Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

Nguyễn Trãi - anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa (1380 - 1442)


Kết quả hình ảnh cho nguyễn trãi

Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai sinh năm 1380 mất năm 1442, cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Ứng Long, tức Nguyễn Phi Khanh, một nho sĩ hay và mẹ là Trần Thị Thái, con gái thứ ba của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Ông quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương).


Năm 1400, ông thi đỗ Thái học sinh và từng làm quan dưới triều Hồ. Sau khi nước ta rơi vào sự cai trị của nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại ách Minh thuộc với vai trò là mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao. Năm 1442, do bị hàm oan, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên Năm 1464, sau quá trình xem xét lại, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông.

Những đóng góp của Nguyễn Trãi vô cùng lớn lao trong lịch sử của dân tộc. Ông là vị anh hùng, là một khí phách, là tinh hoa của dân tộc. Công lao quý giá  và sự nghiệp vĩ đại nhất của Nguyễn Trãi là tấm lòng vì nước thương dân tha thiết và sự nghiệp đánh giặc cứu nước vô cùng vẻ vang. Ông đã giành cả tâm hồn, trí tuệ, tài năng cống hiến cho lợi ích của dân tộc trong phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Tư tưởng chính trị quân sự ưu tú và tài ngoại giao kiệt xuất của ông đã góp phần không nhỏ cho phong trào khởi nghĩa Lam Sơn đi tới thắng lợi. Với những đóng góp của Nguyễn Trãi trong thời đại của ông nói riêng, cho lịch sử quốc gia nói chung thể hiện ở những góc độ khác nhau:

Nguyễn Trãi được coi là một nhà tư tưởng lớn của Việt Nam, tư tưởng của ông là sản phẩm của nền văn hóa Việt Nam thời đại nhà Hậu Lê khi mà xã hội Việt Nam đang trên đà phát triển, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Nét nổi bật trong tư tưởng Nguyễn Trãi là sự hòa quyện, chắt lọc giữa tư tưởng Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo (trong đó Nho giáo đóng vai trò chủ yếu), có sự kết hợp chặt chẽ với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam thời bấy giờ, nhưng nổi bật hơn cả là tư tưởng anh hùng, yêu nước, thương dân.

Trong lĩnh vực Thơ - Văn, Nguyễn Trãi đã để lại rất nhiều trước tác văn chương, cả bằng chữ Hán và chữ Nôm, rất phong phú về thể loại, bao gồm các lĩnh vực văn học, lịch sử, địa lý, luật pháp, lễ nghi... song đa phần đã bị thất lạc trong vụ án Lệ Chi Viên, những tác phẩm còn lại đến nay của ông, phần lớn được sưu tầm và tập hợp trong bộ Ức Trai thi tập của Dương Bá Cung, khắc in vào năm1868 đời nhà Nguyễn.

Về văn chính luận gồm có những tác phẩm tiêu biểu như: Quân trung từ mệnh tập là tập sách gồm những văn thư do Nguyễn Trãi thay mặt Lê Thái Tổ gửi cho các tướng tá nhà Minh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, từ năm 1423 đến năm 1427; Bình ngô đại cáo; Bài phú Chí Linh sơn và các chiếu biểu khác. Những tác phẩm của ông được đánh giá là có cách lập luận sắc sảo, khúc triết, thấu tình đạt lý, có nhu có cương của một nghệ thuật viết chính luận bậc thầy.

Về lịch sử: Lam Sơn thục lục là quyển lịch sử ký sự ghi chép về công cuộc 10 năm khởi nghĩa Lam Sơn, do vua Lê Thái Tổ sai soạn vào năm 1432. Vấn đề tác giả của trước tác này vẫn còn chưa rõ ràng, dù cho đến nay nhiều người khẳng định rằng Lam Sơn thực lục là tác phẩm do Nguyễn Trãi biên soạn nhưng điều đó vẫn chỉ mang tính phỏng đoán; Vĩnh lăng thần đạo bi là bài văn bia do ông viết ở Vĩnh Lăng - lăng của vua Lê Thái Tổ, kể lại thân thế và sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ.

Về địa lý:Dư địa chí của Nguyễn Trãi là bộ sách về địa lý học cổ nhất còn lại của Việt Nam trong đó ghi chép lại những sản vật và con người nước ta thế kỷ XV

Về thơ phú: Ức trai thi tập là tập thơ bằng chữ Hán của Nguyễn Trãi, gồm 105 bài thơ, trong đó có bài Côn Sơn ca nổi tiếng; Quốc âm thi tập là tập thơ bằng chữ Nôm của Nguyễn Trãi, gồm 254 bài thơ, chia làm 4 mục: Vô đề (192 bài), Thời lệnh môn (21 bài), Hoa mộc môn (34 bài), Cầm thú môn (7 bài). Đây là tập thơ nôm xưa nhất của Việt Nam còn lại đến nay. Bằng tập thơ này, Nguyễn Trãi là người đặt nền móng cho văn học chữ Nôm của Việt Nam; Chí Linh sơn phú là bài phú bằng chữ Hán, kể lại sự kiện nghĩa quân Lam Sơn rút lên núi Chí Linh lần thứ ba vào năm 1422; Băng Hồ di sự lục là thiên tản văn bằng chữ Hán do Nguyễn Trãi làm vào năm 1428, kể về cuộc đời Trần Nguyên Đán.

Với những công lao và đóng góp vô cùng to lớn của ông  trong lịch sử nước nhà, Nguyễn Trãi đã được xem như nguồn tư liệu quí cho các cho các công trình nghiên cứu, các tác phẩm hội họa, văn học và nghệ thuật…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức kỷ niệm 514 năm, 520 năm, 525 năm ngày mất của Nguyễn Trãi và nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh, đã phát hành bộ tem về ông. Nguyễn Trãi - với tư cách là nhà văn hoá lớn, ông đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông là một trong 14 vị ảnh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam và năm 1980, Nguyễn Trãi đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.

Đền thờ Nguyễn Trãi ở Nhị Khê, Hà Nội vốn là từ đường của họ Nguyễn, được xây dựng sau khi vua Lê Thánh Tông chiêu tuyết cho ông. Đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Hải Dương toạ lạc tại khu vực động Thanh Hư, dưới chân dãy Ngũ Nhạc kề liền núi Kỳ Lân. Ngoài ra, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cũng được thờ ở làng Khuyến Lương, nay là phường Trần Phú, quận Hoàng Mai và ở xã Lệ Chi , huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tên ông cũng đã được đặt tên cho những con đường lớn, những ngôi trường với bề dầy truyền thống dạy và học ở Hà Nội cũng như ở nhiều tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam.

Kết quả hình ảnh cho nhà thờ nguyễn trãi
Đền thờ Nguyễn Trãi

Trong nghệ thuật: cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi đã trở thành cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật như: kịch Bí Mật vườn Lệ Chi; kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan; kịch Đêm của bóng tối; tiểu thuyết Vạn Xuân; thơ Đêm Côn Sơn; tiểu thuyết Nguyễn Trãi; Phim Thiên mệnh anh hùng…

Ngoài những tác phẩm nghệ thuật kể trên thì bức tranh chân dung Nguyễn Trãi vẽ trên lụa hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là minh chứng cho những công lao, đức độ của ông đã được họa sỹ đương thời khắc họa rất chân thực. Qua nghiên cứu có thể khẳng định đây là tác phẩm vẽ trên lụa cổ nhất ở Việt Nam hiện nay.

Tranh vẽ chân dung Nguyễn Trãi thể hiện nét mặt hiền từ, đôi mắt sáng tinh anh, ngồi trên ngai, đội mũ cánh chuồn màu đen, mặc áo màu xanh có trang trí hai rồng chầu mặt trời, mây, tứ linh; cổ, ngực và vạt tay áo màu cánh sen. Ngai màu nâu trang trí hoa bốn cánh, tay ngai thể hiện cách điệu hình rồng quay ra ngoài, chân quỳ. Bức tranh có số đăng ký LSb.1144, vẽ màu nước trên lụa tơ tằm mịn, dài 151cm, rộng 92cm, tranh được đóng khung gỗ, mặt kính; trải qua thời gian lưu giữ, tranh đã có dấu hiệu xuống cấp và đã được bồi lại; hiện vật đang được lưu giữ trong kho bảo quản của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Theo hồ sơ lưu lại, đây là bức tranh vẽ khi Nguyễn Trãi 60 tuổi (1439) và được lưu giữ trong gia tộc ở thôn Nhị Khê, xã Quốc Tuấn, huyện Thường Tín, Hà Đông. Tranh do cháu đời thứ 17 của Nguyễn Trãi tặng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vào tháng 12 năm 1959.

Bức tranh chân dung Nguyễn Trãi là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị cả về ý nghĩa lịch sử và văn hóa, là nguồn tư liệu quí về một danh nhân văn hóa của dân tộc Việt Nam và thế giới, mà muôn đời sau các thế hệ con cháu tự hào và noi theo. Cũng vì lý do đó mà việc bảo quản, gìn giữ, nghiên cứu và phát huy những giá trị của hiện vật là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia không chỉ trong hiện tại mà cả trong tương lai.

Đinh Quỳnh Hoa (phòng QLHV)               

Nguồn http://baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Nhan-vat-lich-su/2015/05/3A9246CA/

Không có nhận xét nào: