Thôn 3 Xuân Lâm, nơi khởi thủy của dòng họ Nguyễn Duy – Xuân Lâm. Ảnh Nguyễn Duy Xuân.
1. Người gây dựng cơ nghiệp tổ tiên – Đức Thủy tổ Nguyễn Mạnh Công
Đức Thủy tổ Nguyễn Mạnh Công (Nguyễn Duy Công) sinh ngày 20-6 năm 1749. Ngài là con trai thứ ba của Cụ Nguyễn Duy Năng - hậu duệ đời thứ bảy của Đô uý Hàn Lâm Tri Chế Cáo, Tiến sĩ Nguyễn Bá Ký – chắt của Tri phủ Hưng Nguyên Nguyễn Duy Nhân.
Vào khoảng nửa đầu thế kỉ 18, Cụ Nguyễn Duy Năng rời quê hương di cư lên vùng Hoa Ổ (Bàu Ó, Thanh Lương, Thanh Chương), chiêu dân lập ấp, xây dựng quê hương mới. Cụ được bổ làm tri phủ Anh Sơn, sinh được 3 người con: Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Duy Thạch và Nguyễn Duy Công tức Nguyễn Mạnh Công.
Đức Thủy tổ Nguyễn Mạnh Công thừa hưởng truyền thống khoa bảng của gia đình, dòng họ. Ngài thi đỗ Hương cống (cử nhân), được bổ làm Tri phủ Kỳ Hoa.
Khoảng cuối thế kỉ 18, Ngài đến khai cơ lập nghiệp ở thôn Kim Chung, tổng Xuân La, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là thôn 1, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), cách quê mới Thanh Lương chừng 20 km.
Bản đồ xã Xuân Lâm. Vị trí chấm đỏ là khu vực tọa lạc nhà thờ Nguyễn Duy tộc Xuân Lâm
Một góc Xuân Lâm nhìn từ phía bãi sông Lam. Ảnh Nguyễn Duy Xuân.
Mộ Đức Thủy tổ Nguyễn Mạnh Công ở thôn 1, Xuân Lâm, Nam Đàn, Nghệ An
Mộ Tổ được tôn tạo năm 2018.
Khu mộ táng Đại tôn Nguyễn Duy tộc tại nghĩa trang Cồn Rộng, xóm 3, Xuân Lâm
Ảnh Nguyễn Duy Quế (St)
Xuân La (Xuân Lâm ngày nay) là một vùng đất trù phú nằm bên tả ngạn sông Lam, với đồng ruộng màu mỡ, bãi sông phù sa phì nhiêu.
Tại đây, Đức Thủy tổ Nguyễn Mạnh Công cùng với người vợ tần tảo là Đinh Thị Liễu, bằng trí tuệ và công sức lao động của mình đã khai phá đất đai, gây dựng cơ nghiệp tổ tiên. Dòng họ Nguyễn Duy - Xuân Lâm khởi nguồn từ đó.
Đức Thủy tổ Nguyễn Mạnh Công sinh hạ được 4 người con trai sau này lập thành 4 chi:
1. Nguyễn Duy Thản, quán tại thôn Kim Chung, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
2. Nguyễn Duy Triển, quán tại thôn Vĩnh Long, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
3. Nguyễn Duy Quảng, quán tại thôn Vĩnh Long Hạ, xã Xuân La, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
4. Nguyễn Duy Quyết, quán tại thôn Chùa Khê, xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
2. Con cháu tiếp nối truyền thống ông cha
Trải qua hơn hai thế kỉ gây dựng cơ nghiệp tổ tiên, dòng họ Nguyễn Duy ở Xuân Lâm ngày càng phát triển. Tiếp nối truyền thống của ông cha, các thế hệ con cháu Nguyễn Duy - Xuân Lâm bao đời nay vừa chăm lo công việc làm ăn, vừa động viên con cháu theo nghiệp đèn sách, lúc Tổ quốc cần sẵn sàng lên đường đánh giặc; thời đại nào cũng có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước và xây dựng quê hương xứ sở, làm rạng danh dòng tộc, tổ tiên.
Ông Nguyễn Duy Chí là “cụ đồ Nho” – nhà Hán học cuối cùng của dòng họ. Ông sinh năm 1874, mất năm 1961. Sinh thời, ông vừa dạy học vừa làm nghề bốc thuốc trị bệnh cứu người, được người dân trong vùng kính phục. Là thầy giáo dạy chữ Hán cho nên ông được giao trọng trách bảo quản cuốn Gia phả của dòng họ và là người duy nhất nắm được nội dung cuốn Gia phả ghi bằng chữ Hán này. Năm 1964, cuốn Gia phả không may bị cháy trong một vụ hỏa hoạn cháy nhà, việc phục dựng Gia phả vì thế không thực hiện được trong suốt một thời gian dài.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) và đế quốc Mỹ (1954-1975) cũng như trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, các thế hệ con cháu họ Nguyễn Duy – Xuân Lâm đã đóng góp nhiều sức người, sức của. Người ở hậu phương thì thi đua sản xuất với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả cho tiền tuyến”. Thanh niên thì sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều người đã ngã xuống trên chiến trường, góp phần xương máu của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Các ông Nguyễn Duy Phi, Nguyễn Duy Bảy, Nguyễn Duy Thanh là những liệt sĩ đầu tiên của dòng họ, hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ đất nước trong cuộc Kháng chiến chống Pháp vĩ đại (1946-1954). Thời ấy, các ông là những người nông dân mặc áo lính, tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các ông đã tạm biệt gia đình, quê hương; để lại đằng sau ruộng vườn, nhà cửa ra trận với tinh thần cao cả “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Ông Nguyễn Duy Cát, sinh năm 1929. Tộc trưởng.
Ông Nguyễn Duy Đợi, sinh năm 1925, mất năm 2015.
Ông là người con của dòng họ tham gia trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954) - “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (thơ Tố Hữu) - kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp đầy hi sinh gian khổ nhưng rất vẻ vang, oanh liệt của dân tộc.
Ông Nguyễn Duy Đại, sinh năm 1929, cán bộ lão thành cách mạng.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia dân công phục vụ kháng chiến. Hòa bình lập lại, ông hoạt động cách mạng tại địa phương, từ một cán bộ đoàn, kế toán hợp tác xã trở thành cán bộ chủ chốt của xã Xuân Lâm. Ông đã từng đảm nhận các chức vụ: Chủ nhiệm Hợp tác xã, Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã từ những năm chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ ở miền Bắc cho đến lúc nghỉ hưu năm 1986.
Tháng 10 năm 1972, chiến tranh phá hoại
miền Bắc của Mỹ bước sang giai đoạn ác liệt, ông tham gia dân công hỏa tuyến,
làm đại đội trưởng đại đội xe thồ Xuân Lâm thuộc tiểu đoàn xe thồ Nam Đàn. Đại
đội xe thồ do ông chỉ huy đảm trách tuyến trung chuyển hàng hóa phục vụ tiền
tuyến từ Yên Thành, Diễn Châu qua Truông Bồn theo con đường huyết mạch 15A vào
Đức Thọ, Can Lộc, Hà Tĩnh.
Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Huân chương kháng chiến hạng Hai.
Ông Nguyễn
Duy Lân (Nguyễn Minh Lân) sinh năm 1929, cán bộ lão thành cách mạng. Trong
kháng chiến chống Pháp ông tham gia dân công hỏa tuyến ở Nam Lào. Hòa bình lập
lại, ông được cử đi học nghiệp vụ và tiếp tục công tác thanh niên xung phong ở
Tây Bắc, sau chuyển về làm cán bộ thương nghiệp tỉnh Nghệ An.
Năm 1975 sau Đại thắng mùa Xuân 1975, miền
Nam hoàn toàn giải phóng, ông được cấp trên điều động làm cán bộ tăng cường,
công tác ở Ty thương nghiệp Đồng Tháp. Năm 1983 chuyển về quê, làm Chủ nhiệm
hợp tác xã mua bán huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1993 ông nghỉ hưu theo chế
độ tại quê nhà.
Ông đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Nhì; Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.
Ông Nguyễn
Duy Châu sinh năm 1948. Tháng 11 năm 1965, mặc dù chưa đủ tuổi nhập ngũ
nhưng ông vẫn xung phong lên đường vào Nam chiến đấu. Ông là chiến sĩ thuộc đơn
vị Vận tải Trường Sơn: tiểu đoàn 101 Anh hùng thuộc Đoàn 559 do Trung tướng
Đồng Sĩ Nguyên làm Tư lệnh. Ông nghỉ hưu năm 1986 với cấp bậc Đại úy, chức vụ
đại đội trưởng.
Ông là một lái xe giỏi, dũng cảm, nhiều
kinh nghiệm. Xe ông vượt khắp các nẻo đường Trường Sơn, Lào, Cămpuchia; băng
rừng, vượt núi đưa hàng ra tiền tuyến bất chấp bom đạn quân thù ngày đêm dội
xuống như mưa. Người chiến sĩ lái xe Nguyễn Duy Châu với tinh thần quả cảm, yêu
xe như con quí xăng như máu, vượt qua mọi hiểm nguy đưa những chuyến hàng
nguyên vẹn đến tận tay các chiến sĩ ngoài mặt trận, góp phần xứng đáng vào
thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc mà đỉnh cao
là Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Những chiến công của ông đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội ghi nhận bằng những phần thưởng cao quí: 02 Huân chương Chiến công hạng Ba; 03 Huân chương Giải phóng hạng Một, Hai, Ba; 01 Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Hai; 01 Huy hiệu Chiến sĩ quyết thắng; 01 Huy hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 03 lần được tặng Danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; 05 bằng khen của Bộ tư lệnh 559; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Ông Nguyễn
Duy Khang, sinh năm 1958. Đại tá công an. Ông từng giữ các chức vụ Ủy viên
Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.
Tháng 6 năm 1978, ông gia nhập lực lượng
công an. Từ một chiến sĩ, ông đã nỗ lực rèn luyện, phấn đấu trở thành một cán
bộ công an giỏi về nghiệp vụ, tận tụy với nghề, luôn luôn hoàn thành tốt mọi
nhiệm vụ mà Đảng và ngành giao phó.
Ông đã được tặng thưởng: Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Ông Nguyễn Duy Quế, sinh ngày 20/7/1949. Thượng tá Công an.
Ông từng làm Bí thư đoàn xã, rồi tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ tại chiến trường Xiêng Khoảng (Lào) từ tháng 3/1971 đến tháng 7/1973 với chức vụ Đại đội phó C11, Tiểu đoàn 2, binh trạm 13, Tổng cục Hậu cần. Từ tháng 8/1973, ông chuyển sang công tác ở ngành công an, được cử đi học Đại học An ninh Nhân dân.
Ngày
20/8/1987, ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng Công an rồi Trưởng công an huyện
Nam Đàn (20-11-1991). Ngày 30/4/1996, ông giữ chức vụ Phó trưởng phòng PV 27
Công an tỉnh Nghệ An.
Tháng 3 năm 2006, sau khi nghỉ hưu theo
chế độ, ông tiếp tục tham gia các hoạt động ở địa phương, từng đảm nhận chức
trách Trưởng đền thờ Vua Mai Hắc Đế, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công an hưu trí huyện
Nam Đàn.
Ông
đã được tặng thưởng: Huân chương Bảo vệ
Tổ quốc hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng
Nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, xây dựng
quê hương, con cháu Nguyễn Duy - Xuân Lâm cũng đã góp phần xứng đáng của mình
vì đất nước vẹn toàn, vì quê hương giàu mạnh, tươi đẹp.
Những năm 60 của thế kỉ XX, theo chủ
trương của Đảng và Nhà nước, nhiều gia đình đã di cư lên xây dựng quê hương mới
ở Tân Kì, Con Cuông, Anh Sơn thuộc miền núi phía Tây Nghệ An.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất
đất nước, con cháu dòng họ tỏa đi khắp nơi từ miền xuôi tới miền ngược, từ Bắc
chí Nam để lập nghiệp, học tập và công tác.
Cuối năm 1979, một cuộc di dân rầm rộ vào
khai phá vùng đất Tây Nguyên bao la, nhiều tiềm năng. Hưởng ứng chủ trương lớn
này của Nhà nước, một số bà con trong dòng họ từ nông dân thứ thiệt ở nơi quê
cha đất tổ đã trở thành công nhân các nông trường cao su, cà phê ở vùng đất mới
cao nguyên. Địa bàn cư trú của bà con hiện nay thuộc xã Ea Kpam, huyện Cư Mga’r,
tỉnh Đắk Lắk.
Cho dù đi đâu, về đâu, làm gì, con cháu
dòng họ Nguyễn Duy - Xuân Lâm vẫn luôn luôn hướng về cội nguồn, tu dưỡng, rèn
luyện phấn đấu trong học tập công tác, trong cuộc sống đời thường; gìn giữ gia
phong, truyền thống gia tộc; chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, chính
sách của Đảng và Nhà nước, sống và làm việc theo hiếp pháp, pháp luật; xây dựng
cuộc sống gia đình hạnh phúc, tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của
cộng đồng và đất nước.
Tính đến nay, cả họ đã có hàng chục người có trình độ học vấn Đại học, trong đó có 1 Tiến sĩ, 6 Thạc sĩ, nhiều người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, 1 người hoạt động trong lĩnh vực văn học, báo chí.
Ông Nguyễn
Duy Xuân, sinh ngày 8/5/1957. Năm 1975, ông thi đậu vào khoa Văn, Trường
Đại học Sư phạm Vinh (nay là Đại học Vinh).
Từ năm 1979 đến năm 2018 ông là giảng viên
Trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột (nay là Trường CĐSP Đắk Lắk).
Ông là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật
tỉnh Đắk Lắk, cộng tác viên của nhiều báo, tạp chí ở Trung ương và địa phương như Dân trí, Hội Nhà văn, Kiến thức, Giáo dục,
Tiền phong, Vietnamnet, Văn hóa Nghệ An, Đắk Lắk, Chư Yang Sin,…
Các tác phẩm đã xuất bản: Giọt nắng
cao nguyên, tập thơ, Nhà xuất bản Hội
Nhà văn, 12/2013; Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi, tập thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2/2016; Về Ban Mê đi
anh, tập thơ, Nhà xuất bản Văn hóa
dân tộc, 9/2021; Dã quỳ và em, tập tản văn,
Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, 9/2021.
Ông đã được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương danh dự Vì thế hệ trẻ, Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp Công đoàn,...
Giải thưởng Văn nghệ và báo chí:
- Giải Nhất (2-2015), Giải Nhì (5-2014) giải thưởng
“Mỗi bạn đọc – Một nhà báo” của báo Dân trí, cơ quan ngôn luận của Trung
ương Hội khuyến học Việt Nam.
- Giải C - Tập thơ "Tổ quốc là con
đường bố con mình đang đi" - Giải thưởng VHNT năm 2016 của Hội VHNT tỉnh
Đắk Lắk.
- Giải Khuyến khích (tác giả phần lời ca
khúc Tổ quốc) cuộc thi sáng tác ca khúc "Tôi yêu Tổ quốc tôi", 2015.
- Giải Khuyến khích Giải thưởng âm nhạc
Hội Nhạc sĩ VN năm 2016, tác giả lời ca khúc TỔ QUỐC.
- Giải C - Tập thơ Về Ban Mê đi anh - Giải thưởng VHNT năm 2021 của Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Hưng, sinh ngày 10/7/1986 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, là con thứ của ông Nguyễn Duy Xuân và bà Lê Thị Du.
Từ năm 2004 đến 2008 học Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2009 đến 2018: Giảng viên Trường Đại học Xây dựng TP Hồ Chí Minh. Từ tháng 11/2018 đến tháng 5/2022 là Nghiên cứu sinh tại Đại học Padova, Cộng hòa Italia.
Ngày 27/5/2022, tại Đại học Padova, bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ (Evaluating risk factors in Green Building: the case of sustainable construction in Vietnam (Đánh giá các yếu tố rủi ro trong Công Trình Xanh: Trường hợp của xây dựng bền vững tại Việt Nam). Người hướng dẫn là Giáo sư Laura Macchion.
Tháng 7/2022, sau khi về nước, tiếp tục công tác giảng dạy tại Đại học Xây dựng TP Hồ Chí Minh.
(Trích Gia phả họ Nguyễn Duy - Xuân Lâm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét