Bùi Thị Cúc, sinh năm 1954. Làm ruộng.
Thường trú xóm 7, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 3 người con:
Nguyễn Thị Anh Thơ, sinh năm 1979. Giáo viên, lấy chồng trong xã Xuân Lâm, Nam Đàn.
Nguyễn Duy Văn
Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1983.Làm công chức ở xã Hùng Tiến, lấy chồng về Kim Liên.
2.2.2.1.1.1 Nguyễn Duy Văn
Sinh năm 1982.
Làm việc tại Công ty cấp thoát nước Hùng Thành xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.
2.2.2.2 Nguyễn Duy Suynh
Sinh năm 1921, mất năm 2005
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
2.2.2.3 Nguyễn Duy Sênh (mất sớm)
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
2.2.3 Nguyễn Duy Tờng (mất sớm)
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.

2.3 Nguyễn Duy Chụt
(Nhà thờ làm năm 2002, khánh thành vào ngày 14/7/2002 (Nhâm Ngọ) tại vườn nhà ông Nguyễn Duy Thịnh (tiêu chuẩn được nhà nước cấp là 3 thước (100m2) kèm vào đất vườn nhà ông Thịnh) xóm 8, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn (cạnh đê 42). Nhánh trưởng Nguyễn Duy Thịnh)
Vợ của ông Chút là bà Lê Thị Hằng.
Quê quán thôn Vĩnh Long, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn (nay là xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Sinh được 7 người con, 4 trai và 3 gái:
Nguyễn Duy Bồi 
Nguyễn Duy Mưu
Nguyễn Thị Bừu , lấy ông Bùi Đình Chắt Hớn, Vinh Long, Nan Đàn.
Nguyễn Thị Cừu , lấy ông Hồ Công Thợn, Vinh Long, Nam Đàn. 
Nguyễn Thị Thám. Mất lúc 10 tuổi.
Nguyễn Duy Năm 
Nguyễn Duy Sáu
2.3.1 Nguyễn Duy Bồi (con trai đầu của ông Chụt)
Sinh năm 1872, mất ngày 27/9/1947.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Trần Thị Quỳnh, mất ngày 24/10.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 4 người con, 1 trai và 3 gái:
?
2.3.1.1 Nguyễn Duy Bình
Sinh năm 1906, mất năm 1973.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Nguyễn Thị Xã, sinh năm 1909, mất năm 1998.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 6 người con:
Nguyễn Thị Chắt, chồng là ông Khoa Thỏa.
Nguyễn Thị Hai, lấy ông Quế Lan.
Nguyễn Duy Thịnh 
Nguyễn Thị Liên, lấy chồng là ông Hùng Luyện xã Xuân Lâm.
Nguyễn Duy Thận
Nguyễn Duy Hường 
2.3.1.1.1 Nguyễn Duy Thịnh (con trai đầu của ông Bình)
Sinh năm 1935.
Vợ là Nguyễn Thị Mỳ (bà Xuân), sinh năm 1940.
Thường trú xóm 8, xã Xuân Lâm, Nam Đàn.
Sinh được 5 người con, 4 trai, 1 gái:
Nguyễn Duy Long
Nguyễn Duy Đàn
Nguyễn Duy Hải
Nguyễn Thị Kim Chi
Nguyễn Duy Hưng
2.3.1.1.1.1 Nguyễn Duy Long
Sinh năm 1965.
Tốt nghiệp Đại học Quân sự, nay là Thượng tá, Giám đốc công ty Hợp tác kinh tế Việt – Lào Quân khu IV
Vợ là Huỳnh Thị Hương, sinh năm 1965, công nhân nay nghỉ hưu.
Thường trú phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh.
Sinh được 2 người con, 1 trai và 1 gái:
Nguyễn Duy Thắng
Nguyễn Thị Thương, sinh năm 1989. Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, hiện đang làm việc tại Vinh.
2.3.1.1.1.1.1 Nguyễn Duy Thắng
Sinh năm 1988. 
Tốt nghiệp Cao đẳng kinh tế, nay là công nhân quốc phòng Công ty hợp tác Việt – Lào.
2.3.1.1.1.2 Nguyễn Duy Đàn
Sinh năm 1970.
Vợ là Phan Thị Lý, sinh năm 1976
Sinh được 3 người con, 1 trai, 2 gái:
Nguyễn Thị Dung, sinh năm 1998
Nguyễn Duy Mạnh
2.3.1.1.1.2.1 Nguyễn Duy Mạnh
Sinh năm 2001.
2.3.1.1.1.3 Nguyễn Duy Hải
Sinh năm 1975
Vợ là Nguyễn Thị Oanh, sinh năm 1982.
Sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái:
Nguyễn Thị Diệu Linh, sinh năm 2005.
Nguyễn Duy Tuấn
Nguyễn Duy Huấn
Nguyễn Duy Thế
2.3.1.1.1.3.1 Nguyễn Duy Tuấn
Sinh năm 2007.
2.3.1.1.1.3.2 Nguyễn Duy Huấn
Sinh năm 2010.
2.3.1.1.1.3.3 Nguyễn Duy Thế
Sinh năm 2013.
2.3.1.1.1.4 Nguyễn Duy Hưng
Sinh năm 1983.
Vợ là Nguyễn Thị Liên.
Sinh được 1 con gái là Nguyễn Thị Thảo Quỳnh, sinh tháng 6/2012.
2.3.1.1.2 Nguyễn Duy Thận
Sinh năm 1952.
Vợ là Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1954.
Sinh được 4 người con, 2 trai, 2 gái:
Nguyễn Duy Hoàn
Nguyễn Thị Châu, sinh năm 1983.
Nguyễn Thị Loan, sinh năm 1986.
Nguyễn Duy Trọng
2.3.1.1.2.1 Nguyễn Duy Hoàn
Sinh năm 1979.
Vợ là Hà Thị Lương, sinh năm 1983.
2.3.1.1.2.2 Nguyễn Duy Trọng
Sinh năm 1994.
2.3.1.1.3 Nguyễn Duy Hường
Sinh năm 1953.
Đi bộ đội hi sinh năm 1984 (liệt sĩ)
(Con gái của ông Nguyễn Duy Bồi là bà Nguyễn Thị Tuynh. Chồng là ông Dần Túc, làng Thịnh Xã, xã Xuân Lâm; con gái thứ 2 của ông Bồi lấy ông Cu Vân, xóm 7 Vinh Long; con gái thứ ba của ông Bồi lấy ông Phương Diện xóm 8 Vinh Long).
2.3.2 Nguyễn Duy Mưu (Con trai thứ hai của ông Chụt)
Sinh năm:     mất năm:
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Nguyễn Thị Ky, sinh năm:       mất năm:
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Thường trú thôn Vĩnh Long, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn
Sinh được 3 người con, 2 gái, 1 trai:
Nguyễn Thị Vy, lấy chồng là ông Nuôi Luyện.
Nguyễn Thị Nhụy, lấy ông Cường Đạt.
Nguyễn Duy Tưu 
2.3.2.3 Nguyễn Duy Tưu (con trai đầu của ông Mưu)
Năm sinh:        mất năm 1967
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là bà Trần Thị Hai, sinh năm:          mất năm 1972
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 2 người con, 1 trai và 1 gái:?
Nguyễn Thị Dung
Lấy ông Liên
Nguyễn Duy Tùng
Nguyễn Thị Sung
Lấy chồng. Đã mất
Nguyễn Duy Dũng
2.3.2.3.1 Nguyễn Duy Tùng
Sinh năm 1949
Vợ là Bùi Thị Hảo, sinh năm 1950.
Sinh được 4 người con, 2 trai, 2 gái:
Nguyễn Duy Khánh
Nguyễn Duy Hoành
Nguyễn Thị Thành, sinh năm 1984. Công nhân giày da.
Con gái út mất năm 1998.
2.3.2.3.1.1 Nguyễn Duy Khánh
Sinh năm 1977
Vợ là Khúc Thị Úc, sinh năm 1976.
Sinh một con trai:
Nguyễn Duy Hiếu 
2.3.2.3.1.1.1 Nguyễn Duy Hiếu, sinh ngày 16/12/2008.
2.3.2.3.1.2 Nguyễn Duy Hoành
Sinh năm 1981.
Vợ là Trần Thị Xuân, sinh năm 1982.
Sinh được 2 người con:
Nguyễn Thị Thanh Huyền, sinh năm 2007.
Nguyễn Duy Tân
2.3.2.3.1.2.1 Nguyễn Duy Tân, sinh 9/1/2011.
2.3.2.3.2 Nguyễn Duy Dũng
Sinh 1958.
Đi bộ đội, hi sinh năm 1978.
2.3.2.3.3 Nguyễn Duy Tùy (con trai thứ hai của ông Mưu)
Mất năm 1976
Vợ là Nguyễn Thị Trâm, sinh năm 1924.
Thường trú tại xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.
Sinh được 7 người con 4 trai, 3 gái:
Nguyễn Duy Sâm (chết)
Nguyễn Thị Lâm
Lấy con ông Hoe Yên, Vinh Long, Nam Đàn.
Nguyễn Duy Hùng
Nguyễn Duy Hà
Nguyễn Thị Ngân
Lấy chồng
Nguyễn Thị Nga
Lấy chồng
Nguyễn Duy Hải
2.3.2.3.3.1 Nguyễn Duy Hùng
Sinh năm 1960
Vợ là Chu Thị Liên, sinh năm 1964.
Sinh được 4 người con, 2 gái, 2 trai:
Nguyễn Thị Luân, sinh năm 1984. Lấy chồng.
Nguyễn Thị Anh, sinh năm 1986. Lấy chồng.
Nguyễn Duy Pháp
Nguyễn Duy Mỹ
2.3.2.3.3.1.1 Nguyễn Duy Pháp
Sinh năm 1988.
2.3.2.3.3.1.2 Nguyễn Duy Mỹ
Sinh năm 1991.
2.3.2.3.3.2 Nguyễn Duy Hà
Sinh năm 1962.
Hiện nay công tác tại Ban Liên hiệp Công đoàn tỉnh Đắc Lắc.
Vợ là Lê Thị Hương, sinh năm 1964.
Sinh được 2 con trai:
Nguyễn Duy Chúng
Nguyễn Duy Tiến
2.3.2.3.3.2.1 Nguyễn Duy Chúng
Sinh năm 1986.
2.3.2.3.3.2.2 Nguyễn Duy Tiến
Sinh năm 1988.
Tốt nghiệp Đại học Xây dựng.
2.3.2.3.3.3 Nguyễn Duy Hải
Sinh năm 1972.
Vợ là Nguyễn Thị Dần, sinh năm 1974.
Sinh được 2 con:
Nguyễn Thị Thùy Linh, sinh năm 2004.
Nguyễn Thị Thùy An, sinh năm 2005.
2.3.3 Nguyễn Duy Năm (Con trai thứ 3 của ông Chụt)
Sinh năm 1894, mất năm 1969.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Lưu Thị Tiếu, sinh năm 1894, mất năm 1964.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Thường trú thôn Vĩnh Long, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn.
Sinh được 5 người con, 4 trai và 1 gái:
Nguyễn Duy Hợu 
Nguyễn Duy Lợu
Nguyễn Duy Lân
Nguyễn Duy Hậu
Nguyễn Thị Mười, lấy ông Điều, hai ông bà đã mất.
2.3.3.1 Nguyễn Duy Hợu (con trai đầu của ông Năm)
Sinh năm 1921, mất năm 1996.
Mộ táng ở nghĩa trang xã Nam Lĩnh, Nam Đàn.
Được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Hai.
Vợ là Nguyễn Thị Lý, sinh năm 1922.
Sinh được 8 người con, 5 trai và 3 gái:
Nguyễn Thị Loan, lấy chồng về huyện Tân Kỳ.
Nguyễn Duy Lộc
Nguyễn Duy Thắng
Nguyễn Thị Tâm
Nguyễn Duy Đại
Nguyễn Duy Phúc
Nguyễn Thị Hạnh, lấy chồng là dượng Huấn ở Đắk Lắk.
Nguyễn Duy Tám
2.3.3.1.1 Nguyễn Duy Lộc
Sinh năm 1949
Vợ là Hồ Thị Bằng, sinh năm 1951.
Sinh được 3 người con trai:
Nguyễn Duy Nam
Nguyễn Duy Bắc
Nguyễn Duy Sơn
2.3.3.1.1.1 Nguyễn Duy Nam
Sinh năm 1975
Vợ là Ngân Thị Bích, sinh năm 1983.
Sinh được hai người con:
Nguyễn Duy Giang
Nguyễn Thị Nhiên, sinh năm 2010.
2.3.3.1.1.1.1 Nguyễn Duy Giang, sinh năm 2004.
2.3.3.1.1.2 Nguyễn Duy Bắc
Sinh năm 1985
Vợ là Nguyễn Thị Ngân, sinh năm 1983. Con gái là Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 2011.
2.3.3.1.1.3 Nguyễn Duy Sơn
Sinh năm 1986
Vợ là Nguyễn Thị Minh, sinh năm 1981. Con gái là Nguyễn Thị Khánh, sinh năm 2010.
2.3.3.1.2 Nguyễn Duy Thắng
Sinh năm 1955
Vợ là Hồ Thị Lâm, sinh năm 1956.
Thường trú ở xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk.
Sinh được 4 người con, 3 trai và 1 gái:
Nguyễn Duy Chiến
Nguyễn Duy Sĩ
Nguyễn Thị Ánh, sinh năm 1983.
Nguyễn Duy Sáng
2.3.3.1.2.1 Nguyễn Duy Chiến
Sinh năm 1977.
Vợ là Hồ Thị Hoài, sinh năm 1979.
Sinh được 2 người con:
Nguyễn Duy Hoàng
Nguyễn Thị Vân, sinh năm 2006.
2.3.3.1.2.1.1 Nguyễn Duy Hoàng, sinh năm 2001.
2.3.3.1.2.2 Nguyễn Duy Sĩ
Sinh năm 1980
Vợ là Phan Thị Huyền, sinh năm 1985.
Sinh được 2 người con:
Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh năm 2011.
Nguyễn Duy Vinh
2.3.3.1.2.2.1 Nguyễn Duy Vinh, sinh năm 2013.
2.3.3.1.2.3 Nguyễn Duy Sáng
Sinh năm 1986.
Đi bộ đội Biên phòng Đắc Nông.
2.3.3.1.3 Nguyễn Duy Đại
Sinh năm 1962.
Vợ là Nguyễn Thị Sâm, sinh năm 1964.
Sinh được ba con trai:
Nguyễn Duy Hùng
Nguyễn Duy Hiệp
Nguyễn Duy Hoà
2.3.3.1.3.1 Nguyễn Duy Hùng
Sinh năm 1987.
2.3.3.1.3.2 Nguyễn Duy Hiệp
Sinh năm 1989.
2.3.3.1.3.3 Nguyễn Duy Hòa
Sinh năm 1992.
Tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng.
2.3.3.1.4 Nguyễn Duy Phúc
Sinh năm 1966.
Hiện nay là Thiếu tá, cán bộ Công an tỉnh Nghệ An, đảng viên.
Vợ là Nguyễn Thị Hà, sinh năm 1969.
Thường trú tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Sinh được 2 người con:
Nguyễn Duy Quân
Nguyễn Thị Phương, sinh năm 1999. Học sinh trung học phổ thông.
2.3.3.1.4.1 Nguyễn Duy Quân
Sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân.
2.3.3.1.5 Nguyễn Duy Tám
Sinh năm 1968.
Vợ là Nguyễn Thị Minh, sinh năm 1973.
Sinh được 3 người con gái:
Nguyễn Thị An, sinh năm 1994. Đang học năm thứ 2 Đại học Vinh.
Nguyễn Thị Giang, sinh năm 1996.
Nguyễn Thị Huyền, sinh năm 2004.
2.3.3.2 Nguyễn Duy Lợu (con trai thứ hai của ông Năm)
Sinh năm 1924, mất năm 2000.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Cán bộ xã, đảng viên, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.
Vợ là bà Ngô Thị Em, sinh năm 1925.
Thường trú xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn.
Sinh được 7 người con, 4 trai và 3 gái:
Nguyễn Duy Châu
Nguyễn Thị Thu, lấy chồng ở xã Nam Lĩnh, Nam Đàn. Chồng là anh Hường, Bí thư Đảng ủy xã Nam Lĩnh, nghỉ hưu.
Nguyễn Duy Hồng
Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1960. Lấy chồng là anh Khoa ở Đắk Lắk.
Nguyễn Duy Lợi
Nguyễn Duy Phúc
?
2.3.3.2.1 Nguyễn Duy Châu
Sinh năm 1950.
Thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam, nghỉ hưu
Vợ là Lê Thị Hạnh, sinh năm 1950.
Thường trú Cần Thơ.
Sinh được 3 người con, 2 trai, 1 gái:
Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1985. Đã lấy chồng.
Nguyễn Duy Cường
Nguyễn Duy Cảnh
2.3.3.2.1.1 Nguyễn Duy Cường
Sinh năm 1984, mất năm 2006.
Mộ táng ở Cần Thơ.
2.3.3.2.1.2 Nguyễn Duy Cảnh
Sinh năm 1986.
Vợ là Trần Thị Bích, sinh năm 1987.
2.3.3.2.2 Nguyễn Duy Hồng
Sinh năm 1957.
Buôn bán nhỏ
Vợ là Trần Thị Trinh, sinh năm 1957.
Thường trú xã Kim Liên, Nam Đàn.
Sinh được 3 người con, 2 trai và 1 gái:
Nguyễn Duy Sơn
Nguyễn Duy Tuyến
Nguyễn Thị Quyên, sinh năm 1987. Tốt nghiệp Đại học Tài chính. Lấy chồng là Tịnh ở huyện Đô Lương, cán bộ Công an tỉnh Nghệ An.
2.3.3.2.2.1 Nguyễn Duy Sơn
Sinh năm 1983.
Tốt nghiệp Đại học Xây dựng, nay làm việc ở Hà Nội.
Vợ là Trần Thị Long, sinh năm 1986. Tốt nghiệp Đại học, đang công tác tại Vinh.
Sinh được 1 con trai là Nguyễn Duy Song.
2.3.3.2.2.1.1 Nguyễn Duy Song, sinh ngày 30/7/2012
2.3.3.2.2.2 Nguyễn Duy Tuyến
Sinh năm 1985.
Tốt nghiệp Đại học Công nghệ Thông tin, công tác tại Vinh.
Vợ là Nguyễn Thị Kim Thái, sinh năm 1985. Tốt nghiệp Đại học Tài chính, công tác tại Vinh.
Sinh được một con trai là Nguyễn Duy Kiên.
2.3.3.2.2.2.1 Nguyễn Duy Kiên, sinh ngày 12/4/2012
2.3.3.2.3 Nguyễn Duy Lợi
Sinh năm 1963.
Hiện nay là chủ tịch UBND xã Nam Lĩnh, Nam Đàn.
Vợ là Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1967. Hiệu trưởng trường Mầm non xã Nam Lĩnh.
Thường trú tại xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn.
Sinh được 2 người con, 1 trai và 1 gái:
Nguyễn Duy Linh
Nguyễn Thị Huyền, sinh năm 1991. Tốt nghiệp Đại học Tài chính, công tác tại thành phố Vinh.
2.3.3.2.3.1 Nguyễn Duy Linh
Sinh năm 1989.
Tốt nghiệp Đại học quân sự, công tác ở Đắk Lắk.
2.3.3.2.4 Nguyễn Duy Phúc
Sinh năm 1965.
Vợ là Hoàng Thị Phương, sinh năm 1968.
Thường trú tại xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn.
Sinh được 2 con:
Nguyễn Duy Hưng
Nguyễn Duy Phong
2.3.3.2.4.1 Nguyễn Duy Hưng
Sinh năm 1991.
Tốt nghiệp Đại học giao thông, nay công tác tại Vinh.
2.3.3.2.4.2 Nguyễn Duy Phong
Sinh năm 2000. Hiện là học sinh.
2.3.3.3 Nguyễn Duy Lân (con trai thứ ba của ông Năm)
Sinh năm 1929.
Làm chủ nhiệm HTX mua bán huyện Nam Đàn, Đảng viên, hiện nay nghỉ hưu.
Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Hai.
Vợ là Dương Thị Em, Sinh năm 1933.
Thường trú xóm 8, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái:
Nguyễn Duy Hà
Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1963. Chồng là Bùi Đình Loan. Sinh năm 1960.
Thường trú tại quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Duy Trung
Nguyễn Duy Dũng
2.3.3.3.1 Nguyễn Duy Hà
Sinh năm 1960.
Tốt nghiệp Đại học Biên phòng. Đại tá, Phó chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Đắc Nông.
Vợ là Trần Thị Hà, sinh năm 1963.
Thường trú tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Sinh được 3 con gái:
Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1988. Tốt nghiệp Đại học Nha Trang. Công tác tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Chồng là Lê Văn Hải, cán bộ Công an tỉnh Đắk Lắk.
Nguyễn Thị Thùy Dương, sinh năm 1992. Tốt nghiệp Đại học Du lịch thành phố Hồ Chí Minh. Công tác tại Đắk Lắk.
Nguyễn Thị Tú Oanh, sinh năm 1997. Học sinh trung học phổ thông.
2.3.3.3.2 Nguyễn Duy Trung
Sinh năm 1968.
Vợ là Lê Thị Hương, sinh năm 1972.
Thường trú xóm 8, xã Xuân Lâm, Nam Đàn.
Sinh được 3 con, 1 trai và 2 gái:
Nguyễn Duy Bảo
Nguyễn Thị Yến, sinh năm 1995. Công nhân.
Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1996. Học trung cấp Mầm non tại Vinh.
2.3.3.3.2.1 Nguyễn Duy Bảo
Sinh năm 1993.
Bộ đội Biên phòng Đắc Nông.
2.3.3.3.3 Nguyễn Duy Dũng
Sinh năm 1972.
Thượng úy, Bộ đội Biên phòng Đắc Nông.
Vợ là Lê Thị Huyền, sinh năm 1983. Cán bộ Trung tâm viễn thông Cư M’gar, Đắk Lắk.
Sinh được 2 con, 1 trai và 1 gái:
Nguyễn Lan Phương, sinh 7/9/2008
Nguyễn Duy Hiếu
2.3.3.3.3.1 Nguyễn Duy Hiếu, sinh 20/5/2014
2.3.3.4 Nguyễn Duy Hậu
Sinh năm 1940, mất năm 1995.
Vợ là Trần Thị Êm, sinh năm 1950.
Thường trú ở Cư M’gar, Đắk Lắk .
Sinh được 2 người con, 1 trai, 1 gái:
Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1977, mất năm 1997.
Nguyễn Duy Hòa
2.3.3.4.1 Nguyễn Duy Hòa
Sinh năm 1988.
2.3.4 Nguyễn Duy Sáu (con trai thứ 4 của ông Chụt)
Sinh năm:         mất năm 1956
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Vợ là Hoàng Thị Bảy, sinh năm 1900, mất năm 1979.
Mộ táng ở nghĩa trang thôn Vĩnh Long, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 4 người con, 3 trai và 1 gái:
Nguyễn Duy Điều 
Nguyễn Duy Đồng 
Nguyễn Duy Đạo 
Nguyễn Thị Thìn, lấy chồng là ông Hồng Tính ở Nam Mỹ, Nam Đàn (hai ông bà đã mất).
2.3.4.1 Nguyễn Duy Điều (con trai đầu của ông Sáu)
Sinh năm 1934.
Huân chương kháng chiến hạng nhì.
Vợ là Văn Thị Hai, sinh năm 1944.
Thường trú, xóm 7 xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Sinh được 4 người con:
Nguyễn Thị Hường, sinh năm 1969. Lấy chồng ở Nam Long.
Nguyễn Duy Hoàn
Nguyễn Duy Toàn
Nguyễn Duy Thắng
2.3.4.1.1 Nguyễn Duy Hoàn
Sinh năm 1972.
Giám đốc công ty TNHH tư nhân.
Vợ là Lê Thị Hảo, sinh năm 1985.
Sinh được 1 con trai là Nguyễn Duy Tuấn.
2.3.4.1.1.1 Nguyễn Duy Tuấn, sinh năm 2007
2.3.4.1.2 Nguyễn Duy Toàn
Sinh năm 1975.
Công nhân ở Biên Hòa, Đồng Nai.
2.3.4.1.3 Nguyễn Duy Thắng
Sinh năm 1977.
Tốt nghiệp Đại học xây dựng, nay công tác ở Vinh, Nghệ An.
2.3.4.2 Nguyễn Duy Đồng (con trai thứ hai của ông Sáu)
Sinh năm 1944.
Vợ là Trần Thị Nhung, sinh năm 1946.
Thường trú tại xã E Gleo huyện Cư M’gar, Đắk Lắk.
Sinh được 6 người con trai:
Trần Duy Thành?
Nguyễn Duy Công
Nguyễn Duy Hợp
Nguyễn Duy Khánh
Nguyễn Duy Đô
Nguyễn Duy Đắc
2.3.4.2.1 Nguyễn Duy Thành
Sinh năm 1972.
2.3.4.2.2 Nguyễn Duy Công
Sinh năm 1975.
2.3.4.2.3 Nguyễn Duy Hợp
Sinh năm 1978.
2.3.4.2.4 Nguyễn Duy Khánh
Sinh năm 1980.
2.3.4.2.5 Nguyễn Duy Đô
Sinh năm 1982.
2.3.4.2.6 Nguyễn Duy Đắc
Sinh năm 1985.
2.3.4.3 Nguyễn Duy Đạo (con trai thứ ba của ông Sáu)
Sinh năm 1948.
Cán bộ công nhân hưu trí.
Vợ là Nguyễn Thị Chung, sinh năm 1955.
Thường trú xóm 7, xã Xuân Lâm, Nam Đàn.
Sinh được 5 người con, 4 gái, 1 trai:
Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1975. Lấy chồng.
Nguyễn Duy Thọ
Nguyễn Thị Thắm, sinh năm 1984. Lấy chồng.
Nguyễn Thị Thuần, sinh năm 1985. Lấy chồng.
Nguyễn Thị Huyền
Sinh năm 1988.
Tốt nghiệp Đại học Công đoàn, nay công tác tại Đắc Lắc.
2.3.4.3.1 Nguyễn Duy Thọ
Sinh năm 1981.
Công nhân Biên Hòa, Đồng Nai.

2.4 Nguyễn Duy Nhuyên (Nhánh thứ tư của cụ Triển)
Sinh được 2 người con:
Nguyễn Duy Nghiêm
Nguyễn Thị Lý
2.4.1 Nguyễn Duy Nghiêm
Vợ là bà Nguyễn Thị Long
Sinh được 2 người con:
Nguyễn Duy Thuyên
Nguyễn Duy Biên
2.4.1.1 Nguyễn Duy Thuyên (con trai đầu của ông Nghiêm)
Sinh năm 1921
Thường trú tại xã Tân Lâm, huyện Tân Kỳ, Nghệ An
Sinh được 6 người con, 3 trai, 3 gái:
Nguyễn Duy Phúc
Nguyễn Thị Phương, sinh năm 1952.
Nguyễn Thị Ba, sinh năm 1955.
Nguyễn Duy Hoan
Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1965.
Nguyễn Duy Thanh
2.4.1.1.1 Nguyễn Duy Phúc
Sinh ngày 25/9/1949.
Vợ là Trần Linh, sinh năm 1950.
Thường trú tại xã Tân Lâm, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Sinh được 3 người con:
Nguyễn Duy Nam
Nguyễn Duy Tiến
Nguyễn Duy Tuấn
2.4.1.1.1.1 Nguyễn Duy Nam
Sinh ngày 7/4/1975.
Vợ là Nguyễn Thị Hoàn, sinh ngày 8/12/1975.
Sinh được 2 người con:
Nguyễn Duy Hoàng Anh
Nguyễn Thị Thảo Trang, sinh ngày 6/6/2006.
2.4.1.1.1.1.1 Nguyễn Duy Hoàng Anh, sinh ngày 7/5/1998.
2.4.1.1.1.2 Nguyễn Duy Tiến
Sinh ngày 12/4/1978.
Vợ là Nguyễn Thị Minh Hải, sinh ngày 19/5/1980.
Thường trú ở xã Tân Lâm, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Sinh được 2 người con, 1 trai, 1 gái:
Nguyễn Duy Mạnh
Nguyễn Thị Hà An, sinh ngày 21/9/2009.
2.4.1.1.1.2.1 Nguyễn Duy Mạnh, sinh ngày 30/1/2005
2.4.1.1.1.3 Nguyễn Duy Tuấn
Sinh ngày 14/10/1984.
Vợ là Từ Thị Bé, sinh ngày 25/2/1985.
Thường trú ở xã Tân Lâm, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Con trai là Nguyễn Duy Tuấn Kiệt
2.4.1.1.1.3.1 Nguyễn Duy Tuấn Kiệt, sinh ngày 24/10/2003
2.4.1.1.2 Nguyễn Duy Hoan
Sinh năm 1963
Vợ là Đậu Thị Liên, sinh năm 1970.
Thường trú ở xã Tân Lâm, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Sinh được 3 người con, 1 trai, 2 gái:
Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1990.
Nguyễn Duy Thiều
Nguyễn Thị Thương, sinh năm 2003.
2.4.1.1.2.1 Nguyễn Duy Thiều
Sinh năm 1992.
2.4.1.1.3 Nguyễn Duy Thanh
Sinh ngày 10/2/1967.
Vợ là Nguyễn Thị Thuận, sinh ngày 18/6/1968.
Thường trú ở xã Tân Lâm, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Sinh được 2 người con trai:
Nguyễn Duy Trung
Nguyễn Duy Cường
2.4.1.1.3.1 Nguyễn Duy Trung
Sinh ngày 28/9/1988.
2.4.1.1.3.2 Nguyễn Duy Cường
Sinh ngày 23/10/1991.
2.4.1.2 Nguyễn Duy Biên (con trai thứ hai của ông Nghiêm)
Sinh năm 1931
Vợ Đậu Thị Thiệu, sinh năm 1935.
Thường trú ở xã Tân Lâm, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Sinh được 8 người con, 6 trai, 2 gái:
Nguyễn Duy Tường
Nguyễn Duy Hà
Nguyễn Duy Hồng
Nguyễn Duy Hòang
Nguyễn Duy Sơn
Nguyễn Duy Lâm
?
?
2.4.1.2.1 Nguyễn Duy Tường
Sinh ngày 10/1/1954.
Vợ là Nguyễn Thị Minh, sinh ngày 9/10/1961.
Thường trú ở xã Tân Lâm, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Sinh được 5 người con, 4 gái, 1 trai:
Nguyễn Thị Ngọc, sinh ngày 1/12/1981.
Nguyễn Thị Nguyệt, sinh ngày 29/9/1983.
Nguyễn Duy Tú
Nguyễn Thị Mền, sinh ngày 10/10/1987.
Nguyễn Thị The, sinh ngày 20/3/1992.
2.4.1.2.1.1 Nguyễn Duy Tú
Sinh ngày 22/9/1985.
Vợ là Trần Thị Quyết, sinh ngày 20/2/1988.
Con trai là Nguyễn Duy Tân
2.4.1.2.1.1.1 Nguyễn Duy Tân, sinh ngày 20/1/2010
2.4.1.2.2 Nguyễn Duy Hà
Sinh năm 1959.
Đi bộ đội hy sinh (liệt sĩ).
2.4.1.2.3 Nguyễn Duy Hồng
Sinh ngày 20/2/1963.
Vợ là Phạm Thị Hoàng, sinh ngày 16/10/1965.
Thường trú ở xã Tân Lâm, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Sinh được 5 con, 4 gái, 1 trai:
Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1987.
Nguyễn Thị Duyên, sinh ngày 27/6/1989.
Nguyễn Thị Thúy, sinh ngày 13/6/1991.
Nguyễn Duy Anh
Nguyễn Thị Thảo, sinh ngày 10/9/1996.
2.4.1.2.3.1 Nguyễn Duy Anh
Sinh ngày 10/10/1993.
2.4.1.2.4 Nguyễn Duy Hòang
Sinh ngày 16/2/1964.
Vợ là Võ Thị Bắc, sinh ngày 9/9/1976.
Thường trú ở xã Tân Lâm, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Sinh được 3 người con, 1gái 2 trai:
Nguyễn Thị Hiền, sinh ngày 4/1/1994.
Nguyễn Duy Hùng
Nguyễn Duy Trí
2.4.1.2.4.1 Nguyễn Duy Hùng
Sinh ngày 10/9/1996.
2.4.1.2.4.2 Nguyễn Duy Trí
Sinh ngày 11/10/2003.
2.4.1.2.5 Nguyễn Duy Sơn
Sinh ngày 16/6/1970.
Vợ là Dương Thị Luân, sinh ngày 16/6/1975.
Thường trú ở xã Tân Lâm, huyện Tân Kỳ, Nghệ An
Sinh được 3 người con, 1 trai 2 gái:
Nguyễn Duy Trường
Nguyễn Thị Huề, sinh ngày 20/10/1996.
Nguyễn Thị Bảo, sinh ngày 12/10/2002.
2.4.1.2.5.1 Nguyễn Duy Trường
Sinh ngày 23/8/1994.
2.4.1.2.6 Nguyễn Duy Lâm
Sinh ngày 2/9/1973.
Vợ là Phạm Thị Nhuận, sinh ngày 4/8/1976.
Thường trú ở xã Tân Lâm, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Sinh được 3 người con, 1 trai và 2 gái:
Nguyễn Thị Dung, sinh ngày 14/8/1997.
Nguyễn Thị Hoài, sinh ngày 2/5/1999.
Nguyễn Duy Dũng
2.4.1.2.6.1 Nguyễn Duy Dũng
Sinh ngày 28/7/2004.
2.4.2 Nguyễn Thị Lý



Phần thứ II. NGOẠI PHẢ

I. Nghi thức cúng lễ

1. Theo lưu truyền của ông tổ dòng họ Nguyễn Duy, từ đời xưa đến nay, cứ đến rằm tháng 3 âm lịch hàng năm thì tổ chức lễ tế Đại tôn tại nhà thờ Đại tôn ở xóm 3, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
     Đối với ngày rằm tháng 7 hàng năm, họ tổ chức tế lễ tại các nhờ thờ họ của các Chi.
     Việc chuẩn bị tế lễ đều được thực hiện theo các bước:
     Vào ngày 13 – 14/3 âm lịch, làm lễ mộc dục và đăng quang.
     Ngày 15/3 âm lịch, chính thức hành lễ.
2. Các ngày lễ trọng 
     Ngày 15/3 âm lịch hàng năm là ngày tế lễ đại tôn (cũng là ngày giỗ của ông tổ Nguyễn Duy Công).
     Ngày 15/7 âm lịch là ngày tế rằm của các chi (cũng là ngày giỗ của bà tổ Đinh Thị Liễu, vợ ông tổ Nguyễn Duy Công).
     Ngày 15/6 giỗ quan Tam Lang, 8 – 9 giờ tối.
     Ngày 5/7 giỗ ông Tổ (Nguyễn Duy Thản) vào buổi trưa.
     Ngày 12/8 giỗ cụ bà Đinh Thị Liên (vợ cụ Nguyễn Duy Thản).
3. Các ngày húy kị được ghi trong bản nguyên thảo viết trên gỗ còn lưu giữ đến ngày nay
Nội dung bản dịch:
- Bảo Đại thập ngũ niên, cửu nguyệt sơ tam nhật (nghĩa: Bản này viết vào ngày mồng 3 tháng 9 năm Bảo Đại thứ 15 (1940)).
- Tiền nhân kỵ nhật liệt kẻ vu hầu (nghĩa: Những ngày giỗ, húy nhật trong năm của các tiền nhân dòng họ Nguyễn Duy ở Xuân Lâm, Nam Đàn, Nghệ An).
- Tháng 1: Chính nguyệt:
- Tháng 2: Nhị Nguyệt:
+ Nhị tam thập nhật kỵ liệt khảo (ngày 30, húy nhật cụ Nguyễn Duy Diêm)
- Tháng 3: Tam nguyệt:
+ Ngày mồng 1, sơ nhật húy kỵ cụ Nguyễn Duy Ân.
+ Ngày mồng 2, nhị nhật húy kỵ cụ Nguyễn Thị Thanh
- Tháng 4: Tứ nguyệt:
+ Ngày mồng 2: Nhị nhật húy kỵ cụ Nguyễn Duy Vinh
+ Ngày mồng 9: Cửu nhật húy kỵ cụ Nguyễn Duy Hợp
+ Ngày 28: Húy kỵ cụ Nguyễn Thị Dân
- Tháng 5: Ngũ nguyệt:
+ Ngày mồng 3: Húy kỵ bà….
+ Ngày 12: Húy kỵ….
- Tháng 6: Lục nguyệt:
+ Ngày 6: Húy kỵ cụ Nguyễn Duy Sắt
+ Ngày 12: Húy kỵ cụ bà Nguyễn Thị Hoe
+ Ngày 12: Húy kỵ cụ Nguyễn Duy Đá
- Tháng 7: Thất Nguyệt:
+ Ngày mồng 5: Húy kỵ cụ Nguyễn Duy Thản
+ Ngày 12: Húy kỵ cụ bà Dương Thị Thu
- Tháng Tám: Bát nguyệt:
+ Ngày 12: Húy kỵ cụ Nguyễn Duy Thanh
+ Ngày 12: Húy kỵ cụ bà Đinh Thị Liên
- Tháng 9: Cửu nguyệt:
+ Ngày 11: Húy kỵ hiển tỷ….
+ Ngày 21: Húy kỵ …
+ Ngày 26: Húy kỵ cụ Nguyễn Duy…

4. Các bước tiến hành lễ tế:
1. Nội ngoại tịnh túc (trong và ngoài nghiêm túc)
2. Khởi chính cổ tam nghiêm (đánh ba hồi 9 tiếng trống)
3. Khởi nhạc (đánh trống nhạc)
4. Tế chủ tự vị (chủ tế, vào vị trí)
5. Bồi tế tự vị (bốn người bồi tế vào vị trí)
6. Chấp sự giả các tư kỳ sự (đoàn chấp sự vào vị trí)
7. Nghệ quan tẩy sở (mời ông chủ tế ra vị trí rửa tay)
8. Quan tẩy (rửa tay)
9. Tuế cân (lau tay)
10. Cũ soát lễ vật (kiểm tra lễ vật)
11. Thượng hương nghệ thượng hương vị tiền (chủ tế vào vị trí để thắp hương)
12. Chuyển hương (thắp hương, chuyển hương xuống)
13. Giai quỳ (toàn bộ chủ tế, bồi tế, chuyển hương quỳ xuống)
14. Phần hương (thắp hương)
15. Tiến hương (dâng hương)
16. Nghênh thần cúc ống Bai (giai quỳ bốn lần)
17. Bình thân phục vị
18. Hành sơ hiến lễ, Nghệ hương án tiền (lên vị trí dâng lễ)
19. Chấp sứ giả khai hồ tiến trước (mở rượu, mở phẩm, thượng hương, mở rượu dâng lên)
20. Chuyển tửu (chuyển rượu)
21. Giai quỳ (tất cả mọi người phải quỳ cả)
22. Chuyển tửu (rót rượu)
23. Hiến tước (dâng lên)
24. Phủ phục (Quỳ xuống)
25. Hưng bái (đứng lên lễ xuống 3 lần)
26. Bình thân phục vị (trở về vị trí)
27. Đọc chúc nghệ vị đọc chúc vị (chủ tế đứng lên vị trí để đọc chúc)
28. Chuyển chúc (chuyển văn tế xuống)
29. Giai quỳ (tất cả đều quỳ)
30. Tuyên đọc (bài đọc văn cúng)
31. Phủ phục hưng bái (quỳ xuống, đứng lên, bái lạy 2 lần)
32. Bình thân, phục vị (về vị trí cũ)
33. Tạ lễ cúc cúng bài (lạy 5 lạy)
34. Phân hóa kim ngân (hóa bài chúc, hóa tiền vàng)
35. Lễ thành (lễ xong)
5. Nội dung bài tế
     Duy……
     Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lục thập cửu niên tuế thứ Giáp Ngọ, tam nguyệt thập ngũ nhật. Nghệ An tỉnh, Nam Đàn huyện, Xuân Lâm xã, từ đường đại tôn tọa lạc tại thôn 3 Kim Chung cũ.
     Độc đại tôn Nguyễn Duy, trưởng tộc, Nguyễn Duy Cát phối hợp 3 chi Thúc chí, Đồng tộc, thượng hạ đẳng – thành tâm tổ chức đại lễ thanh minh (15/3 âm lịch)
Kính dâng: Kim ngân, phù tửu, hương đăng, hoa quả, thứ phẩm, phỉ nghi, thi thành trù, kê nhục, lệ bạc lòng thành cảm minh cáo vu.
     Kính thỉnh: Thỉ tổ liệt vị tiên linh thần vị
     Cao tằng – Tổ - Khảo – Tỷ liệt vỵ tiên linh thần vỵ
     Cần duy bàn soạn lạt lễ phì nghi, cảm chiếu, cáo vu.
     Kính dy: Thi tổ liệt vị khảo tỷ thần vị.
     Tiền triều: Văn Quan Bản Phủ Giao Sinh Kỳ Hoa huyện. Tri huyện Nguyễn Mạnh Công, tự Đăng Khoa, úy chất trực, Phủ quân khảo tỷ thần vị.
     Tiền triều: Võ tướng tham tán Mạnh tướng công Nguyễn Trọng Công, úy oanh liệt, thần tế khảo tỷ thần vị.
     Bá chi cao đẳng tằng tổ khảo tỷ liệt vị tiên linh.
     Thúc chi cao tằng tổ khảo tỷ liệt vị tiên linh.
     Kính dỵ: Bản xứ long quân chúa mạch, long thần thổ địa, chư thần vị tiền. Viết bản cao từ vật hồ thiên nhân sinh do tổ thị tất hữu chung, trung tất hữu thị tương tích tổ tông ấn đức Diên trường chi thể phổ lưu huynh. Như kim xuân lệ thu thường truy báo bản chi đan thành hát ký.
     Tư tắc thanh minh (hoặc trung nguyên) lễ hữu cầu yên bắt cả việt quá.
     Tiết thuộc lương thời kiền cung bạc lễ, thư bảo tử tôn vong thế.
     Tộc nội viết kháng, viết thọ Kiều bình chi tuế, nguyệt trường xuân.
     Tử tôn thường thịnh, thường cường vượng hạt thi quế hòe tế mị? thực lại âm công, mạc thùy bảo hộ.
     Kính dỵ: Bản âm từ đường tả chiếu hữu mục liệt vị tiên linh
     Thượng mục Cao Tẳng Tổ Khảo tỷ liệt vị tiên linh, hạ chí huyền tôn, cập bá thúc huynh đệ, cô dì, tỷ muội, thượng trung hạ thượng tảo sinh, tảo sa lạc đẳng chư âm hồn phàm ngọ tôn thần đồng lai giám cách.
Thượng hưởng
                                            Lệ thành

II. Lịch sử xây dựng và trùng tu nhà thờ họ - nơi hội tụ hồn thiêng Tiên tổ, tình cảm dòng tộc và hiếu nghĩa của con cháu

     Nhà thờ họ Nguyễn Duy trước đây tọa lạc trong vườn nhà ông Nguyễn Duy Quỳnh, xóm 3, xã Xuân Lâm. 
     Nhà thờ làm bằng gỗ, một gian hai hồi văn, lợp tranh mía. Trải qua thời gian, nhà thờ bị xuống cấp nên phải dỡ ra sắp lại trên nền cũ, chưa có điều kiện để trùng tu. Trước hoàn cảnh đó, ông Nguyễn Duy Cát, trưởng họ đã rước linh vị về thờ tại bàn thờ gia đình ở xóm Tiến Bộ, Hợp tác xã Nam Mỹ, xã Xuân Lâm trong thời gian 16 năm. Việc tế lễ họ vẫn được duy trì đều đặn hằng năm. 
     Năm Kỷ Mùi (1979), con cháu trong dòng họ khởi công xây dựng lại nhà thờ trên nền đất cũ. Sau khi hoàn thành, ngày 12/3/ năm Kỉ Mùi (1979) tổ chức rước linh vị từ nhà trưởng họ về nhà thờ làm lễ mộc dục, lễ an vị. Nhân dịp tế lễ Rằm tháng Ba, họ long trọng tổ chức lễ khánh thành nhà thờ, con cháu khắp nơi về dự đông đủ. 
     Năm Kỷ Mão (1999), nhà thờ họ được trùng tu lần thứ hai. Khi tiến hành xây móng, đổ bốn trụ sắt thì Nguyễn Duy Cường (con trai thứ ông Nguyễn Duy Quỳnh) không đồng ý cho làm. Việc trùng tu nhà thờ bị bỏ dở.
     Trước tình hình đó, Hội đồng gia tộc họp, kêu gọi con cháu trong họ hiến đất xây dựng nhà thờ. Nhiều người đã đăng ký hiến đất nhưng cuối cùng Hội đồng gia tộc đồng ý tiếp nhận 37m2 đất hiến của gia đình ông Nguyễn Duy Châu và bà Nguyễn Thị Hường vì lô đất này cùng lối với vị trí nhà thờ cũ. 
     Ngày 14/3/ năm Canh Thìn (2000), nhà thờ được xây dựng xong trên nền đất mới, trang nghiêm, bề thế. Lễ tế Tổ Rằm tháng Ba năm đó đồng thời cũng là lễ khánh thành nhà thờ được tổ chức trong niềm vui ngập tràn của con cháu dòng họ.
     Hằng năm vào dịp lễ tết như Rằm tháng Ba, tháng Bảy… nhà thờ họ là nơi con cháu khắp miền tụ hội, bày tỏ niềm tôn kính trước hồn thiêng tiên tổ; noi gương tiền nhân, ước nguyện xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc; tô đẹp truyền thống gia đình, dòng họ và quê hương.

III. Nghĩa vụ và quyền lợi của con cháu dòng họ Nguyễn Duy – Xuân Lâm  

1. Nghĩa vụ
     Mọi thành viên trong Gia tộc có nghĩa vụ:
1.1. Nghĩa vụ đối với dòng họ:
a. Nghĩa vụ giữ gìn phát huy truyền thống dòng họ:
- Có ý thức tìm hiểu về cội nguồn, Tổ tiên; nắm rõ thứ tự các chi, các đời để giữ gia phong và xưng hô theo đúng trật tự trên dưới, thế thứ họ hàng.
- Tích cực tham gia các công việc của Gia tộc. Trong tế lễ, giỗ chạp, họp họ phải ăn mặc chỉnh tề, giao tiếp lịch sự theo đúng thế tự gia phong. 
- Những người được Hội đồng Gia tộc hay Hội đồng Chi tộc giao đảm trách phần việc gì (như gây dựng và quản lý quỹ họ; trông nom nhà thờ và mộ Tổ, tu tạo nhà thờ – mộ Tổ…) phải có ý thức trách nhiệm trước Gia tộc, thực hiện tốt phần việc được giao, không được tư lợi.
- Gương mẫu thực hiện Tộc ước: giữ gìn nề nếp gia phong – thuần phong mỹ tục, tuân thủ Pháp luật, sống có kỷ cương, trên kính – dưới nhường; chan hòa đoàn kết với xóm làng; chăm lo làm ăn, bài trừ các tệ nạn cờ bạc, rượu chè, nghiện hút…; thực hiện tốt các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hoá”, “Sinh đẻ có kế hoạch”, “Xoá đói giảm nghèo”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”.
b. Nghĩa vụ đóng góp cung tiến: 
     Tùy hoàn cảnh và điều kiện sống mà đóng góp theo nghĩa vụ và tự nguyện đối với công việc của Gia tộc. Cụ thể:
- Các công việc lớn của họ như: Làm nhà thờ; xây dựng tôn tạo lăng mộ; mua sắm các dụng cụ trong nhà thờ,… thì đóng góp theo đinh trong dòng họ.
- Quỹ khuyến học, quỹ giúp đỡ người khó khăn trong dòng họ, thực hiện đóng theo đinh.
- Ngày lễ rằm tháng 3 (âm lịch) hằng năm, mỗi hộ góp tiền theo mức qui định để phục vụ cho lễ tế Tổ. 
    Các khoản đóng góp trên thu nộp không hạn chế (không phân biệt trai, gái, dâu rể, nội ngoại) đối với các cá nhân, gia đình giàu tâm huyết với việc họ kể cả đột xuất lẫn định kì.
     Mọi sự cung tiến tiền của, công sức để duy trì việc họ, xây dựng tôn tạo nhà thờ, lăng mộ Tổ và dâng hương phụng thờ Tổ Tiên đều được hoan nghênh và ghi nhận công đức vào Sổ vàng của dòng họ.
1.2. Nghĩa vụ đối với gia đình
- Phải luôn tu tâm, dưỡng tính, làm ăn siêng năng, lương thiện, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc; đóng góp xứng đáng cho cộng đồng, cơ quan, đoàn thể nơi bản thân sống và làm việc.
- Nuôi dưỡng, dạy bảo con cái và chăm lo việc học hành chu đáo.
- Hết lòng chăm sóc ông bà, cha mẹ lúc khỏe mạnh cũng như lúc già yếu, ốm đau.
2. Quyền lợi
     Mọi thành viên trong Gia tộc có quyền:
- Thừa hưởng truyền thống dòng họ, thăm viếng và dâng hương lễ Tổ họ, Tổ chi và mộ Tổ theo ý nguyện. 
- Mọi tài sản, di sản thuộc văn hoá vật thể và phi vật thể hiện có là thành quả của bao thế hệ đã tạo ra đều là của chung, là quyền lợi vật chất và tinh thần mà mọi thành viên gia tộc đều có quyền thừa hưởng vào việc chung của dòng họ.
- Được trực tiếp hoặc gián tiếp ứng cử, đề cử, bầu chọn người vào Hội đồng Gia tộc, Hội đồng Chi tộc. Có quyền bày tỏ ý nguyện và góp ý kiến về những vấn đề có liên quan đến việc họ.
- Được yêu cầu Hội đồng Gia tộc và Hội đồng Chi tộc công khai tình hình hoạt động, quản lý và phát triển tài sản, tạo và sử dụng quỹ họ. Được đề xuất các hoạt động, các biện pháp giữ gìn và phát huy truyền thống gia tộc; đề xuất yêu cầu xử lý những người không nghiêm chỉnh thực hiện tộc ước… 
- Được thăm hỏi, động viên, tặng quà khi có việc vui cũng như việc buồn, mức cụ thể do Hội đồng gia tộc qui định; được đề nghị Gia tộc giúp đỡ khi gặp khó khăn, hoạn nạn.
- Con cháu trong họ học hành đỗ đạt, được Hội đồng gia tộc tuyên dương, khen thưởng. Mức cụ thể do Hội đồng gia tộc qui định.
- Các đinh trong họ, khi sinh con, được Hội đồng gia tộc ghi vào danh sách gia tộc. Các thành viên trong dòng họ đều được ghi, chép, tham gia vào nội dung gia phả của dòng họ.



Phần thứ III. PHỤ KHẢO

I. Danh sách con cháu dòng họ Nguyễn Duy – Xuân Lâm đã hi sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc

1. Liệt sĩ kháng chiến chống Pháp (1946-1954):
     - Nguyễn Duy Phi: Sinh năm 1923, con ông Nguyễn Duy Mỳ và bà Nguyễn Thị Đỉu. Nhập ngũ năm 1950, hi sinh ngày 9-9-1952.
     - Nguyễn Duy Bảy: Sinh năm 1927, con ông Nguyễn Duy Hý và bà Nguyễn Thị Tam. Nhập ngũ tháng 2-1949, hi sinh ngày 15-6-1950.
     - Nguyễn Duy Thanh: Sinh năm 1933. Nhập ngũ tháng 10-1951, hi sinh ngày 19-9-1952.

2. Liệt sĩ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975):
     - Nguyễn Duy Long: Sinh năm 1942. Nhập ngũ tháng 2-1965, hi sinh ngày 27-10-1966 tại mặt trận phía Nam. 
     - Nguyễn Duy Long: Sinh năm 1943. Nhập ngũ tháng 3-1965, hi sinh ngày 19-10-1969 ở Sài Gòn. 
     - Nguyễn Duy Phúc: Sinh năm 1953. Con ông Nguyễn Duy Chình và bà Nguyễn Thị Miên. Nhập ngũ năm 1970, hi sinh năm 1972 tại mặt trận phía Nam.

3. Liệt sĩ bảo vệ Tổ quốc:
     - Nguyễn Duy Dũng: Sinh năm 1958. Con ông Nguyễn Duy Tư. Nhập ngũ tháng 3-1976, hi sinh ngày 12-11-1978 tại mặt trận biên giới Tây Nam, 
     - Nguyễn Duy Hường: Sinh năm 1953. Con ông Nguyễn Duy Bình và bà Nguyễn Thị Xá. Nhập ngũ tháng 8-1976, hi sinh ngày 10-9-1984.
     - Nguyễn Duy Hà: Sinh năm 1960. Con ông Nguyễn Duy Biên và bà Đậu Thị Thiệu. Nhập ngũ tháng 9-1978, hi sinh ngày 29-3-1979.

     Các thế hệ con cháu Nguyễn Duy – Xuân Lâm luôn luôn ghi nhớ công ơn và tự hào về những người con ưu tú của dòng họ đã hi sinh vì độc lập tự do của tổ quốc. Tên tuổi của các vị đã hóa thành bất tử trong lòng đất nước quê hương.

II. Danh sách con cháu dòng họ Nguyễn Duy – Xuân Lâm là thương bệnh binh

1. Thời kì kháng chiến chống Pháp:
     1. Nguyễn Duy Đợi
     2. Nguyễn Duy Hiền
     3. Nguyễn Duy Tài

2. Thời kì kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ biên giới:
1. Nguyễn Duy Liên
2. Nguyễn Duy Châu
3. Nguyễn Duy Thìn
4. Nguyễn Duy Tứ
5. Nguyễn Duy Bé
6. Nguyễn Duy Châu
7. Nguyễn Duy Hùng
8. Nguyễn Duy Thịnh
9. Nguyễn Duy Đào
10. Nguyễn Duy Đồng
11. Nguyễn Duy Hồng
12. Nguyễn Duy Vỵ
13. Nguyễn Duy Mai
14. Nguyễn Duy Hồng
15. Nguyễn Duy Phú

     Tính đến năm 2014, cả họ đã có 31 người là quân nhân. Trong đó, quân nhân chống Pháp: 07, chống Mỹ và bảo vệ tổ quốc: 24.
     10 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong thời chống Mỹ, 16 người tham gia lực lượng công an. 

III. Những cá nhân tiêu biểu của dòng họ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước quê hương 

     Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống Pháp và chống Mỹ, con cháu Nguyễn Duy - Xuân Lâm thế hệ nối tiếp thế hệ, trai lên đường ra trận, gái ở lại hậu phương vừa chiến đấu vừa sản xuất, góp phần cùng cả nước làm nên lịch sử oai hùng của dân tộc trong thế kỉ XX: đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thu non sông về một mối.
     Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương, con cháu Nguyễn Duy - Xuân Lâm cũng đã góp phần xứng đáng của mình vì đất nước vẹn toàn, vì quê hương giàu mạnh, tươi đẹp.
     Cho dù đi đâu, về đâu, làm gì, con cháu dòng họ Nguyễn Duy - Xuân Lâm vẫn luôn luôn hướng về cội nguồn, tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu trong học tập công tác, trong cuộc sống đời thường; gìn giữ gia phong, truyền thống gia tộc; chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, sống và làm việc theo hiếp pháp, pháp luật; xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng và đất nước.

1. Thế hệ thứ nhất:

- Nguyễn Duy Cát, sinh năm 1929. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba.
- Nguyễn Duy Đằng, sinh năm 1925 mất năm 2011. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
- Nguyễn Duy Ới, sinh năm 1910, mất ngày 25-6-1959. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất.
- Nguyễn Duy Đợi, sinh năm 1925 mất ngày 10-6-2015, bộ đội kháng chiến chống Pháp, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất.
- Nguyễn Duy Đại, sinh năm 1929. Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Hai.
- Nguyễn Duy Quý: Sinh năm 1920 mất năm:   Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. 
- Nguyễn Duy Kiên, sinh năm 1921. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. 
- Hồ Thị Phấn (vợ ông Nguyễn Duy Kiên), sinh năm 1922. Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
- Nguyễn Duy Hiền, sinh năm 1931, mất năm 12/4/2002. Bộ đội chống Pháp. Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
- Nguyễn Duy Cọt (Liên), sinh năm 1941. Bộ đội chống Mĩ cứu nước. Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
- Nguyễn Duy Trì, sinh năm:   , mất 2009. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. 
- Nguyễn Duy Hợu, sinh năm 1921, mất năm 1996. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
- Nguyễn Duy Lợu, sinh năm 1924, mất năm 2000. Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
- Nguyễn Duy Lân, sinh năm 1929. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Hai, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.
- Nguyễn Duy Điều, sinh năm 1934. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì.
- Nguyễn Duy Thịnh, sinh năm 1935. Huy hiệu chiến sĩ Trường Sơn, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
- Nguyễn Duy Thuyên, sinh năm 1921. Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

2. Thế hệ thứ hai: 

- Nguyễn Duy Khang, sinh năm 1958. Đại tá công an. Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba, Huy chương Vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Nguyễn Duy Mão, sinh năm 1946. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
- Nguyễn Duy Thìn, sinh năm 1949, mất năm 2012. Bộ đội chống Mỹ cứu nước. Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
- Nguyễn Duy Ngọ, sinh năm 1955. Thượng tá Công an. Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Huy chương vì Sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Nguyễn Duy Đào, sinh năm 1953. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì.
- Nguyễn Duy Châu, sinh năm 1948. Bộ đội chống Mỹ cứu nước. Đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam. 02 Huân chương Chiến công hạng Ba; 03 Huân chương Giải phóng hạng Một, Hai, Ba; 01 Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Hai; 01 Huy hiệu Chiến sĩ quyết thắng; 01 Huy hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 03 lần được tặng Danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; 05 bằng khen của Bộ tư lệnh 559; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
- Nguyễn Duy Hồng, sinh năm 1960. Thạc sĩ, Phó hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Kinh tế Nghệ An. Huy hiệu 35 năm tuổi Đảng.
- Nguyễn Duy Xuân, sinh năm 1957. Giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Nhà thơ, nhà báo. Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk. Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương danh dự Vì thế hệ trẻ, Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp Công đoàn. 
- Nguyễn Duy Quế, sinh năm 1949. Thượng tá Công an. Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, hạng Ba. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
- Nguyễn Duy Hùng, sinh năm 1956. Bộ đội chống Mỹ. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba.
- Nguyễn Duy Tứ, sinh năm 1944, mất năm 2012. Bộ đội chống Mĩ cứu nước. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba.
- Nguyễn Duy Bé, sinh năm 1954. Bộ đội chống Mĩ cứu nước. Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba.
- Nguyễn Duy Thông, Đại úy Công an. Huy chương vì An ninh Tổ quốc.
- Nguyễn Duy Xuyến, sinh năm 1940. Thiếu tá Công an. Huân chương vì An ninh Tổ quốc hạng Ba.
- Nguyễn Duy Thắng, Thiếu tá Công an. Huy chương vì An ninh Tổ quốc.
- Nguyễn Duy Ngọ, sinh năm 1951. Hiệu trưởng trường THCS. Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.
- Nguyễn Duy Châu, sinh năm 1950. Thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. 02 Huân chương Chiến công hạng Ba.
- Nguyễn Duy Hồng, sinh năm 1957. Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì.
- Nguyễn Duy Hà, sinh năm 1960. Đại tá, Phó chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Đắc Nông. Huy chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất;  Huy hiệu 30 năm tuổi  Đảng.
- Nguyễn Duy Lợi, sinh năm 1963. Chủ tịch UBND xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn. Huy chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Ba.
- Nguyễn Duy Phúc, sinh năm 1966. Thiếu tá Công an tỉnh Nghệ An. Huy chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì, Huy chương vì An ninh Tổ quốc.
- Nguyễn Duy Long, sinh năm 1965. Thượng tá, Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng Công ty hợp tác kinh tế Việt - Lào Quân khu IV. Huân chương Lao động hạng Hai (Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng)
- Nguyễn Duy Dũng, sinh năm 1972. Thượng úy Bộ đội Biên phòng. Huy chương Chiến sĩ vẻ vang.

3. Thế hệ thứ 3:

- Nguyễn Duy Âu, sinh năm 1974. Thiếu tá Công an Trại 6, Cục V26 Bộ Công an. 02 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.
- Nguyễn Duy Hưng, sinh năm 1986. 02 bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ (Đại học Padova, Italia), Giảng viên Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh. Giải Ba Olympic Cơ học toàn quốc năm 2006, giải Khuyến khích Olympic Cơ học toàn quốc năm 2007. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo năm 2006.
- Nguyễn Thị Thanh Huyền, sinh năm 1990. Thạc sĩ, Dược sĩ Đại học, công tác tại Công ty BOE HRINGER INGEL HEIM TP Hồ Chí Minh. 
- Nguyễn Duy Long, sinh năm 1973. Thiếu tá Bộ đội Biên phòng Đồn 547 Nậm Càn, Kì Sơn, Nghệ An. Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì.
- Nguyễn Duy Hồng, sinh năm 1975. Đại úy, Công an Phường 7, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì.
- Nguyễn Thị Thanh Nhài (con dâu ông Nguyễn Duy Quế), sinh năm 1985. Thạc sĩ Giáo dục học, giáo viên trường Tiểu học, quân 3, TP. Hồ Chí Minh.

IV. Tác phẩm văn học (Xem ở mục Tác phẩm văn học, cột bên phải trang web)


V. Xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An – nơi khai cơ lập nghiệp của dòng họ Nguyễn Duy

1. Điều kiện tự nhiên, đất đai và dân số
a) Vị trí địa lí
     Xã Xuân Lâm nằm về phía đông nam của huyện Nam Đàn, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 10km, cách thành phố Vinh khoảng 20km. Phía Nam của xã giáp sông Lam, phía Tây giáp xã Hồng Long, phía Bắc giáp xã Kim Liên, phía Đông giáp xã Hưng Lĩnh thuộc huyện Hưng Nguyên. 

       
Bản đồ xã Xuân Lâm

b) Đất đai, địa hình
     Tổng diện tích tự nhiên của xã Xuân Lâm là: 923,16ha, trong đó:
- Đất nông nghiệp: 604,14ha
- Đất vườn: 86,95ha
- Đất mặt nước: 1,5ha
- Đất chuyên dùng: 161,53ha
      Xuân Lâm là đất đồng chiêm, có ¾ diện tích đất lúa, ¼ diện tích đất bãi. Điểm cao nhất là Rú Trấm, độ cao 25 mét so với mặt nước biển.
     Địa hình xã Xuân Lâm bị chia cắt bởi đê 42, thành 2 vùng: vùng bãi sông chiếm ¼ diện tích, vùng đất ruộng chiếm ¾ diện tích toàn xã. Sông đào Lam Trà và Rú Trấm tạo nên sự đa dạng của địa hình xã.
     Đồng ruộng Xuân Lâm thuộc vùng chiêm trũng, trước đây có nhiều Bàu: Bàu Roi, Bàu Bùng, Bàu Cửa, Bàu Vịnh, Bàu Quan, Bàu Quốc,… Các Bàu chỉ thích hợp vụ lúa chiêm, vụ mùa do mưa nhiều ngập úng không sản xuất được. Trước đây, các Bàu này rất nhiều cá, sau khi thu hoạch vụ chiêm xong, nhân dân tổ chức vẩy Bàu (tổ chức đánh cá) rất vui, rất trật tự, theo hương ước của vùng làng có Bàu.
c) Dân số
     Tính đến tháng 12 năm 2006, dân số xã Xuân Lâm có 8.786 người, 1.740 hộ, trong đó có 3.446 lao động, 1.890 nam và 1586 nữ, mật độ dân số là 1000 người/km2
2. Quá trình hình thành và phát triển
     Theo gia phả của nhiều dòng họ như Nguyễn Thạc, Nguyễn Duy, Phan, Trần, Bùi,v.v… thì con người đến đây sinh cơ lập nghiệp ở đất Xuân Lâm đã trên dưới ngàn năm.
     Đến đời nhà Lê, năm 1467 Lê Thánh Tông hoạch định lại bản đồ hành chính từ Bắc chí Nam thì vùng đất này nằm trong tổng Lâm Thịnh thuộc huyện Nam Đường (tên Nam Đàn hiện nay có từ năm 1886 vì tránh phạm húy tên vua Đồng Khánh mà đọc chệch). 
     Sang đầu thế kỷ XX, vào đời vua Duy Tân, khi xây dựng lại các đơn vị hành chính trong huyện, Nam Đàn có 4 tổng, đó là tổng Lâm Thịnh gồm các xã: Xuân La, Lâm Thịnh, Chung Cự, Kim Liên, Tràng Cát, Hữu Biệt và Xuân Lâm (trong đó Xuân Lâm gồm Lâm Thịnh và Xuân La).      
     Xã Xuân La gồm 10 làng: Trung Mỹ, Tào Thượng, Tào Đông, Vịnh Long Hạ, Vịnh Long Thượng, Kim Chung, Mỹ Châu, Tập Phúc, Tập Mỹ, Tuần La Vạn (đây là những làng có triện – con dấu riêng)
     Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nam Đàn có 19 xã, trong đó có xã Lâm Thịnh và Xuân La.
     Cuối năm 1947 đến đầu năm 1948, Nam Đàn sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã từ 19 xã, xuống còn 13 xã. Xã Lâm Thịnh sát nhập với xã Xuân La thành xã Xuân Lâm. Tên xã Xuân Lâm chính thức có từ đây.
     Sang đầu năm 1952, xét thấy các xã quá lớn, nên huyện lại điều chỉnh lại địa giới hành chính của một số xã, Nam Đàn từ 13 xã được sắp xếp lại thành 20 xã. Xã Xuân Lâm được chia làm 2 xã là xã Xuân Tiến và xã Xuân La.
     Năm 1953, sau khi phát động giảm tô giảm tức, Nam Đàn chia cấp xã nhỏ hơn, từ 20 xã thành 23 xã và 1 Thị trấn. Các xã trong huyện đều lấy chữ Nam ở đầu. Xã Xuân La được chia thành 2 xã là Nam Lâm và Nam Quang. Xã Xuân Tiến được chia làm 2 xã là Nam Mỹ, Nam Long. Đồng thời với việc sắp xếp xã, các xóm cũng được sắp xếp lại theo từng khu vực dân cư để tiện quản lí.
     Theo đó xã Nam Lâm được chia thành 8 xóm: Trung Mỹ, Kim Chung, Tào Đông, Tào Thượng, xóm Vụng, Kim Đồng, Vịnh Long Hạ và Vịnh Long Thượng.
      Xã Nam Quang gồm 8 xóm: Vịnh Long, Quang Trung, Quang Thành, Hợp Tám, Mỹ Châu, Phúc Mỹ, Tập Phúc, Tuần La Vạn.
     Xã Nam Mỹ gồm 11 xóm: Xóm Đồng Tiến, Tiến Bộ, Liên Phúc, Đồng Hạ, xóm Đồng, Mỹ Tiến, Nam Khoa, Bắc Lâm, Đông Lâm, Nam Lâm, Thịnh Xá.
     Ngày 10/5/1969, các xã Nam Lâm, Nam Mỹ, Nam Quang sát nhập lại thành xã Xuân Lâm. Xã Xuân Lâm sau khi sát nhập 3 xã đã tiến hành điều chỉnh sắp xếp lại xóm cho phù hợp với công tác sản xuất và tránh lũ hàng năm trên sông Lam. Hai xóm Mỹ Tiến và Xuân Khoa được di dời lên định cư ở xã Nam Lĩnh. Xóm Đồng La, Đồng Tiến, Tiến Bộ, Liên Phúc được di chuyển định cư ở Rú Trấm. Các xóm nằm phía ngoài đê 42, hàng trăm năm bị lụt lội như: Tào Đông, Yên Tào, Kim Chung, Trung Mỹ được chuyển vào tái định cư ở các xóm phía trong đê, từ đền Thần Trụ đến giáp chợ Liễu.
     Xuân Lâm hiện nay, các xóm được gọi theo thứ tự theo phép đếm, có 22 xóm, từ xóm 1 đến xóm 22 (trong đó có 2 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp là Xuân Lâm I và Xuân Lâm II. Hợp tác xã Xuân Lâm I có 15 xóm, từ xóm 1 đến xóm 15; Hợp tác xã Xuân Lâm II có 7 xóm, từ xóm 16 đến xóm 22).
     Từ buổi sơ khai, qua các thời kỳ phát triển của đất nước, các dòng họ ở Xuân Lâm cũng được phát triển. Hiện nay trong toàn xã có 47 dòng họ cùng sinh sống, gắn bó với nhau, không có sự phân biệt đối xử, tình làng, nghĩa xóm đậm đà, thủy chung.
3. Đời sống tín ngưỡng và phong tục tập quán
a) Thờ cúng tổ tiên
     Nho giáo là tín ngưỡng chủ yếu ở Xuân Lâm. Chữ hiếu được đề cao, các nghi thức thờ cúng theo sách “Thọ mai gia lễ”. Trong tâm linh của mỗi người dân đều cho rằng “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”. Vì vậy việc thờ cúng tổ tiên rất thành kính, con cháu luôn tỏ lòng biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng và tạo dựng nên cuộc sống cho họ. Các gia đình dù giàu hay nghèo đều lập bàn thờ tổ tiên nơi sang trọng nhất trong nhà. Mỗi họ đều có nghĩa trang được quy hoạch riêng theo địa bàn của xã, con cháu rất coi trọng việc chăm sóc mồ mả tổ tiên.
b) Đền chùa
     Thời kỳ phong kiến, Xuân Lâm nằm trong tổng Lâm Thịnh, có 27 thôn, làng, mỗi thôn, làng có một ngôi đình. Đình làng là nơi sinh hoạt, hội họp của làng, là nơi ghi lại những sự kiện diễn ra trong làng xã, chứng kiến những vui buồn của làng xã.
     Xuân Lâm có một hệ thống đền thờ những vị thần, những người có công với nước, với làng xã, cụ thể có 5 đền thờ gồm: đền Giáp Cả, đền Mỹ Trung, đền Trung Mỹ, đền Hai Thôn, đền Mỹ Châu, đền Thần Trụ, do chiến tranh và thiên tai, lũ lụt tàn phá, hiện giờ chỉ còn lại đền Giáp Cả là còn nguyên vẹn.
     Đền Giáp Cả nằm trên địa phận xóm 13, thờ các vị thần có công hộ quốc, giúp dân. Đền được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (từ năm 1532 – 1591), là một công trình kiến trúc đẹp, kết cấu chữ Tam, khi vào thăm đền, ta bắt gặp đôi câu đối đầu tiên khắc trên cột quyết của đền là:
“Trấn địa anh linh tiêu dật thủy
Lăng tiêu chính khí thọ Hồng sơn”
     Tạm dịch: Vùng đất anh linh có con sông đẹp chảy qua (sông Lam), như mây trời chính khí toát lên vẻ đẹp cao tân núi Hồng (núi Hồng Lĩnh).
     Hiện nay đền Giáp Cả còn lưu lại 07 sắc phong của các triều vua về ngài Cao Sơn, Cao Các, trấn hiệu của ngài Cao Sơn, Cao Các, thần hiệu của ngài Cao Sơn, Cao Các tại đền Giáp Cả là “Bản Cảnh Bản Xứ Cao Sơn, Các Các Thượng Đẳng Thần”. Tôn Tam Từ mĩ tự (Tích hộ - Thùy lưu – Chiếu ứng) để nhắc nhở thế hệ mai sau luôn nhớ đến các vị thần ở đây. Đền có câu đối:
“Vạn cổ anh linh truyền hậu thế
Thiên thu trở đậu quán tiền công”
     Tạm dịch:
Anh linh ngàn năm còn truyền hậu thế, 
Thiên thu ân mãi các bậc tiền nhân
     Đền Giáp Cả ngày 25/7/2008 được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
4. Truyền thống lịch sử và cách mạng 
     Trải qua bao biến cố lịch sử, người Xuân Lâm cùng nhau chung sức, chung lòng chống lại thiên nhiên khắc nghiệt cũng như thù trong, giặc ngoài. Suốt 1000 năm chống quân xâm lược phương Bắc, nhân dân Xuân Lâm đã cùng nhân dân cả nước kiên trì bảo vệ quê hương chống lại ách thống trị của bọn ngoại xâm.
     Vào đời Trần, khoảng từ năm 1316 – 1322, quân Chân Lạp Champa ở phía Nam thường kéo ra vùng này cướp bóc lương thực, của cải của nhân dân. Năm 1377, giặc Champa đã chiếm vùng đất tổng Lâm Thịnh rồi lập triều ở Long Môn (Hồng Long). Để chống lại quân Champa, nhân dân Xuân Lâm, Kim Liên Tràng Cát,v.v… đã anh dũng cầm vũ khí chống lại đội quân này, góp phần đánh đuổi chúng ra khỏi vùng đất Xuân Lâm.
     Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Đất nước rơi vào tay thế lực xâm lược mới từ phương Tây xa xôi.
     Không chịu khuất phục trước ách thống trị của thực dân Pháp, nhiều sĩ phu yêu nước đã cùng nhân dân đứng lên. Nhân dân Xuân Lâm đã hưởng ứng các phong trào yêu nước do các sĩ phu khởi xướng. Năm 1873, ông Trần Hiệp (Quản Hiệp), ông Trần Mơi, ông Trần Thế (Quản Thế), ông Trần Diệm (Quản Diệm), ông Đàm Ngươn đã cùng với nghĩa quân Đặng Như Mai làm lễ tế cờ ở Thanh Thủy, Nam Thanh, tập kích thắng lợi vào phủ đường Anh Đô (Thịnh Lạc, Nam Đàn), khi cuộc khởi nghĩa thất bại, các ông này đều bị Pháp xử tử. 
     Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Xuân Lâm cùng nhân dân cả nước tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ giành độc lập, tự do cho tổ quốc.
     Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được nhân dân Xuân Lâm đóng góp nhiều sức người, sức của, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) và cuộc tổng tấn công mùa Xuân 1975 toàn thắng.
     Tổng kết hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Xuân Lâm có 1.315 người tham gia quân đội, hàng ngàn lượt người đi thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, 3 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 250 liệt sĩ, 123 thương binh, 77 bệnh binh. Trong số thanh niên lên đường nhập ngũ qua hai cuộc kháng chiến, có 175 người được Bộ quốc phòng phong quân hàm sĩ quan, trong đó có 1 cấp tướng và 26 người là cán bộ cao cấp từ Thượng tá đến Đại tá.

(Lược theo Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Xuân Lâm 1930-2008, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2009)




Tài liệu tham khảo

1. Gia phả dòng tộc, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2006
2. Giáo trình Đại cương lịch sử Việt Nam - Toàn tập: Phần 1 - NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001
3. Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Xuân Lâm 1930-2008, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội 2009.
4. Trang Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở) về Gia phả, về các nhân vật lịch sử: Nguyễn Bặc, Nguyễn Nộn, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi…
5. Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976.
6. Nguyễn Trãi - Hợp tuyển thơ, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010.
7. Ba thi hào họ Nguyễn cùng chung một dòng máu: Nguyễn Trãi - Nguyễn Du - Nguyễn Đình Chiểu - Thái Doãn Hiểu. 
8. Các trang mạng:
- vietnamgiapha.com
- honguyenvietnam.vn
- giaphatphcm.com
- http://dongtocnguyenduy.com
- honguyenduylacson.blogspot.com 
- http://www.lichsuvietnam.vn
Và một số trang báo mạng khác.
9. Tư liệu do ông Nguyễn Duy Quế sưu tầm, thu thập.

3 nhận xét:

Unknown nói...

Tôi là hậu duệ tôn đời thứ 13 của dòng họ Nguyễn Duy. Tên là Nguyễn Duy Láng, sinh năm 1970. Hiện từ đường của dòng họ tại xã Hòa Ung( ngày xưa) nay là Vĩnh Hòa, Ninh Giang ,Hải Dương. Trong phả tộc có ghi Bản Tôn Thái Tổ có từ năm 1418.
Phải chăng thời tổ tiên của tộc họ Nguyễn Duy do loạn lạc đã di cư chạy loạn mà không có sử chép lại gia phả và Thủy Tổ hiện đang ở đâu?
Trải qua bao đời các Cao cao Thượng tổ đã sinh sống và phò vua dựng nước để lại hiển vinh cho dòng tộc!!!
Hiện tại gia phả còn ghi chép thì Cụ 7 Đời đã thi đỗ trạng làm đến quan chức cao trong triều và có văn bia Tại từ đường:và dịch là:
"Tiền Thông tốt phái mục thụ phó sở sứ kỳ thụ vĩnh khang huyện huyện thừa phụng quan đề tả liệt tướng quân trung vũ môn tái phong thời trung bá tái tạo trung phong hầu tước đỗ tiết tưỡng quân thiên định trung bao trung vị thời trung hầu tế thượng thọ nguyễn quý công tự duy thiện ủy khang tiêu liệt"
Vậy qua gia phả tộc họ Nguyễn Duy tôi mạo muội xin quý các vị trong Họ Nguyễn Duy _ Xuân Lâm có thông tin gì về nguồn cội huyết thống như tôi đã trình bày hay biết đc nguồn cội huyết thống thì hãy xin chia sẻ cho tôi qua Email: hoitinhnguyen@gmail.com. đt 0961579875.
KHẤN MONG THƯỢNG TỔ KHẢO THƯỢNG TỔ TỈ ĐƯA ĐƯỜNG DẪN NỐI CHO HẬU DUỆ DÒNG HỌ NGUYỄN DUY TÌM VỀ NHAU HOAN HỈ!!
Tôi trân thành cảm ơn!!!

Nặc danh nói...

Tôi Nguyễn Xuân Trinh ( dòng họ Nguyễn Duy gốc tại thôn Điềm Niêm, Xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo tp Hải Phòng - trước thuộc Thái Bình tỉnh. Dòng họ Nguyễn Duy trên 9 đời cũng bắt nguồn từ đây. Hiện tôi đang sinh sống và làm việc tại Úc gần 40 năm. Gần đây con trai tôi là một bác sĩ tâm lý và bác sĩ bệnh thần kinh tại Sydney có hỏi về nguồn gốc dòng họ của mình và tôi chỉ có thể nói được đến phần dòng họ của mình xuất phát từ tỉnh Thái Bình, đồng họ có công lao vinh hiển và được Vua ban tặng tên đệm trong lịch sử. Đây là câu hỏi và vấn đề tất quan trọng để cuối cùng cần biết được gốc mình ở đâu. Rất công phu và cẩn ơn bài viết này chúng tôi biết được 1 phần về thành quả của dòng họ Nguyễn Duy . Nhue vậy, chưa biết đích sác được tận gốc chúng ta có thể vui mừng vì 1 nhánh dòng họ này phát triển nơi đây. Mọi chi tiết mới xin vui lòng gửi về đc email. Deepseawa@yahoo.com.au
Hết sức trân trọng

NGUYỄN DUY TỘC nói...

Tôi cũng là nguyễn duy tộc ở kỳ lam, điện thọ, điện bàn, quảng nam. Nhưng gia tộc ở đây bị cháy và mất gia phả của tộc. Không rõ có chung nguồn gốc với tộc Nguyễn Duy Nam Đàn, Nghệ An không.