Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

QUY ƯỚC DÒNG HỌ NGUYỄN DUY (Dự thảo)

QUY ƯỚC DÒNG HỌ NGUYỄN DUY

Xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

-------

Người soạn: Nguyễn Duy Xuân. Tháng 6/2024




LỜI NÓI ĐẦU


Trải qua hàng trăm năm lịch sử, họ Nguyễn Duy – Xuân Lâm đã đúc kết, di huấn về quy ước ứng xử, quan hệ xã hội, nề nếp gia phong, nghi thức thờ phụng, chắt lọc tinh hoa của người xưa thành quy ước, trao truyền lại cho các thế hệ để nỗ lực thực hành, gìn giữ truyền thống tốt đẹp của dòng họ.

Quy ước dòng họ (hay còn gọi là tộc ước) có chức năng giúp điều tiết các mối quan hệ giữa tập thể và các cá nhân trong phạm vi dòng họ, được mọi người công nhận và tự giác chấp hành. Quy ước dòng họ là một trong những văn bản quan trọng nhất, cùng với gia phả, nhà thờ, mộ phần tổ tiên dòng tộc,… tạo nên những giá trị vật thể, phi vật thể của dòng họ, giúp cho dòng họ trường tồn và phát triển. 

Bản Quy ước Nguyễn Duy tộc được lập ra xuất phát từ thiện tâm, hảo ý của các thành viên trong tộc họ nhằm mục đích:

– Nâng cao vai trò tộc họ trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để mỗi con người, mỗi gia đình và cả gia tộc phấn đấu rèn luyện ngay trong cộng đồng dân cư và chi nhánh tộc họ của mình.

– Bảo vệ và phát huy truyền thống của gia tộc, giáo dục con cháu ý thức hướng về cội nguồn, sống có nghĩa tình, tôn trọng tôn ti, đạo lý gia phong và sự bền vững của dòng tộc.

– Điều chỉnh hành vi con người thông qua các mối quan hệ huyết thống gia đình dòng tộc và xã hội; hạn chế tối đa những tiêu cực, yếu kém trong đời sống gia đình, dòng tộc và quan hệ xã hội.


Chương I. TỔ CHỨC DÒNG HỌ


Điều 1. Các thành viên của dòng họ

- Đinh họ: Là con trai (kể cả con ngoài giá thú, con nuôi hợp pháp) trong các gia đình của dòng họ.

- Dâu họ: là vợ của đinh họ, mọi quyền lợi và nghĩa vụ giống như đinh họ.

- Cô họ: Là con gái (kể cả con ngoài giá thú, con nuôi hợp pháp) trong các gia đình của dòng họ. Khi đã lấy chồng thì không còn là thành viên của dòng họ.

- Những trường hợp đặc biệt khác, nếu muốn tham gia sinh hoạt cùng dòng họ phải được sự chấp thuận của Hội đồng gia tộc, tuy nhiên không được ghi vào gia phả vì không mang họ Nguyễn Duy.

Điều 2. Trưởng tộc (Trưởng họ), Trưởng chi

- Trưởng tộc: là con tra cả của ngành cả chi cả (nhưng không phải con nuôi hoặc con ngoài giá thú). Trưởng tộc do cha truyền con nối, tuy nhiên phải có đủ sự minh mẫn về trí tuệ và có đạo đức tốt. Trường hợp đặc biệt hoặc trưởng tộc không có con trai thì truyền lại trong nội bộ chi cả, không truyền lại cho các chi dưới. Trường hợp đặc biệt nữa thì dòng họ chọn một người thay thế trên cơ sở kế tiếp về ngành và ngôi thứ. 

- Trưởng chi: là con trai cả ngành cả của chi (nhưng không phải con nuôi hoặc con ngoài giá thú).

Điều 3. Hội đồng gia tộc

- Nhiệm kỳ của Hội đồng gia tộc là 5 (hay 3) năm.

- Số lượng Hội đồng gia tộc là số lẻ (do Hội nghị gia tộc quyết định), gồm có trưởng tộc, trưởng chi (là thành phần đương nhiên) và các thành viên có uy tín, đạo đức; có trình độ và sức khỏe; có thời gian và nhiệt tình với việc họ, không phân biệt về thứ bậc, trai hay gái, được hội nghị toàn thể dòng họ hay hội nghị đại diện các gia đình nhất trí bầu ra. 

- Thành viên Hội đồng gia tộc nên có nhiều con cháu trẻ trung, có phẩm hạnh, năng lực và điều kiện chăm lo công việc họ tộc. 

- Hội đồng gia tộc cử Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch và Ủy viên Ban thường trực thông qua biểu quyết; lập các Ban giúp việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách các mảng công việc của dòng họ. Danh sách Hội đồng gia tộc được kiện toàn hằng năm tại hội nghị các thành viên dòng họ. 

Điều 4. Hội  nghị toàn thể các thành viên trong họ (hoặc đại diện các gia đình trong họ)

- Tổ chức mỗi năm 1 lần. Thời gian cụ thể do Hội đồng gia tộc quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế.

- Nội dung hội nghị: báo cáo kiểm điểm hoạt động của họ trong 1 năm, xây dựng chương trình hoạt động của họ trong năm tới và bàn các công việc thiết yếu của họ, kiện toàn Hội đồng gia tộc, sửa đổi Quy ước dòng họ khi thấy cần thiết, tổ chức liên hoan gặp mặt con cháu trong họ...

Điều 5. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng tộc

– Điều hành mọi hoạt động của họ.

– Thường xuyên chăm lo việc hương khói Tổ tiên, trông nom mộ Tổ; quản lý nhà thờ, gia phả và các tài liệu về lịch sử dòng họ; quản lý mọi tài sản khác của họ. 

– Chủ trì tổ chức lễ giỗ Tổ hằng năm; chủ trì giải quyết các công việc thường xuyên của họ và giữ mối liên hệ chung trong toàn họ. 

– Đề xuất các công việc của họ và tổ chức thực hiện khi đã có quyết định chung.

- Trưởng tộc có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giáo dục lối sống đạo đức cho con cháu. Khi có việc tốt thì kịp thời biểu dương, khen thưởng. Khi có việc sai trái thì uốn nắn kịp thời.

– Trưởng tộc phải là hạt nhân đoàn kết dòng họ; chăm lo giữ gìn kỷ cương gia tộc, chống gia trưởng, độc đoán. Vì một lý do nào đó, Trưởng tộc không thể đảm đương nổi công việc thì giao quyền cho người kế vị và báo cho toàn họ biết.

Trường hợp Trưởng tộc đi vắng dài ngày, người kế vị tạm thời thay thế.

Điều 6. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng gia tộc

- Hội đồng gia tộc vừa là tham mưu, vừa là giúp Trưởng tộc điều hành việc họ.

- Hội đồng gia tộc làm việc trên tinh thần tự nguyện, tôn trọng và theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số. 

- Nhiệm vụ:

+ Tham mưu đề xuất Trưởng tộc đề ra các chủ trương việc họ hằng năm.

+ Lãnh đạo toàn họ thực hiện chủ trương việc họ được Trưởng tộc đề ra và được hội nghị toàn thể dòng họ nhất trí thành nghị quyết.

+ Tổ chức huy động đóng góp tiền bạc vật chất; quản lý toàn diện tài chính, tài sản; lập kế hoạch thu chi và kiểm soát thu chi của họ.

+ Tổ chức giỗ tổ hằng năm.

+ Theo dõi cập nhật Gia phả, sửa đổi Quy ước.

+ Tổ chức thực hiện các công việc cụ thể khác như: thăm hỏi ốm đau, đám cưới, đám ma, khen thưởng, vinh danh, ...

+ Phê duyệt các dự án và bảo vệ, trùng tu, tôn tạo từ đường, lăng mộ, mua sắm đồ tế khí. Thành lập và phê duyệt các bộ phận chức năng (Ban quản lý tài sản, Ban khuyến học – khuyến tài,…) giúp việc cho Hội đồng gia tộc.

+ Quan hệ đối ngoại với chính quyền và với các tộc họ khác tại địa phương.

+ Khi thấy cần thiết, Trưởng tộc và Chủ tịch Hội đồng gia tộc sẽ hội ý và triệu tập họp Hội đồng gia tộc để giải quyết các công việc thường xuyên của họ.

Điều 7. Quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của các thành viên trong họ

1. Quyền hạn

- Các thành viên của dòng họ (đinh họ, cô họ, dâu họ) được ghi tên vào gia phả; được tham gia vào việc họ khi đủ 18 tuổi; được các chi giới thiệu ứng cử vào các chức danh trong họ khi đủ 21 tuổi.

- Được bình đẳng trong việc tham gia đóng góp ý kiến, bàn bạc việc họ; được ứng cử và đề cử vào các tổ chức của họ; được đóng góp tiền của, ngày công vào mọi công việc của họ; khi hoạn nạn, đau yếu thì được họ đến thăm hỏi, động viên; khi qua đời được họ tổ chức thăm viếng và đưa đến nơi yên nghỉ cuối cùng.

- Cô họ khi đã lấy chồng, vẫn được quyền về dự các lễ, chạp hoặc tham gia đóng góp, cung tiến; được tham gia bảo vệ uy tín gia phả, gia phong truyền thống của dòng họ. Khi đau yếu hoặc qua đời, họ căn cứ vào sự đóng góp hiếu thảo của cô họ và gia đình đối với dòng họ để đãi ngộ theo thống nhất của Hội đồng gia tộc.

 2. Nghĩa vụ và trách nhiệm

- Đoàn kết, không kéo bè chia phái trong họ.

- Chăm lo việc họ. Thực hiện nghiêm Quy ước của dòng họ.

- Giữ gìn gia phong và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; không vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục.

- Đóng góp đầy đủ các khoản theo quy định của họ và Hội đồng gia tộc. Tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ khi được Hội đồng gia tộc phân công.

- Thành viên trong họ từ 80 tuổi trở lên được miễn các khoản đóng góp việc họ. Tuy nhiên, nếu các bậc cao niên thành tâm đóng góp, công đức Hội đồng gia tộc trân trọng chấp nhận. 

- Nghiêm cấm việc lợi dụng diễn đàn dòng họ để bàn về chính trị và những vấn đề không liên quan đến công việc của họ. 

Điều 8. Quy định về kết hôn, xưng hô, đặt tên

1. Quy định về kết hôn

Mọi thành viên trong họ phải tuân theo Luật hôn nhân và gia đình. Quy ước dòng họ quy định thêm những điều sau đây mà Luật hôn nhân và gia đình chưa nêu:

- Không được kết hôn với người trong họ có chung cụ tổ họ Nguyễn Duy ở Xuân Lâm, Nam Đàn, Nghệ An).

- Không nên kết hôn đồng tính trai với trai, gái với gái (giả sử nếu có thì không ghi vị hôn phối vào gia phả).

- Hôn nhân không đồng chủng: nếu con trai hôn phối với người khác chủng (dân tộc khác hoặc người nước ngoài) thì phải bảo đảm con cái sinh ra mang dòng họ Nguyễn Duy và cố gắng giữ gìn phong tục tập quán, ngôn ngữ để tránh mất gốc.

2. Quy định về xưng hô

Thành viên trong họ có có thể có nhiều mối quan hệ anh em, họ hàng bên nội, bên ngoại nhưng khi sinh hoạt trong họ, phải xưng hô theo đúng thứ bậc đã được ghi trong gia phả.

3. Quy định về đặt tên

- Không được đặt tên trùng với tên cụ tổ.

- Con trai được sinh ra, tên khai sinh phải mang họ Nguyễn Duy đứng trước tên (tên đơn hoặc tên ghép).


Chương II. THỜ PHỤNG TỔ TIÊN, QUẢN LÝ LĂNG MỘ TỔ, TỪ ĐƯỜNG VÀ TÀI SẢN CỦA DÒNG HỌ


Điều 9. Thờ phụng tổ tiên

1. Thờ phụng tổ tiên là nghĩa cử biểu hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Mỗi thành viên trong gia tộc có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Việc giỗ chạp tùy theo điều kiện hoàn cảnh của mỗi gia đình và dòng họ nhưng phải tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí.

2. Con cháu tự nguyện góp phần công sức của mình chăm lo mồ mả tổ tiên, chăm lo từ đường và các công việc của họ tộc. Những ngày giỗ chạp của họ tộc, nếu có điều kiện thì nhắc nhở con cháu đoàn tụ đông đủ để tưởng nhớ, tri ân tiền nhân, củng cố, kết nối tình cảm anh em họ tộc.

Điều 10. Lăng mộ tổ

Lăng mộ liệt tổ, liệt tông là di sản thiêng liêng, mỗi thành viên trong họ đều có trách nhiệm trong việc quản lý, tôn tạo, và khai quang hằng năm vào dịp lễ tết, giỗ tổ. Nếu thấy có sự xâm hại phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời, kể cả biện pháp xử lý.

Điều 11. Quản lý nhà thờ và các tài sản khác

1. Quản lý nhà thờ (gồm đất đai, công trình xây dựng, tài sản gắn với nhà thờ) là trách nhiệm của toàn họ, trực tiếp và thường xuyên là Trưởng tộc và Hội đồng gia tộc. Nhà thờ chỉ giành riêng cho việc thờ cúng Tổ tiên và hội họp, sinh hoạt của dòng họ. Không ai được dùng nhà thờ vào bất cứ mục đích nào khác. Nhà thờ phải được giữ gìn sạch sẽ, gọn gàng, tôn nghiêm. Trong nhà thờ chỉ được bày đặt đồ thờ và cất giữ tài sản của dòng họ.

2. Đồ thờ phải được giữ nguyên vị trí đã sắp đặt. Mọi sự thay đổi, bổ sung đồ thờ phải được sự đồng ý của Trưởng tộc. Nhà thờ chỉ được mở cửa vào dịp giỗ Tổ, dịp Tết Nguyên đán, các ngày mồng một và ngày rằm hằng tháng, khi họp họ, khi có người trong họ ở nơi xa về lễ bái. 

3. Mọi tài sản của họ (đất đai, đồ thờ, bàn ghế, máy móc, phương tiện phục vụ công việc họ,…) phải được đăng ký vào sổ sách, (tiền mặt có sổ ghi chép riêng) và kiểm kê định kỳ một lần/năm. Nếu để mất mát, hư hỏng, tùy theo lỗi, người trực tiếp quản lý có thể phải bồi thường.

4. Gia phả và các tài liệu lịch sử của họ là tài sản vô giá, phải được bảo quản chu đáo không để hư hỏng, mất mát. Gia phả, Quy ước được in thành sách và được đăng tải trên trang điện tử của dòng họ (nếu có). Phổ hệ và Gia phả phải được thường xuyên bổ sung. Quy ước dòng họ phải được sửa đổi cho theo kịp đà phát triển của xã hội.

Điều 12. Tài chính của dòng họ

1. Các loại quĩ

- Quĩ hoạt động thường xuyên: Chi dùng cho các hoạt động thường xuyên của họ như: tế lễ, giỗ chạp, thắp hương mồng 1 ngày rằm, hiếu hỷ, thăm hỏi, mừng thọ, hội họp, và các chi phí khác phục vụ cho công việc họ.

- Quỹ khuyến học - khuyến tài.

- Quĩ khác: như quĩ xây dựng, mua sắm trong nhà thờ họ, sửa sang mộ tổ,...

2. Nguồn quĩ

- Từ sự đóng góp theo quy định của mỗi thành viên trong họ (theo suất đinh, hộ gia đình). 

- Từ sự ủng hộ hoặc tài trợ không điều kiện của các cá nhân hoặc tập thể trong và ngoài dòng họ, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

- Từ nguồn tiền công đức tại nhà thờ của tập thể và cá nhân (thùng công đức) và những nguồn thu khác (nếu có).

3. Quản lý và sử dụng nguồn quĩ 

- Quản lý quỹ họ thực hiện theo nguyên tắc quản lý tài chính của Nhà nước. Phải có đủ bộ ba: chủ tài khoản, kế toán và thủ quỹ. Chủ tài khoản, kế toán và thủ quỹ không thuộc cha con, vợ chồng, anh em ruột.

- Chủ tịch Hội đồng gia tộc là chủ tài khoản, chịu trách nhiệm trước họ về việc quản lý và sử dụng nguồn quĩ nhằm đáp ứng kịp thời và có hiệu quả các hoạt động của họ, tránh thất thoát, lãng phí; hàng năm có báo cáo minh bạch, công khai trước họ.

- Tiền quỹ phải gửi tiết kiệm qua ngân hàng, không ai được quyền giữ riêng và cũng không cho cá nhân vay mượn.

- Định mức đóng góp các loại quỹ và chi cho các hoạt động do Hội đồng gia tộc quyết định.


Chương III. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ; XÂY DỰNG GIA ĐÌNH ẤM NO, HẠNH PHÚC; QUAN HỆ XÓM LÀNG THÂN THIỆN


Điều 13. Giữ gìn nền nếp gia phong, phát huy truyền thống gia đình, dòng họ

1. Mỗi thành viên trong dòng họ phải luôn có ý thức trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống, nền nếp, kỷ cương, phép tắc gia tộc; không vi phạm pháp luật Nhà nước và thuần phong mỹ tục của ông cha.

2. Các thành viên trong gia đình, dòng tộc sống có trách nhiệm với nhau. Mọi bất hòa lấy nghĩa tình mà giải quyết; lấy hiếu thảo, thương yêu, nhường nhịn mà cư xử với nhau.

3. Các bậc trưởng thượng, cao niên, thành viên Hội đồng gia tộc, trưởng tộc, trưởng các chi, phái, cành phải thực sự mẫu mực về đạo đức, phẩm hạnh để làm gương cho con cháu noi theo. Thường xuyên giáo dục con cháu nói lời hay, làm việc tốt để nâng cao uy tín, thanh danh của dòng họ. Khi con cháu có điều sai trái nên lấy khoan dung nhân ái mà xử sự.

4. Toàn gia tộc có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giáo dục đạo đức, lối sống cho con cháu; kịp thời biểu dương việc tốt, ngăn ngừa việc xấu.

Điều 14.  Xây dựng gia đình theo nếp sống văn minh, gia đình văn hóa

1. Giáo dục con cháu biết sống nhân ái, biết làm việc thiện, biết tôn trọng đạo lý; cần kiệm, liêm chính, kính trên nhường dưới, thật sự yêu thương đùm bọc, giúp đỡ nhau làm tròn nghĩa vụ đối với gia đình, dòng tộc và xã hội.

2. Giáo dục con cháu chấp hành đúng pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương. Tôn trọng và chấp hành các điều khoản của Quy ước dòng họ.

3. Mọi thành viên phải biết chăm lo để nâng cao đời sống, vun đắp cho tổ ấm gia đình; nuôi con khỏe, dạy con ngoan; tạo điều kiện thuận lợi để con cháu học tập, vui chơi giải trí và rèn luyện đạo đức, sức khỏe. Đối xử bình đẳng bên nội bên ngoại, xứng đáng dâu hiền rể thảo.

Điều 15. Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, không sa vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, cá cược, ma túy, mãi dâm,…; không gây rối an ninh trật tự, không nợ nần dây dưa, không vi phạm pháp luật, không để con cháu thất học; khắc phục khó khăn tự lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo, nâng cao mức sống.

Điều 16. Gìn giữ, quý trọng tình làng nghĩa xóm. Luôn gần gũi, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau khi tối lửa tắt đèn.  

Điều 17. Nhà cửa, công trình vệ sinh sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ; tôn trọng quyền lợi và cuộc sống riêng tư của mọi người xung quanh; giữ gìn môi trường  sạch đẹp; hộ gia đình trong gia tộc phấn đấu hằng năm đạt danh hiệu gia đình văn hóa.


Chương IV. KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI, LẬP NGHIỆP


 Điều 18. Học hành, lập thân, lập nghiệp là bổn phận của mỗi người, phải luôn thể hiện truyền thống hiếu học, cầu tiến của dòng họ xưa nay. Noi gương các bậc tiền nhân, mỗi thành viên trong dòng họ phải luôn ý thức được rằng, chỉ có tri thức mới có thể nâng tầm vị thế của bản thân trong xã hội và làm rạng danh dòng họ. 

Điều 19. Luôn quan tâm đến việc học hành của con cháu. Từng gia đình trong dòng tộc phải phấn đấu để con em mình đều được học chữ và học nghề, trong dòng tộc không có người thất học, mù chữ.

Điều 20. Con cháu của dòng tộc phải luôn nêu cao ý chí vươn lên, vượt mọi khó khăn để tạo cho mình có việc làm, có nghề nghiệp ổn định. Phải luôn phát huy tinh thần học hỏi, rèn luyện nâng cao tay nghề nhằm nâng cao đời sống gia đình và làm ra nhiều của cải cho xã hội, xứng đáng với truyền thống gia đình, dòng họ và quê hương. 

Điều 21. Lập quỹ khuyến học, khuyến tài và vận động các thành viên trong dòng họ ủng hộ quỹ nhằm kịp thời động viên, khích lệ, biểu dương, khen thưởng con cháu khi thành đạt. 


Chương V. KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT


Điều 22. Khen thưởng

Người có đóng góp đặc biệt cho dòng họ về công sức, trí tuệ, vật chất, tài chính trên mọi lĩnh vực được tôn vinh, khen thưởng và ghi danh vào sổ vàng công đức. 

Các cháu học sinh, sinh viên trong dòng họ đạt danh hiệu xuất sắc hàng năm được tôn vinh và khen thưởng vào dịp Lễ Tổ Rằm tháng Ba.

Điều 23. Vinh danh

Tổ chức vinh danh, khen thưởng và ghi vào sổ vàng lưu danh trí đức con cháu có thành tích đặc biệt xuất sắc trên mọi lĩnh vực như đoạt giải cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế; đạt các danh hiệu cao quý như anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, chiến sĩ thi đua toàn quốc; hoạt động chuyên môn, nghệ thuật như nhà văn, nhà báo, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân; đạt các học hàm, học vị như thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, viện sĩ,...

Điều 24. Người nào vi phạm các điều khoản trong bản Quy ước này sẽ được Hội đồng gia tộc và các bậc cao niên đấu tranh, nhắc nhở giáo dục; tự kiểm điểm trước chi phái hoặc trước toàn gia tộc và có biện pháp tự khắc phục, sửa chữa khuyết điểm.


Chương VI. ĐIỀU KHOẢN THỰC HIỆN


Điều 25. Quy ước dòng họ có hiệu lực thực hiện kể từ ngày ký.

Hội đồng gia tộc, Trưởng tộc và mọi thành viên trong dòng họ Nguyễn Duy – Xuân Lâm có trách nhiệm thực hiện và nhắc nhở nhau thực hiện đúng các điều khoản ghi trong Quy ước này.

Trong quá trình thực hiện, khi thấy cần thiết, Hội đồng gia tộc sẽ đề nghị bổ sung hoặc sửa đổi nội dung các điều khoản cho phù hợp với thực tế.

                                                                    Xuân Lâm, ngày…… tháng… năm 202

      TRƯỞNG TỘC                                        CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIA TỘC


 

Không có nhận xét nào: