Vanvn- “Tôi nhặt hòn cuội làm kỷ niệm/ Đá đường biên rắn và nặng hơn?/ Trưa ăn món cá suối chiên/ Tôi hỏi vui người lính trẻ/ Cá trong đĩa/ Con nào của nước bạn,/ Con nào của Việt Nam?”. Không chỉ với sông núi biên cương phía Tây Tổ quốc trong tình hữu nghị láng giềng anh em, mà trái tim của nhà thơ Nguyễn Duy Xuân còn hướng về biển cả bằng niềm tự hào xen lẫn nỗi đớn đau, nhất là mỗi tháng Ba về nhắc nhở hải chiến đảo Gạc Ma, cũng vì hòa bình hữu nghị láng giềng mà… “có trận đánh nào/ đạn đã lên nòng/ nhưng súng không thể nổ?/ có cuộc chiến nào/ người lính phải đứng im?”
Nhà thơ Nguyễn Duy Xuân ở Đắk Lắk
RỪNG BIÊN CƯƠNG
Đồn biên phòng Yook Đôn
Lọt thỏm trong rừng thẳm
Cột mốc biên cương sừng sững
Chủ quyền đất nước ngàn năm
Suối Đắk Đam – đường biên tự nhiên
Bờ bên kia là nước bạn
Chỉ một với tay đã chạm đến
Tôi nhặt hòn cuội làm kỷ niệm
Đá đường biên rắn và nặng hơn?
Trưa ăn món cá suối chiên
Tôi hỏi vui người lính trẻ
Cá trong đĩa
Con nào của nước bạn,
Con nào của Việt Nam?
Yook Đôn
Bạt ngàn dưới ống kính flycam
Rừng biên cương xào xạc
Chẳng còn những cơn mưa như trút
Mùa khô vắt kiệt nước
Hao gầy những thân cây.
CHÙA LÀNG TÔI
chùa làng tôi mộc mạc
giữa đồng quê mông quạnh, khiêm nhường
thuở bà tôi về nhà chồng
đã thấy chùa rêu phong
chùa làng tôi có giếng nước rất trong
giữa trưa hè mát lạnh
dân làng chưa bao giờ thấy nó cạn
dẫu đồng quê đại hạn bao mùa
mẹ bảo nước giếng chùa làm tương rất ngon
chiều chiều tôi vượt quãng đồng vắng
gánh nước về, tim đập chân run
thằng bạn bảo chùa làng rất thiêng
bụi dứa dại bên giếng
cụ Giới(*) trước cổng chùa
nó bảo những chỗ đó có ma
lúc hoàng hôn chăn bò về ngang qua
không khí thoảng mùi hôi ngai ngái
ấy là lúc ma đang nấu bữa tối
cả bọn tin, còn sợ đến bây giờ
ôi niềm tin ngây thơ
của một thời con người ta vô tư đến thế
rồi tháng năm lặng lẽ…
chùa cũ không còn, giếng cổ vẫn đây
nước đong đầy, chẳng còn trong và mát
tôi bỗng thấy lòng mình thổn thức
đâu rồi tiếng chuông ngân
giữa không gian tĩnh mịch
vọng lòng người hóa Phật trong tâm
khói lam chiều vương vít mái nhà tranh
hay sớm tinh mơ cuối trời sao Mai nhấp nhánh
tiếng chuông chùa ngân vọng
giữa thinh không tĩnh lặng, yên bình.
Ngày Phật đản 19.5.2019
___
(*) Cây duối
HƯƠNG CÀ PHÊ BAN MÊ
Cà phê hoa nở trắng trời
Toả hương thơm ngát, gọi mời bướm ong
Chắt chiu từ đất cay nồng
Hương thơm, vị đắng quyện trong hoa này
Nắng mưa ấp ủ tháng ngày
Sắc nâu quyến rũ mê say hồn người.
Rừng xa vọng một tiếng hời
Người như lạc giữa một thời xa xăm
Người đi… lòng dạ bâng khuâng
Hồn nương theo điệu chiêng cồng vang ngân.
Ban Mê xa đấy mà gần
Cà phê vị đắng níu chân người về.
Tranh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
THÁNG BA BẤT TỬ
Tháng Ba năm ấy
những người lính Gạc Ma
“chân cắm đá như cọc gỗ Bạch Đằng
ngực căng gió ôm chặt cờ đỏ
… trước bom đạn quân thù xối xả”…
Thời gian trôi
mỗi lần đến tháng Ba
lòng ta nức nở
có trận đánh nào
đạn đã lên nòng
nhưng súng không thể nổ?
có cuộc chiến nào
người lính phải đứng im?
mắt rực lửa hờn căm
thiêu cháy
lũ giặc điên cuồng
đang nã đạn vào tim
Tháng Ba
đau
một niềm tin
bất tử!
ĐỊNH NGHĨA TỔ QUỐC
Tổ quốc là gì, năm xưa con hỏi
– “Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi”
Những con đường quen thuộc
Hàng cây che bóng mát
Tượng hình vào câu hát
Tuổi cắp sách tới trường
Hôm nay về lại nơi chôn nhau cắt rốn
Càng thấy yêu hơn Tổ quốc mình
Gần gũi, yêu thương và bình dị
Hóa thân vào xứ sở quê hương
Tổ quốc
Không phải con đường ba ngàn tỷ khánh thành xong sập sệ
Không phải những dự án trăm triệu đô hóa đống sắt gỉ
Không phải máy xét nghiệm covid đội giá gấp ba bốn lần
Không phải kẻ khua môi múa mép vì Tổ quốc, vì nhân dân…
Tổ quốc
Là dốc đê chiều trâu đủng đỉnh về thôn
Là lối mòn ra bãi sông phù sa khô cong như bánh tráng
Là cây bạch đàn mấy chục năm cô đơn bên bờ Vụng
Buổi trưa hè lũ trẻ nhảy ùm xuống tắm
Đội nắng trên đầu bằng chiếc lá sen xanh
Là dòng Lam nước không bao giờ cạn
Bao đời nay thỏa cơn khát quê mình
Là bến đò Vạn Rú thuở bố từng sang ngang
Cắt cỏ bên sông để dành bò ăn Tết
Là ngọn núi Trét ưỡn ngực hứng đầy bom đạn giặc
Che chở quê hương đi suốt cuộc trường chinh
Là bờ đê lộng gió nồm mang hơi nước sông Lam
Chiều chiều người lớn rủ nhau ra hóng mát
Bầy trẻ con chơi trò đuổi bắt
Mải mê một cánh diều chao liệng giữa trời xanh
Chuyện quê mình…
Nếu kể hết bố cần “ngàn lẻ một đêm”
Những thường tình tạc nên hình hài Đất Nước
Tổ quốc
Chẳng xa lạ đâu con
Là ông bà, mẹ cha, là chú bác
Là bà con lối xóm buổi mở cày gọi nhau chè chát
Đừng nghĩ xa xôi về Tổ quốc khiến lòng mình phai nhạt
Tổ quốc gần, gần lắm
Trong tim!
Quê Xuân Lâm, 24.6.2020
ÁNH MẮT TRÀ LENG
Ánh mắt em lạc vào cao xanh – vô vọng
Nỗi đau mất mát – tột cùng
Ai đã cướp đi hạnh phúc của đời em
Tám người thân vùi trong bùn đất
Trà Leng chìm trong đổ nát, tan hoang(*)
Tôi thấy trong mắt em, chớp lửa đại ngàn
Hóa vàng những mầm hoang tội ác
Những dự án cướp – giết – hiếp thiên nhiên
Gây thảm họa lũ dâng, lở đất
Mẹ quê hương suốt đời cơ cực
Chưa bao giờ có giây phút bình yên
Ánh mắt em – ánh mắt Trà Leng
Ám ảnh nỗi đau đất nước
Hoang hoải mùa bão giông.
_________
(*) Vụ sạt lở đất kinh hoàng ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) xảy ra cuối tháng 10-2020 khiến hàng chục người chết và mất tích.
NGUYỄN DUY XUÂN
Đăng Hội Nhà văn Việt Nam, 21-5-2021: https://vanvn.vn/chum-tho-nguyen-duy-xuan-da-duong-bien-ran-va-nang-hon/
1 nhận xét:
- in uv Đinh Phan
- in uv
- in uv phẳng
- in uv cuộn
Đăng nhận xét